Yên Lạc (Vĩnh Phúc): Cần phát huy tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện, phồn vinh
Chiều 16/3, Thường trực Tỉnh ủy có buổi làm việc với huyện Yên Lạc về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 và các giải pháp định hướng phát triển huyện Yên Lạc trong thời gian tới.
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, huyện Yên Lạc cơ bản đạt các chỉ tiêu về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị theo mục tiêu Đại hội. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện đã kết nạp được hơn 400 đảng viên, đạt gần 46% mục tiêu Đại hội. Trong đó, thực hiện chủ trương giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho người đứng đầu và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm là khâu đột phá; công tác luân chuyển cán bộ được triển khai khách quan, công bằng.
Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đến cuối năm 2022, huyện đã đạt và vượt 17/32 chỉ tiêu, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,1%/năm, thu nhập bình quân đạt 65 triệu đồng/người/năm.
Nhiều công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội có quy mô lớn được hoàn thành, diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi. Nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp tồn đọng kéo dài được giải quyết. Huyện đã đưa vào sử dụng quảng trường văn hóa và sân vận động huyện. Xây dựng xong 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 39 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu đến năm 2024, huyện trở thành huyện nông thôn mới nâng cao.
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong huyện được cải thiện và nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn dưới 1,01%. Công tác quốc phòng - an ninh được củng cố và giữ vững. Công tác đảm bảo trật tự, an toàn xã hội được thực hiện tốt.
Thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh, đến nay, huyện đã tập trung đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào trồng trọt nhằm tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và quản lý có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đưa huyện Yên Lạc đứng top đầu trong tỉnh về giáo dục đào tạo; chú trọng nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Năm 2021 và 2022, Đảng bộ huyện được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Lạc đề xuất nhiều giải pháp phát triển huyện trong thời gian tới, trong đó, đề nghị tỉnh cho chủ trương và sớm phê duyệt quy hoạch xây dựng huyện Yên Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ưu tiên hỗ trợ nguồn lực để huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao và thực hiện các dự án tôn tạo, phát huy giá trị di tích quốc gia, trong đó có di tích Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu; xem xét quy hoạch các khu, cụm công nghiệp mới.
Chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, thúc đẩy phát triển các khu vực sản xuất, kinh doanh tại xã Đồng Văn, Tề Lỗ, Trung Nguyên; ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn và cơ chế để huyện đầu tư một số cơ sở hạ tầng quan trọng như xây dựng trung tâm hội nghị và sự kiện huyện; xây dựng trường THCS trọng điểm của huyện, xây dựng tổ hợp cung văn hóa thiếu nhi kết hợp hồ điều hòa, công viên, cây xanh… Tháo gỡ khó khăn để huyện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao năm 2023.
Tại Hội nghị, các đại biểu đề nghị huyện Yên Lạc tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp các công trình văn hóa; bố trí nguồn lực xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường giao thông trọng điểm; giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm đất đai, đảm bảo nước sạch vệ sinh môi trường; chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái; quan tâm tạo nguồn cán bộ kế cận, cán bộ trẻ, cán bộ nữ.
Chủ động các giải pháp đổi mới sinh hoạt Chi bộ ở cấp cơ sở; chú trọng công tác luân chuyển cán bộ, bố trí Bí thư, Chủ tịch UBND xã, thị trấn không phải người địa phương, nâng cao tỷ lệ trưởng thôn là đảng viên…
Đánh giá cao kết quả huyện Yên Lạc đạt được sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, Đảng bộ huyện Yên Lạc luôn đoàn kết và có khát vọng vươn lên, đây chính là yếu tố, động lực quyết định đến việc thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Muốn vậy, huyện cần khai thác, phát huy tốt các tiềm năng lợi thế riêng để tạo động lực phát triển.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định Yên Lạc là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội, có nhiều làng nghề truyền thống đặc trưng, nhiều cụm công nghiệp, là địa phương đứng top đầu của tỉnh về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí yêu cầu huyện cần thẳng thắn nhìn nhận, tập trung tháo gỡ, giải quyết dứt điểm những khó khăn, tồn tại, chú trọng công tác tạo nguồn cán bộ, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở; giải quyết tồn tại về vi phạm đất đai, ô nhiễm môi trường tại các làng nghề…
Đối với các kiến nghị, đề xuất của huyện liên quan đến vấn đề quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp, xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, xây dựng công trình văn hóa di tích di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu; phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị; phát triển các cụm công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề tại xã Tề Lỗ, Trung Nguyên, Đồng Văn, xây dựng Làng văn hóa trọng điểm… Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý chủ trương, đề xuất của huyện và giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành liên quan phối hợp giúp huyện sớm triển khai.
Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan giải quyết dứt điểm các vướng mắc của dự án cải tạo, nâng cấp đê tả sông Hồng kết hợp đường giao thông trên địa phận huyện Yên Lạc; các vướng mắc về công tác bảo đảm an ninh trật tự, giải quyết các vụ việc tồn đọng kéo dài.