Yên Thế: Mở rộng phát triển thị trường cho sản phẩm gà đồi
Năm 2020, tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với việc lựa chọn, phát triển nhiều sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương. Trong đó sản phẩm gà đồi Yên Thế là một trong 3 sản phẩm được tập trung phát triển thị trường.
Giống gà đồi chất lượng
Với địa hình đồi núi trung du, huyện Yên Thế có diện tích tương đối rộng, thuận lợi cho việc chăn nuôi gia súc, gia cầm theo kiểu chăn thả. Khai thác lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất vườn đồi rộng, nhiều hộ dân ở huyện Yên Thế tích cực đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi gà theo hướng hàng hóa. Việc chăn nuôi gà đồi đã giúp người dân Yên Thế thoát nghèo, từng bước tạo lập cuộc sống ổn định.
Giống gà đồi Yên Thế được sinh trưởng trong môi trường đồi núi tự nhiên nên gà có mã đẹp, vị thịt ngọt, đậm nhiều, mang lại nhiều giá trị cho người chăn nuôi. Đàn gà của huyện Yên Thế luôn duy trì 4-4,5 triệu con, tập trung nhiều ở các xã Canh Nậu, Tam Tiến, Đồng Tiến, Đồng Tâm, Đông Sơn, Đồng Vương và Xuân Lương. Do khẳng định được chất lượng, thương hiệu nên gà đồi không chỉ được tiêu thụ ổn định trong tỉnh mà còn vươn ra thị trường khác như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Phú Thọ, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Nghệ An, Sơn La, TP Hồ Chí Minh,… với giá bán từ 55 - 75 nghìn đồng/kg.
Theo đại diện của UBND huyện, mấy năm gần đây, các hộ dân xuất bán ra thị trường từ 12-14 triệu con gà thương phẩm, sản lượng thịt gà xuất chuồng đạt 20.000 tấn và 9,5 triệu quả trứng, giá trị đạt trên 1.400 tỷ đồng.
Phát triển chăn nuôi bền vững
Cũng chính nhờ việc chăn nuôi gà đồi đã mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân trên địa bàn mà huyện Yên Thế có nhiều giải pháp đồng bộ từ chuẩn hóa con giống đến áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn theo chuỗi giá trị kết hợp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu cho người chăn nuôi. Các hộ chăn nuôi trên địa bàn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm gà sạch, an toàn, rõ nguồn gốc…
Ông Bùi Thế Chung - Bí thư huyện ủy Yên Thế cho biết: “Do điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương nên huyện tập trung phát triển cho nông nghiệp, chú trọng chăn nuôi, trong đó có gà đồi, lợn và sắp tới là đàn dê. Đồng thời cũng hướng cho bà con phát triển theo hướng nền nông nghiệp bền vững, sản xuất sạch, an toàn gắn với sự hỗ trợ của Nhà nước để hướng bà con hợp tác vào các mô hình HTX, có nhãn hiệu, thương hiệu tạo ra chuỗi sản xuất đem lại hiệu quả cao.
Về nguồn giống, ủy ban nhân dân huyện đã giao cho một số cơ sở sản xuất giống uy tín trong vùng nhiệm vụ cung cấp gà giống cho bà con. Tại đây, những máy ấp trứng có công suất lên tới 100 nghìn trứng mỗi năm được đầu tư nhằm tạo ra nguồn gà giống tốt (chủ yếu là mía lai và ri lai), đúng chủng loại theo yêu cầu. Trước khi chuyển tới các trang trại, toàn bộ gà con đều được tiêm phòng đầy đủ. Nhờ vậy, nguồn gà giống Yên Thế luôn minh bạch về nguồn gốc, đảm bảo chất lượng từ khâu chọn giống.
Nhằm nâng cao giá trị của thương hiệu gà đồi, các hộ chăn nuôi gà tại Yên Thế đang tiến hành mô hình chăn nuôi an toàn sinh học theo VietGAP. Trong suốt quy trình, bà con thường xuyên được tập huấn về cách chăm sóc gà an toàn sinh học, phòng dịch bệnh với lịch trình tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, tẩy giun sán... nghiêm ngặt.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, ngoài nâng cao chất lượng con giống, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn, nhiều năm nay UBND huyện còn tích cực tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm gà đồi.
Cuối tháng 8/2019, gà đồi Yên Thế được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tôn vinh là thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Và đây cũng là nhãn hiệu được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại 3 nước Lào, Trung Quốc và Singapore. Danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019” đã khẳng định thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” có chỗ đứng vững chắc trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Năm 2020, huyện Yên Thế tiếp tục triển khai Chương trình OCOP với những kế hoạch và mục tiêu cụ thể nhằm hỗ trợ người dân tích cực tham gia đăng ký ý tưởng sản phẩm, phát triển và hoàn thiện sản phẩm để nâng cao giá trị; Thúc đẩy liên kết trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập đời sống cho nhân dân; Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp lợi thế, thế mạnh của địa phương. Qua đây hình thành điểm trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.
Năm 2019, Yên Thế có 7 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của huyện đó là: Giò gà, thịt gà đóng túi hút chân không, trà gai leo Thiện Lộc, chè xanh bản Ven, rượu ngô men lá Lộc Sơn, bưởi Agrigiang và gà sạch GS. Có 6 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh đó là: Giò gà, thịt gà đóng túi hút chân không, trà gai leo Thiện Lộc, chè xanh bản Ven, rượu ngô men lá Lộc và gà sạch GS. Trong đó có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm 4 sao và 3 sản phẩm 3 sao. Yên Thế cũng là địa phương có tỷ lệ sản phẩm đạt hạng 4 sao xếp thứ hai toàn tỉnh năm 2019 (chiếm 50% số sản phẩm tham gia, sau huyện Lục Ngạn). Đây là cơ hội để các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện được quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2020, huyện Yên Thế tiếp tục tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương như các sản phẩm chế biến từ lạc, gà đồi, cà gai leo, thịt dê,…