Yên Minh, hàng trăm hộ dân ổn định đời sống nơi ở mới
Những ngôi nhà kiên cố, những xóm dân cư được di chuyển từ vùng núi cao, vùng có nguy cơ sạt lở nay đang từng bước ổn định cuộc sống. Sau 2 năm thực hiện, Đề án Quy tụ dân cư của UBND tỉnh giai đoạn 2018-2020, huyện Yên Minh đã quy tụ được hàng trăm hộ về nơi ở mới, người dân yên tâm lao động sản xuất, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn.
Phú Lũng là xã biên giới đầu tiên của tỉnh hoàn thành tiêu chí về nhà ở; xã đã kết hợp linh hoạt việc thực hiện Đề án Quy tụ dân cư gắn với Chương trình xây dựng NTM, xã chỉ đạo cán bộ trực tiếp đến từng nhà để rà soát chi tiết, đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân nắm bắt được nội dung của đề án… Bí thư Đảng ủy xã, Nguyễn Cao Cường, cho biết: Xã có 58 hộ với 267 khẩu được hỗ trợ; trong đó, có 8 thôn nội địa và 4 thôn biên giới với tổng kinh phí 2.306 triệu đồng.
Từ khi triển khai đề Đề án Quy tụ dân cư, huyện đã chủ động bám sát các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn của tỉnh, chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với các ngành chuyên môn rà soát các nhóm đối tượng cần phải di chuyển; trong đó, ưu tiên bố trí, sắp xếp cho các hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, sinh sống rải rác xa trung tâm, vùng biên giới; các điểm bố trí dân cư được huyện tận dụng khai thác triệt để các cơ sở hạ tầng đã được đầu tư... Theo đó, trong 2 năm qua, huyện đã hỗ trợ trực tiếp được 513 hộ với hình thức di chuyển xen ghép và ổn định tại chỗ. Trong đó, hỗ trợ thôn biên giới di chuyển xen ghép 34 hộ; hỗ trợ thôn nội địa xã biên giới di chuyển xen ghép 66 hộ; hỗ trợ xã nội địa di chuyển xen ghép 225 hộ; hỗ trợ ổn định tại chỗ được 158 hộ với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND huyện Yên Minh, Phan Thị Minh, cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện, nhờ có sự hỗ trợ, quan tâm của tỉnh, các ngành chuyên môn nên đã tạo điều kiện thuận lợi để huyện hoàn thành đề án. Cùng với đó là hằng năm phân bổ và cấp kinh phí được thực hiện kịp thời và đầy đủ, từ đó đã đem lại những hiệu quả cụ thể cho các hộ được hỗ trợ theo đề án, như: Đời sống dân cư ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn được đổi mới, chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng cao, các nhu cầu sinh hoạt ăn ở, đi lại, học hành, y tế và văn hóa được đảm bảo và thuận lợi hơn trước.
Bài, ảnh: Hồng Cừ