Yên Khánh: Dân chủ, trách nhiệm trong góp ý sửa đổi Hiến pháp

Thực hiện chủ trương của Trung ương và kế hoạch của tỉnh, huyện Yên Khánh đang triển khai sâu rộng việc lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong huyện, thể hiện tinh thần dân chủ và trách nhiệm của mỗi công dân đối với tương lai của đất nước.

Đoàn viên thanh niên huyện Yên Khánh đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thông qua phần mềm của Trung ương Đoàn.

Đoàn viên thanh niên huyện Yên Khánh đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thông qua phần mềm của Trung ương Đoàn.

Ngay sau khi nhận được chỉ đạo từ cấp trên, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Yên Khánh đã khẩn trương ban hành Kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. UBND huyện yêu cầu các cấp, các ngành tổ chức lấy ý kiến Nhân dân một cách dân chủ, công khai, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả, tránh qua loa, hình thức, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng của đợt lấy ý kiến. Phòng Tư pháp được giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, tổng hợp ý kiến và báo cáo, đảm bảo mọi ý kiến đóng góp đều được lắng nghe và ghi nhận.

Công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa, nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được đặc biệt chú trọng. Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn mở các chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền, phổ biến, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến. Các hình thức tuyên truyền đa dạng được triển khai như thông qua hệ thống truyền thanh của huyện và các xã, thị trấn; tổ chức các hội nghị, buổi nói chuyện, tọa đàm tại các cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư; đăng tải toàn văn dự thảo Nghị quyết và các tài liệu liên quan trên các trang thông tin điện tử của huyện và các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện. Nhiều panô, áp phích, băng rôn với các khẩu hiệu tuyên truyền được treo ở những nơi công cộng, thu hút sự chú ý của người dân.

Các hình thức lấy ý kiến được triển khai linh hoạt và đa dạng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia. Bên cạnh các hình thức truyền thống lấy ý kiến trực tiếp, huyện Yên Khánh chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, hướng dẫn người dân có thể đóng góp ý kiến trực tiếp trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ (hình thức này được đánh giá cao về tính kịp thời và phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay) hoặc gửi ý kiến bằng văn bản đến UBND huyện (qua Phòng Tư pháp) hoặc UBND các xã, thị trấn. Nhằm đảm bảo việc ghi nhận ý kiến đầy đủ, chính xác và khách quan, cán bộ các cấp đã được tập huấn kỹ lưỡng về quy trình và phương pháp tổ chức lấy ý kiến.

Huyện cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức chủ động, căn cứ tình hình thực tế, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để thu thập ý kiến từ các đối tượng thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời, UBND các xã, thị trấn tổ chức lấy ý kiến Nhân dân bằng các hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thời gian lấy ý kiến được xác định cụ thể từ ngày 6/5/2025 đến ngày 5/6/2025.

Không khí tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết diễn ra sôi nổi, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhân dân huyện Yên Khánh đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân thuộc mọi thành phần, lứa tuổi đã tích cực nghiên cứu dự thảo Nghị quyết, thẳng thắn bày tỏ quan điểm, đề xuất những ý kiến tâm huyết, góp phần hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Bà Nguyễn Thị Len, xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh chia sẻ: “Tôi đặc biệt quan tâm việc sửa đổi, bổ sung Điều 9 trong Dự thảo Nghị quyết. Trong đó khẳng định: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân". Tôi cho rằng đây là một sự bổ sung quan trọng, làm rõ hơn vai trò và vị trí của Mặt trận trong hệ thống chính trị của đất nước ta. Bên cạnh đó, việc dự thảo Nghị quyết đã bổ sung thêm nhiệm vụ phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan Nhà nước cho MTTQ Việt Nam cũng rất thiết thực. Tôi kỳ vọng rằng, với những sửa đổi, bổ sung này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ ngày càng phát huy tốt hơn vai trò là cầu nối giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước, thực sự là tiếng nói mạnh mẽ của người dân chúng tôi”.

Đồng chí Nguyễn Thế Quang, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh cho biết: Đảng ủy, chính quyền xã đã quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa của việc lấy ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Người dân trong xã rất tích cực tham gia, trong đó hình thức đóng góp ý kiến qua ứng dụng VNeID được đông đảo người dân hưởng ứng, nhiều ý kiến đóng góp rất sâu sắc và trách nhiệm, đặc biệt là người dân quan tâm đến những điều chỉnh liên quan đến việc quy định rõ vai trò của MTTQ, với vai trò là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết, một bộ phận của hệ thống chính trị, tạo cơ sở cho việc sắp xếp khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, tránh tình trạng 1 việc giao nhiều người, 1 người tham gia nhiều tổ chức.

Một nội dung nữa được Nhân dân tâm huyết tham gia đóng góp là về nội dung sửa đổi Điều 110 về tổ chức chính quyền địa phương. Người dân rất tâm đắc việc Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp trên cơ sở phân định thẩm quyền. Điều này sẽ tạo sự thống nhất và rõ ràng hơn trong việc phân cấp hành chính, tạo cơ sở cho việc sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp, tránh sự chồng chéo trong thực thi công vụ của các cơ quan, giúp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và gần dân, sát dân hơn. Chúng tôi tin rằng, với những sửa đổi này, bộ máy chính quyền địa phương sẽ được kiện toàn, hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu và nguyện vọng của Nhân dân.

Đồng chí Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Bí thư Huyện đoàn Yên Khánh chia sẻ: Qua quá trình nghiên cứu dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tôi nhận thấy việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong Hiến pháp là rất kịp thời và cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang tiến hành sắp xếp, kiện toàn bộ máy của hệ thống chính trị. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những nội dung liên quan trực tiếp đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, như tại Điều 9 và Điều 84 của dự thảo.

Thực hiện kế hoạch của cấp trên, Huyện đoàn Yên Khánh đã triển khai sâu rộng việc lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đến 100% các cấp bộ đoàn trên địa bàn huyện. Thời điểm này, chúng tôi đang tập trung triển khai và thu thập ý kiến đóng góp từ đoàn viên, thanh niên. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đóng góp ý kiến, thông qua các hội nghị của tổ chức Đoàn thanh niên, chúng tôi đã hướng dẫn đoàn viên, thanh niên truy cập vào đường link chính thức của Trung ương Đoàn để nghiên cứu kỹ lưỡng dự thảo Nghị quyết và thể hiện quan điểm, ý kiến của mình. Bước đầu, qua quá trình lấy ý kiến, chúng tôi nhận thấy đa số cán bộ, đoàn viên, thanh niên đều bày tỏ sự đồng tình cao với những sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Nghị quyết.

Theo đánh giá ban đầu, công tác lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại huyện Yên Khánh đang diễn ra nghiêm túc, dân chủ, đúng quy trình và tiến độ. Các ý kiến đóng góp của người dân được tổng hợp đầy đủ, trung thực để báo cáo lên cấp trên theo quy định.

Việc triển khai lấy ý kiến các tầng lớp Nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tại huyện Yên Khánh không chỉ góp phần hoàn thiện văn kiện pháp lý quan trọng của đất nước mà còn thể hiện rõ nét tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng vững mạnh. Đây thực sự là một đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa sâu sắc, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Kiều Ân - Trường Giang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/yen-khanh-dan-chu-trach-nhiem-trong-gop-y-sua-doi-hien-phap-058188.htm