Yên Mô: Khi chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp
Thực hiện thông điệp 'Đồng hành - Hợp tác - Phát triển', thời gian qua, huyện Yên Mô đã quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư
Trên địa bàn huyện Yên Mô hiện có trên 200 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm cho trên 12.000 lao động thường xuyên, với mức thu nhập từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng góp phần ổn định việc làm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong huyện; doanh thu của doanh nghiệp đóng góp một phần quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. Các doanh nghiệp cũng đã thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và phát triển Đại Kim cho biết: Công ty được thành lập từ năm 2012, ngành nghề kinh doanh vật liệu xây dựng. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội Doanh nghiệp huyện, Công ty từ một doanh nghiệp với xuất phát điểm thấp, từ tài chính kinh tế, đến kinh nghiệm chuyên môn, đến nay đã áp dụng công nghệ, quản lý doanh nghiệp đạt kết quả tốt. Doanh thu từ 10 tỷ đồng, tăng dần trong các năm, đến nay đạt 100 tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm cho hơn 40 lao động; thu nhập bình quân từ 7 đến 30 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm Công ty đóng thuế cho Nhà nước và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động. Trong nước, một số ngành thiếu đơn hàng xuất khẩu, chỉ hoạt động cầm chừng. Trên địa bàn huyện, nhiều doanh nghiệp cũng thiếu đơn hàng, thiếu nguồn vốn hoạt động, gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Trước tình hình đó, huyện đã bám sát chủ đề công tác năm "Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thực chất",chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện giải ngân các dự án đầu tư công; các doanh nghiệp trên địa bàn đã nỗ lực từng bước vượt qua khó khăn, cùng cấp ủy, chính quyền các cấp phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH bảo tồn và phát triển Gốm Bồ Bát.
Đồng chí Đặng Thái Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Mô chia sẻ: Trong những năm qua, huyện Yên Mô luôn xác định kinh tế tư nhân là động lực chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội và đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, đóng góp to lớn đối với sự phát triển của huyện. Do vậy, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện luôn tập trung chỉ đạo, thực hiện nhất quán chủ trương "Chính quyền đồng hành, gắn bó, chia sẻ" cùng cộng đồng doanh nghiệp với phương châm "Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hướng đến doanh nghiệp", tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển.
Những kết quả tích cực đạt được thời gian vừa qua là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó bao hàm cả sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh và của huyện, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, đơn vị và nhất là sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đã thấu hiểu, chia sẻ cùng chính quyền, thực hiện các biện pháp chủ động thích ứng, vượt qua mọi khó khăn, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Xây dựng chính quyền cầu thị
Với những nỗ lực của chính quyền địa phương, năm 2022, chỉ số cải cách hành chính của huyện Yên Mô đứng thứ nhất toàn tỉnh. Tuy nhiên, Chỉ số năng lực cạnh tranh của huyện xếp thứ 8/8 huyện, thành phố.
Đồng chí Chủ tịch UBND huyện thẳng thắn chia sẻ: Đây là chỉ số đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn đối với chính quyền về xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và chất lượng điều hành kinh tế cho việc phát triển doanh nghiệp tư nhân. Như vậy, qua chỉ số DDCI, có thể thấy rằng cảm nhận của doanh nghiệp hay nói đúng hơn là một bộ phận doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể - những người được lựa chọn tham gia đánh giá về hoạt động của chính quyền là chưa hài lòng.
Điều này có lỗi của phía chính quyền, trực tiếp là UBND huyện và các phòng, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn đã thực hiện chưa tốt một số vấn đề về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, về giải quyết thủ tục hành chính; đặc biệt là thông tin, tuyên truyền để doanh nghiệp nắm bắt được chủ trương, chính sách và những việc huyện đã và đang làm.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp xử lý các dự án đầu tư công triển khai chậm tiến độ, nợ xây dựng cơ bản, đồng thời tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư công, công tác bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản, quản lý trật tự xây dựng; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, đấu giá giá trị quyền sử dụng đất. Do vậy, một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng về quyền lợi và có tâm lý không hài lòng như: nhà thầu của dự án đầu tư công bị cắt giảm do khó khăn về nguồn vốn, một số doanh nghiệp bị xử phạt hành chính trong hoạt động khai thác khoáng sản; xử lý do vi phạm quy định về môi trường; vi phạm về đất đai...
Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, việc tăng cường công tác quản lý, nhất là xử lý nghiêm đối với các vi phạm sẽ làm tăng cường sự cạnh tranh, minh bạch, lành mạnh của môi trường đầu tư. Chủ trương của huyện là tháo gỡ thực chất, tạo điều kiện tối đa trong khuôn khổ quy định của pháp luật để các dự án có khả năng tiếp tục thực hiện, sớm đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Yên Mô sẽ tiếp tục đổi mới trong tiếp cận vấn đề, phương thức làm việc và cách thức chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc, tăng cường thảo luận, phát huy tinh thần dân chủ, đoàn kết, quyết tâm cao nỗ lực xây dựng chính quyền cầu thị, vì dân, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Quyết liệt chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ công chức, chuyển đổi triệt để và thực chất phong cách làm việc từ "quản lý" sang "phục vụ", lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm.