Yên tâm nhường đất làm cao tốc Dầu Giây - Tân Phú

Tỉnh Đồng Nai đang chuẩn bị các khu tái định cư cho người dân nhường đất làm cao tốc Dầu Giây - Tân Phú nhằm tránh vết xe đổ của các dự án trước đó.

Người dân yên tâm nhường đất

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, hiện các huyện Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán (Đồng Nai) đang chuẩn bị các khu tái định cư để phục vụ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú. Mục đích để người dân có nơi ở ổn định khi di dời, dễ dàng hơn cho công tác giải phóng mặt bằng.

Anh Phạm Đăng Tuấn, người dân nhường đất làm cao tốc mong muốn được tái định cư.

Anh Nguyễn Xuân Tuấn (ngụ huyện Tân Phú) cho hay, gia đình anh có dự án đi qua rẫy nhà nên mất khoảng 5.000m2 đất và sẽ cần đất tái định cư. Qua tìm hiểu, anh Tuấn biết huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai khu tái định cư hơn 11ha ở xã Phú Bình nên rất an tâm.

"Tôi chỉ lo hai việc là giá bồi thường và nơi ở mới. Tôi thấy vị trí làm khu tái định cư ở xã Phú Bình rất đẹp, gần các tuyến đường lớn, gần trường học và di chuyển về trung tâm huyện thuận lợi. Hơn nữa, ở khu tái định cư gần nơi ở cũ nên tôi vẫn qua lại, thăm nom cha mẹ, các anh chị em trong nhà dễ dàng", anh Tuấn nói.

Chị Nguyễn Thị Huệ (ngụ huyện Định Quán) băn khoăn: "Tôi thấy huyện có kế hoạch xây dựng mấy khu tái định cư nhưng giờ tôi cũng chưa rõ là nhà mình bị lấy đất như thế nào, có phải đi tái định cư không. Nhưng dù sao thấy huyện quan tâm, chuẩn bị nơi ở mới cho bà con nên cũng an tâm".

Thuận tiện kết nối giao thông

Ông Mai Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết, với cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, thống kê trước mắt cho thấy, dự án chỉ đi qua đất rẫy nên không phải bố trí tái định cư cho người dân. Tuy nhiên, để tránh bị động, huyện đang chuẩn bị 3 khu tái định cư để phục vụ các dự án lớn ở địa phương.

Quốc lộ 20 hiện hữu nay đã quá tải, thường xuyên kẹt xe.

"Các khu tái định cư này đang ở giai đoạn chuẩn bị thiết kế kỹ thuật, sắp tới sẽ xây dựng hạ tầng. Mỗi lô tái định cư sẽ có nhiều diện tích khác nhau phù hợp với các gia đình. Đặc biệt, khu tái định cư đều gần các tuyến đường lớn, thuận lợi kết nối về trung tâm huyện, trường học, chợ… để bà con có cuộc sống tốt hơn ở nơi ở mới. Địa phương cũng đã họp và người dân đều đồng thuận với dự án, chờ mở đường lớn", ông Hiền cho hay.

Ông Ngô Hoàng Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán thông tin: "Dự kiến, số hộ dân cần tái định cư của cao tốc Dầu Giây - Tân Phú rất ít, nhưng chúng tôi đã chủ động quy hoạch khu tái định cư rộng hàng chục héc ta tại xã Phú Ngọc và thị trấn Gia Canh. Chúng tôi sẵn sàng để bà con địa phương an tâm hơn khi triển khai các dự án, tạo thuận lợi cho giải phóng mặt bằng".

Ở huyện Tân Phú, ông Phạm Duy Thi, Phó chủ tịch UBND huyện cho hay, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú qua địa bàn huyện Tân Phú khoảng 18km, diện tích đất thu hồi 125ha, số hộ bị ảnh hưởng là 86 hộ với 450 khẩu. Dự tính, trong số này bố trí khoảng 60 hộ đất tái định cư.

Đồng thời, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc qua địa bàn huyện Tân Phú khoảng 11km, diện tích thu hồi khoảng 15ha, số hộ bị ảnh hưởng khoảng 430 hộ với 1.200 nhân khẩu. Dự kiến số hộ phải bố trí tái định cư là 120 hộ.

Huyện Tân Phú đã xin phép UBND tỉnh Đồng Nai cho chủ trương lập khu tái định cư 12ha, được quy hoạch cho cụm công nghiệp tại xã Phú Bình, UBND tỉnh đã chấp thuận và huyện giao cho ban quản lý dự án lập dự án đầu tư.

"Địa phương kỳ vọng rất nhiều về các tuyến cao tốc với mong muốn góp phần kết nối giao thông giữa các tỉnh. Khi hoàn thành xây dựng, tuyến cao tốc này sẽ kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, giúp giảm tải và đảm bảo an toàn giao cho QL20. Bà con Tân Phú muốn đi du lịch Đà Lạt hay về TP.HCM khám bệnh, vui chơi, đi sân bay Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất… sẽ thuận lợi hơn", ông Thi chia sẻ.

Tập trung bồi thường, giải phóng mặt bằng

Tìm hiểu của PV, mới đây trong buổi làm việc với huyện Tân Phú, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức yêu cầu huyện cần tập trung năng lực đảm bảo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các dự án đầu tư từ ngân sách.

"Huyện cần chuẩn bị nhân lực, triển khai các dự án lớn đi qua địa bàn như cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, trong đó cần lưu ý công tác tái định cư cho người dân. Người dân có tái định cư ổn định sẽ thuận lợi giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án", ông Đức nói.

Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành chỉ thị số về việc đẩy nhanh bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Đồng Nai giao trách nhiệm cho từng sở, ngành, địa phương trong việc đảm bảo tái định cư cho người bị thu hồi đất. Trong đó, Sở Xây dựng xác định vị trí, quy mô các khu tái định cư.

Các huyện, thành phố rà soát, chủ động bố trí nguồn vốn, quỹ đất, thủ tục để đầu tư xây dựng khu tái định cư trước khi bồi thường, giải phóng mặt bằng. Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc hạ tầng của khu tái định cư.

Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú dài 60,1km, đi qua 11 xã của 4 huyện. Trong đó, đoạn qua huyện Thống Nhất (thị trấn Dầu Giây và xã Xuân Thiện) dài khoảng 16km; đoạn qua huyện Xuân Lộc (xã Xuân Bắc) dài khoảng 1km; đoạn qua huyện Định Quán (xã Suối Nho, Phú Ngọc, Gia Canh) dài khoảng 25km và đoạn qua huyện Tân Phú (xã Phú Điền, Phú Thanh, Phú Bình, Phú Lâm, Phú Trung) dài khoảng 18,1km.

Tổng nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên theo quy mô hoàn chỉnh của dự án là gần 312ha. Trong đó, huyện Thống Nhất hơn 78ha; huyện Định Quán 127ha; huyện Xuân Lộc 10ha; huyện Tân Phú 96ha. Dự án sẽ phải di dời 349 hộ gia đình, trong đó có 344 hộ là nhà cấp 4.

Về quy mô thiết kế, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú khi hoàn chỉnh sẽ có 4 làn xe với mặt cắt ngang tối đa 24,75m, vận tốc thiết kế tối đa 100km/h, có làn dừng khẩn cấp.

Tổng mức đầu tư gần 8.366 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp và thiết bị là 4.963 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng chiếm 1.288 tỷ đồng.

Nguyễn Nhâm

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/yen-tam-nhuong-dat-lam-cao-toc-dau-giay-tan-phu-192240617233359893.htm