Yên Dũng: Không để ruộng hoang
Thiếu lao động, hiệu quả thấp nên nhiều nông dân không mặn mà làm ruộng, thậm chí bỏ đất hoang. Để tránh lãng phí đất, huyện Yên Dũng đã triển khai những mô hình mới, có chính sách hỗ trợ nhằm động viên người dân không bỏ hoang đồng ruộng.
Câu chuyện của anh Nguyễn Văn Hợi ở thôn Đông Phú, xã Xuân Phú - người đem giống sen mới trồng trên cánh đồng ngập nước giáp đường tỉnh 293 thuộc xã Hương Gián và Xuân Phú, huyện Yên Dũng được nhiều người dân nơi đây biết đến. Bằng sự cần cù, năng động, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của anh mà khu đồng ngập kín lau lách, cỏ dại khi xưa nay khoác lên màu xanh của bạt ngàn sen.
Anh Hợi kể: “Năm 2018, tôi thuê 2 mẫu ruộng trũng để làm thử. Đến năm 2020, tôi tiếp tục thuê thêm hơn 10 ha ruộng nữa của bà con để trồng sen. Đổ vào đây kha khá tiền thuê máy móc dọn cỏ, máy xúc đắp bờ, qua 5 vụ đã cho thấy hiệu quả kinh tế”. Không chỉ dừng lại ở việc xuất bán thô các sản phẩm tươi từ sen (ngó, củ, hoa, lá, hạt), anh Hợi đã mạnh dạn đầu tư thiết bị để sản xuất, chế biến trà củ sen, trà lá sen, trà ướp hoa sen, tinh bột củ sen. Cùng đó, HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Bảo Ngọc được thành lập và phát triển ngay tại quê nhà do chính anh Hợi làm giám đốc.
Hiệu quả kinh tế từ trồng sen là động lực để đầu năm 2024, anh tiếp tục thuê thêm hơn 3 ha đất ở khu vực làng Chỗ, xã Hương Gián. Với diện tích mới này, anh tiếp tục cải tạo, nơi nào ít nước anh vẫn trồng 2 vụ lúa, 1 vụ khoai tây, chỗ trũng hơn trồng sen.
Là phụ nữ nhưng không phải “chân yếu, tay mềm”, năm 2020, chị Phạm Thị Oanh, thôn Ngọc Sơn, xã Quỳnh Sơn đã mạnh dạn thuê, mượn 5.000 m2 đất ở cánh đồng Chằm để xây dựng hai khu nhà màng. Có thời gian dài đi lao động xuất khẩu tại Đài Loan, chị nhận thấy nhu cầu dùng thực phẩm, rau, củ, quả sạch ở đây rất cao, giá trị sản xuất trên đất nông nghiệp cũng rất lớn.
Chị chia sẻ: “Đất đai quê tôi chủ yếu trồng lúa manh mún, chi phí lớn mà hiệu quả không cao là lý do chính dẫn tới bà con không thiết tha với đồng ruộng. Gia đình tôi trước kia cũng bỏ hoang mấy sào đất nông nghiệp. Tấc đất được ví như tấc vàng, nếu biết tính toán vẫn có thể làm giàu trên chính mảnh đất, chân ruộng quê mình. Trước đây công sức bỏ ra lớn, chủ yếu làm thủ công “chân lấm tay bùn”, hoàn toàn phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết thì nay nhờ tích tụ ruộng đất sản xuất tập trung, đầu tư máy móc nên công chăm sóc rất đơn giản, chỉ cần pha phân, ấn nút là tưới bón được ngay. Gia đình đầu tư nhà màng thì càng thuận lợi”.
Được biết, trên diện tích 5.000 m2 nhà màng này, mỗi năm, chị Oanh trồng 2 vụ dưa lưới, 1 vụ rau (bí bao tử, cải làn, súp lơ baby, đậu côve…). Chị Oanh còn thuê thêm 2.800 m2 để trồng dưa hấu và hoa lay ơn ở cánh đồng khác.
