Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, nâng cao hiệu lực hệ thống chính trị
Ngày 5/5/2025, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 194/2025/QH15 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Theo đại tá, đảng viên Trịnh Thanh Phi (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đây là bước đi quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013:

Đại tá, đảng viên Trịnh Thanh Phi. Ảnh: NVCC
Khẳng định vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền
Đại tá Trịnh Thanh Phi cho biết, những nội dung sửa đổi lần này tập trung vào các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Để bảo đảm sự đồng thuận, tập trung trí tuệ của toàn xã hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã ban hành bản thuyết minh dự thảo kèm bản so sánh nội dung sửa đổi, bổ sung. Việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân là minh chứng cho quá trình thực thi dân chủ xã hội chủ nghĩa, khẳng định tinh thần cầu thị, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ trước Nhân dân.
Việc làm này thể hiện nghiêm túc thực thi dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền và lợi ích của công dân, toàn thể Nhân dân với sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, phù hợp với việc xây dựng nâng cao sức mạnh của Nhà nước pháp quyền, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển mới của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đồng thời, thể hiện sự tôn trọng của Quốc hội, Nhà nước với quyền làm chủ của Nhân dân, bác bỏ các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về tính áp đặt trong sửa đổi Hiến pháp.
Sau khi nghiên cứu các nội dung Ủy ban dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, là cựu chiến binh, công dân của Thủ đô, ông Trịnh Thanh Phi nêu ý kiến cụ thể:
Đồng tình với các nội dung sửa đổi tại Điều 9 của Hiến pháp: Điểm 1 - (Đoạn 2) sau cụm từ “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” nhất trí bổ sung câu “là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” và sau câu “tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” (Hiến pháp năm 2013) bổ sung “thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”. Nhất trí bổ sung câu “Phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan Nhà nước”.
Điều này làm rõ tính chính danh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị, đồng thời phát huy vai trò đại diện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Bên cạnh đó, việc bổ sung vai trò “phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan Nhà nước” là cần thiết, nhằm khẳng định vai trò cầu nối giữa Nhân dân và Nhà nước.
Điểm 2 - Điều 9: Sau “chính trị - xã hội” nhất trí bổ sung “trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” để đồng bộ với cơ cấu tổ chức Đảng hiện nay.
Điểm 3 - Điều 9 nhất trí như nội dung sửa đổi, bổ sung.
Tại Điều 10, đại tá Trịnh Thanh Phi tán thành nội dung sửa đổi khẳng định Công đoàn Việt Nam là đại diện chính thức ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế. Xác định là bước đi cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động, đồng thời chống lại sự mạo danh, lợi dụng từ các tổ chức, cá nhân thiếu cơ sở pháp lý.
Cụ thể, nhất trí bổ sung mới câu “Là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về lao động và công đoàn”.
Tại Điều 84, việc quy định chỉ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới có quyền trình dự án luật là phù hợp với tinh thần tổ chức lại bộ máy chính trị một cách đồng bộ, rõ ràng, giảm trùng lặp và hợp lý hóa chức năng các tổ chức chính trị - xã hội.
Với Điều 110, việc bỏ quy định “phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương” khi điều chỉnh đơn vị hành chính là thiết thực trong bối cảnh đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương mà vẫn bảo đảm sự giám sát gián tiếp thông qua đại diện dân cử.
Đại tá Trịnh Thanh Phi cũng hoàn toàn nhất trí với các sửa đổi tại các điều từ Điều 111 đến Điều 115, trong đó đáng chú ý là việc thay từ “thủ trưởng” bằng cụm từ “người đứng đầu” - mang lại tính khái quát, thống nhất với cách diễn đạt hiện hành trong các văn bản pháp luật.

Người dân thực hiện truy cập đọc nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp và góp ý trên VNeID với một vài bước đơn giản. Ảnh: Mộc Miên
Kỳ vọng vào một bản Hiến pháp sửa đổi chất lượng, khả thi
Tại Điều 116, đại tá Trịnh Thanh Phi kiến nghị điều chỉnh lại đoạn: “Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thực hiện chế độ thông báo tình hình của địa phương cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Nhân dân” thành câu hoàn thiện: “Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thực hiện chế độ thông báo tình hình địa phương cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam địa phương” để tăng tính hiệu quả, gọn nhẹ trong tổ chức và thông tin.
Sửa đổi cụm từ trên giúp đơn giản hóa bộ máy, giảm thủ tục mời đại diện các đoàn thể, đồng thời vẫn đảm bảo Mặt trận giữ vai trò điều phối, thông tin đầy đủ tới các tổ chức thành viên khi cần thiết. Việc này tăng tính chủ động, linh hoạt và tinh gọn trong quản lý.
Thông qua việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân, đại tá Trịnh Thanh Phi tin tưởng, bản Hiến pháp sửa đổi - bổ sung năm 2025 sẽ là một bước ngoặt trong việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với yêu cầu phát triển mới trong kỷ nguyên hội nhập và chuyển đổi số.
Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân nghiêm túc, bài bản, cầu thị sẽ giúp Quốc hội có thêm cơ sở để chọn lọc, tiếp thu, thảo luận và quyết nghị một văn bản Hiến pháp có chất lượng cao, thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.