Yên Phụ - Hà Nội: Dân đồng thuận, nếu dự án 161 Yên Phụ triển khai đúng mục đích an sinh xã hội

c xác định là một trong những dự án trọng điểm của TP. Hà Nội, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Dự án Xây dựng khu cây xanh, kết hợp sân thể thao và công trình dịch vụ công cộng tại 161 Yên Phụ (phường Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) vẫn chưa được triển khai.

Nguyên nhân được xác định là do vướng mắc trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với một hộ gia đình cuối cùng là hộ bà Trịnh Thị Bích Hiền.

Tính pháp lý của dự án đã rõ ràng?

Theo bà Trịnh Thị Bích Hiền, gia đình bà sử dụng căn nhà 2,5 tầng trên diện tích khoảng 130m2 ở số 163 Yên Phụ, là hộ gia đình duy nhất tại dự án Xây dựng khu cây xanh, kết hợp sân thể thao và công trình dịch vụ công cộng tại 161 Yên Phụ (Dự án 161 Yên Phụ) chưa chấp thuận phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, phần diện tích của gia đình bà Hiền nằm trong khu vực quy hoạch Dự án 161 Yên Phụ (khu vực Miếu Hai cô). Tuy nhiên, bà Hiền cho rằng phần diện tích của gia đình bà không liên quan đến dự án của Công ty TNHH Ngọc Linh (doanh nghiệp được UBND TP Hà Nội giao đất thực hiện triển khai Dự án 161 Yên Phụ), do đó bà nghi ngờ tính pháp lý của dự án.

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện UBND quận Tây Hồ và được biết, ngày 08/3/1999, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 1057/QĐ-UB về việc, phê duyệt dự án đền bù khi sử dụng đất thuộc khu vực miếu Hai Cô, phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) để phục vụ cải tạo, chỉnh trang đê nội thành…

Sau đó, ngày 31/12/2004, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 9766/QĐ-UB, cho phép Công ty TNHH Ngọc Linh làm thủ tục nhận quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng có tính chất kinh doanh tại số 151 (sau đó là số 161 Yên Phụ). Đến ngày 13/7/2007, UBND TP Hà Nội lại có Quyết định về việc cho phép Công ty TNHH Ngọc Linh sử dụng diện tích 3.931m2 đất tại số 151 Yên Phụ, phường Yên Phụ, Tây Hồ để thực hiện dự án xây dựng Khu cây xanh, kết hợp sân thể thao và công trình dịch vụ công cộng có tính chất kinh doanh.

Theo đó, trong tổng số diện tích 3.931m2 đất, có 1.530m2 đất giới hạn để trồng cây xanh, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và công trình dịch vụ công có tính chất kinh doanh (trong đó có 312m2 đất giới hạn để xây dựng công trình, tuyệt đối không được xây dựng nhà ở bán và cho thuê); 1.931m2 đất chỉ được phép sử dụng tạm thời làm sân thể thao, bãi đỗ xe; 285m2 được làm đường quy hoạch, vỉa hè và trồng cây xanh sử dụng chung trong khu vực, tuyệt đối không được xây dựng công trình, kể cả tường rào…

Như vậy, tính pháp lý của dự án, cũng như vai trò của Công ty TNHH Ngọc Linh tại Dự án 161 Yên Phụ đã rõ. Tuy nhiên, bà Hiền cho rằng ngày 31/10/2019 vừa qua, UBND quận Tây Hồ có Quyết định số 2889/QĐ–CTUBND về việc, cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc đối với gia đình bà là không đúng. Cụ thể, hiện gia đình bà đang sinh sống tại số 163 Yên Phụ, Tây Hồ, nhưng Dự án lại triển khai tại số 161 Yên Phụ?

Liên quan đến vấn đề này, đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết: ngày 27/6/2019, UBND TP Hà Nội có văn bản số 5908/VP-ĐT đề cập việc giải phóng mặt bằng dự án khu cây xanh, kết hợp sân thể thao tại 161 Yên Phụ, trong đó có nêu rõ Dự án 161 Yên Phụ (nay là 163 Yên Phụ) và yêu cầu UBND quận Tây Hồ khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố để triển khai giải phóng mặt bằng tại dự án trên.

Đề nghị xem xét lại mức bồi thường

Trước Quyết định về việc cưỡng chế, thực hiện kiểm đếm bắt buộc đối với gia đình bà Trịnh Thị Bích Hiền tại Dự án 161 Yên Phụ từ UBND quận Tây Hồ, bà Hiền cho biết bà hoàn toàn đồng thuận nếu dự án được triển khai đúng mục đích sử dụng: xây dựng các công trình công cộng, công trình an sinh xã hội… Nhưng, theo bà Hiền, dự án này có một phần sử dụng để kinh doanh, do đó cần phải được thỏa thuận về mức giá bồi thường với người dân.

Thậm chí, bà Trịnh Thị Bích Hiền còn so sánh mức giá bồi thường giữa gia đình bà và một số hộ dân khác tại Dự án có mức bồi thường lớn hơn, so với mức bồi thường, giải phóng mặt bằng mà gia đình bà được đề xuất nhận để di dời, giải tỏa. Bà Hiền nói: “Nếu là dự án kinh doanh thì cần phải thỏa thuận về mức giá bồi thường, giải phóng mặt bằng với người dân, còn nếu chứng minh rõ ràng cho gia đình tôi được biết dự án được triển khai vào mục đích an sinh xã hội, mục đích công cộng… thì gia đình sẽ hoàn toàn chấp thuận với phương án bồi thường mà các cấp đưa ra, thậm chí sẵn sàng nhận mức bồi thường thấp hơn, nếu dự án triển khai đúng mục đích”.

Bà Hiền đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của quận và thành phố cần xem xét lại quy trình triển khai dự án, xem xét lại các quyết định, thậm chí xem xét lại mức bồi thường đã hợp lý chưa. Nếu đúng là dự án, quy hoạch đã được phê duyệt thì cần phải chứng minh rõ ràng; còn nếu không đúng theo quy hoạch thì cần hủy bỏ các quyết định đã ban hành.

Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin./.

Đắc Nguyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/yen-phu--ha-noi-dan-dong-thuan-neu-du-an-161-yen-phu-trien-khai-dung-muc-dich-an-sinh-xa-hoi-post71488.html