Yên Định phát triển trang trại chăn nuôi gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường
Chăn nuôi nhỏ lẻ luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng đến môi trường, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân. Chính vì thế, những năm gần đây, huyện Yên Định đã tạo điều kiện, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại. Đây được xem là hướng đi bền vững, giải quyết bài toán về môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trang trại của gia đình anh Nguyễn Việt Dũng, thôn Mai Trung, xã Định Hòa phát triển ổn định, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Đến thăm trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Việt Dũng, thôn Mai Trung, xã Định Hòa, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là không gian thoáng đãng, khá sạch sẽ. Trong khuôn viên của trang trại, từng hàng cây được trồng thẳng lối vừa tạo không gian xanh, điều hòa không khí quanh trang trại. Anh Dũng cho biết: "Năm 2019, gia đình tôi được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho nhận thầu gần 17.000 m2 đất, xây dựng trang trại chăn nuôi lợn thịt. Để có tiền đầu tư, tôi quyết định vay vốn ngân hàng xây dựng 2 khu trang trại chăn nuôi với quy mô gần 1.000 con lợn thịt. Do chăn nuôi quy mô lớn nên gia đình tôi thực hiện chăn nuôi khép kín, quan tâm xử lý mùi và chất thải. Vì vậy, ngoài đầu tư xây dựng khu vực xử lý chất thải, nước thải, như: máy ép phân, xây 2 bể biogas, 1 bể lắng và đào 2 ao sinh học có diện tích 1.200 m2, tôi còn trồng hàng trăm gốc dừa, mít và gỗ lát. Nhờ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường nên chất thải được dẫn về bể tách ép phân, sau đó đến hệ thống xử lý nước thải tập trung. Từ khi sử dụng máy tách ép phân, chất thải chăn nuôi của trang trại không chỉ được xử lý hiệu quả mà lượng chất thải sau khi tách, ép khô trở thành nguồn phân để bón cho cây trồng”.
Gần 3 năm liên kết với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam bao tiêu sản phẩm và được tập huấn, trang bị kiến thức nuôi, phòng dịch, phòng bệnh cũng như xử lý chất thải chăn nuôi và thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, con nuôi của trang trại anh Dũng phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh. Nhờ đó, mỗi năm thu nhập từ 2 lứa lợn được gia đình anh xuất bán, trừ mọi chi phí còn cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Mới đưa vào nuôi dịp giữa năm 2022 nhưng trang trại lợn của gia đình anh Trịnh Hữu Quang, xã Yên Phú cũng được ghi nhận là trang trại bảo đảm vệ sinh môi trường. Với diện tích 2 ha, quy mô 2.400 con lợn thịt, chủ trang trại đã dành nguồn kinh phí khoảng 1 tỷ đồng để mua máy ép phân và xây dựng hệ thống lọc như các bể lọc phân, bể biogas, bể lắng... và ao sinh học thả bèo. Ngoài ra, để tạo bóng mát và không gian xanh trong khuôn viên của trang trại, anh đã mua và trồng nhiều loại cây ăn quả vừa tạo thêm nguồn thu, vừa giảm thiểu khuếch tán mùi ra xung quanh. Nhờ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải đồng bộ nên ô nhiễm môi trường khu vực chăn nuôi không những được giải quyết tốt mà còn tận dụng khí đốt qua bể biogas để nấu ăn, thắp sáng, sưởi ấm cho lợn vào mùa đông và quạt mát vào mùa hè.
Ngoài 2 trang trại của gia đình anh Dũng ở xã Định Hòa và anh Quang ở xã Yên Phú còn nhiều mô hình trang trại chăn nuôi bò, lợn, gà trên địa bàn huyện Yên Định đều quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải nên đã giải quyết cơ bản vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực chăn nuôi.
Đánh giá về hiệu quả của việc phát triển trang trại chăn nuôi gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường, ông Hoàng Văn Tiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Định cho biết: Ngoài hình thành 5 khu trang trại tập trung quy mô lớn tại các xã Định Hòa, Định Bình, Yên Phú, Yên Lâm và thị trấn Quý Lộc, trên địa bàn huyện có hơn 100 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các trang trại này đều được quy hoạch cách xa khu dân cư, đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hầm biogas, hệ thống điều hòa thoáng khí... Các chủ trang trại đều áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, vừa giải quyết bài toán về môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, huyện luôn tạo điều kiện cho Nhân dân chăn nuôi theo hình thức trang trại, chính quyền các địa phương trong huyện đã tích tụ, tập trung đất đai, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư. Các địa phương cũng phối hợp với các đơn vị tư vấn, hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh môi trường cho người dân. Từ đó, các trang trại đã áp dụng, góp phần cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế được rủi ro bởi dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất.