Yên Đồng cẩn trọng với 'bà hỏa' dịp cuối năm
Công tác phòng, chống cháy nổ ở các làng nghề xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc luôn được Đảng ủy, chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm, nhất là dịp cuối năm, lượng hàng hóa sản xuất nhiều cộng với thời tiết hanh khô, nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn.
Hiện nay, xã Yên Đồng có 2 làng nghề truyền thống là làng nghề tái chế phế liệu nhựa ở thôn Đông Mẫu và làng nghề chăn ga, gối đệm, tái chế bông vải sợi ở thôn Gia.
Vào mùa đông, nhất là dịp cuối năm, các cơ sở tư nhân sản xuất, kinh doanh (SXKD) chăn ga, gối đệm, rèm màn có nhiều đơn hàng. Do đó, nguồn nguyên liệu được các hộ SXKD tập kết nhiều, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ bởi sự quá tải của máy móc, kho hàng.
Cộng với đó, sự lơ là, chủ quan của một số cơ sở về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), thời điểm tiết trời hanh khô, rất dễ xảy ra các vụ hỏa hoạn. Thực tế, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn xã Yên Đồng liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy lớn ở làng nghề, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Toàn xã có gần 100 hộ dân phát triển SXKD tái chế bông vải sợi, chăn ga, gối đệm, rèm màn, tập trung các thôn Gia, thôn Mới, thôn Chùa, thôn Đình, thôn Yên Tâm và các hộ thu mua, tái chế nhựa tập trung chủ yếu ở thôn Đông Mẫu.
Hầu hết các gia đình sản xuất chăn ga, gối đệm, bông vải sợi chưa được quy hoạch ra khu sản xuất tập trung, chủ yếu nằm xen kẽ trong các khu dân cư đông người. Qua khảo sát cho thấy, nhiều hộ SXKD ở làng nghề vẫn có tâm lý chủ quan, sử dụng nguồn dây dẫn điện không đảm bảo an toàn; không có nội quy, biển báo về PCCC hoặc có nhưng lại để ở những nơi khó quan sát.
Hệ thống thông gió tại các nhà xưởng của các cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu; các nguyên vật liệu dễ cháy trong khi các phương tiện, thiết bị PCCC tại chỗ như hệ thống máy bơm chữa cháy, họng nước vách tường, hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động cũng không được trang bị đầy đủ.
Vào thời điểm cuối năm, các cơ sở sản xuất làm việc liên tục, máy móc thiết bị được vận hành hết công suất và liên tục dẫn đến nguồn dây điện quá tải dễ phát sinh nhiệt, chỉ bất cẩn tạo một tia lửa nhỏ sẽ khiến lửa bốc cháy lan nhanh, gây khó khăn cho công tác chữa cháy.
Trước những tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao ở các làng nghề, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Đồng Nguyễn Xuân Hùng cho biết: Đảng ủy, UBND xã tích cực chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC trên hệ thống loa truyền thanh xã; thường xuyên vận động, nhắc nhở các hộ dân nhất là các cơ sở SXKD chăn ga, gối đệm, rèm màn nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác PCCC, không được chủ quan, lơ là, luôn nâng cao tinh thần cảnh giác với “giặc lửa”, nhất là thời điểm mùa hanh khô.
Đồng thời, giao lực lượng công an xã tăng cường công tác kiểm tra điều kiện công tác PCCC tại các hộ sản xuất, kinh doanh; phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về PCCC cho các doanh nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ ở các làng nghề.
Chị Nguyễn Thị Thư, thôn Mới, chủ cơ sở kinh doanh phôi đệm bông ép và sản xuất rèm luôn nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác PCCC. Với diện tích xưởng sản xuất trên 200m2 cùng với gần chục lao động, cơ sở của chị trang bị các thiết bị về PCCC như bình xịt, bể nước lắp sẵn các vòi chờ, đồng thời, thường xuyên nhắc nhở người lao động nâng cao ý thức về công tác PCCC.
Chị Thư cho biết: Trước khi hết giờ làm, tôi thường xuyên nhắc công nhân ngắt toàn bộ hệ thống điện trong xưởng; tuyệt đối không để các đồ vật dễ phát sinh lửa gần khu vực vải sợi, phôi đệm. Luôn sắp xếp hàng hóa gọn gàng, ngăn nắp, không đun nấu hay hút thuốc lá ở xưởng sản xuất.
Cũng như cơ sở chị Thư, từ khi được chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về PCCC, chị Nguyễn Thị Thu, chủ cơ sở sản xuất bông vải sợ thôn Gia đã chủ động nâng cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành các quy định về công tác PCCC.
Theo chị Thu, từ khi được hướng dẫn cách đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình sản xuất kinh doanh, chị đã trang bị thêm các phương tiện chữa cháy để kịp thời xử lý nhanh khi có cháy, nổ xảy ra. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra kỹ lưỡng và bảo dưỡng kịp thời nguồn điện, trang thiết bị máy móc sản xuất.