Quyết tâm phủ kín màu xanh của lúa, cây màu trên các cánh đồng, UBND huyện Yên Dũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, được bà con nông dân tiếp nhận, hưởng ứng. Điển hình như khi xây dựng nhà lưới, nhà màng sản xuất rau, dưa ứng dụng công nghệ cao, bà con được hỗ trợ 40% kinh phí xây dựng nhà lưới, nhà màng, nhưng không quá 500 triệu đồng/mô hình. Hỗ trợ vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các mô hình ứng dụng công nghệ cao, mức hỗ trợ 50% kinh phí, không quá 30 triệu đồng/2.000 m2.
Hỗ trợ không quá 70% kinh phí mua giống lúa mới để bổ sung vào cơ cấu giống lúa của huyện. Hỗ trợ các mô hình sản xuất lúa và cây rau màu theo hướng hữu cơ, mức hỗ trợ không quá 70% kinh phí mua giống vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hỗ trợ các vùng sản xuất rau hàng hóa tập trung đối với cây rau màu chế biến có quy mô từ 5 ha trở lên và cây rau màu thương phẩm từ 10 ha trở lên, mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ha. Nuôi ốc nhồi ta diện tích từ 1 đến 2 ha trở lên hỗ trợ không quá 70% kinh phí mua giống, chế phẩm sinh học để xử lý môi trường ao nuôi.
Năm 2023, tổng diện tích đất lúa đã chuyển đổi sang trồng các loại cây khác là 31,81 ha. Năm 2024, dự kiến chuyển đổi 57,6 ha cây trồng trên đất lúa. Huyện đã xây dựng và phát triển được một số nhãn hiệu hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực, đặc trưng như: Gạo thơm Yên Dũng, rau sạch Yên Dũng, khoai tây Sao Thần Nông...
Hỗ trợ sản xuất vụ đông, giống lúa thuần chất lượng... Cùng đó, huyện đầu tư cứng hóa hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, đường điện phục vụ sản xuất; đào tạo, tập huấn, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các mô hình. Toàn huyện đã quy hoạch được 4 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với hơn 50 mô hình ứng dụng công nghệ cao (làm nhà lưới, có hệ thống tưới tiêu, bón phân tự động). Tích cực hỗ trợ nông dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy HTX xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Điển hình như HTX Nông nghiệp sạch Thùy Dương chuyên sản xuất tinh bột nghệ; HTX Rau sạch Yên Dũng sản xuất rau an toàn cung cấp cho các siêu thị trong và ngoài tỉnh; HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên sản xuất dưa trong nhà màng, nhà lưới; HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Bảo Ngọc sản xuất các sản phẩm từ cây sen… Đặc biệt với những cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa chất lượng cao, có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, thương hiệu “Gạo thơm Yên Dũng” đã lan xa, nông dân hào hứng canh tác hết diện tích, không có ruộng bỏ hoang những năm gần đây.
Đồng chí Khổng Minh Tùng, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Yên Dũng cho biết: Bằng sự năng động của người dân kèm theo những chính sách hỗ trợ, diện mạo ngành Nông nghiệp của huyện ngày càng khởi sắc, thu nhập từ đồng ruộng từng bước được nâng cao. Huyện đã xây dựng và phát triển được một số nhãn hiệu hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực, đặc trưng như: Gạo thơm Yên Dũng, rau sạch Yên Dũng, khoai tây Sao Thần Nông...
Với diện tích đất trồng lúa là hơn 7.200 ha, năm 2023, toàn huyện đã chuyển đổi 31,81 ha sang trồng cây khác cho giá trị kinh tế cao hơn; năm 2024, dự kiến chuyển đổi 57,6 ha. Khắc phục tình trạng không canh tác nhưng lại có tư tưởng sợ mất ruộng nên giữ, các địa phương khuyến khích bà con vào các nhóm hộ, HTX hoặc cho mượn, cho thuê lại để tránh lãng phí đất.
Bài, ảnh: Thu Phong
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/yen-dung-khong-de-ruong-hoang-084849.bbg