Yên Thường triển khai nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp

Các tổ chức hội, đoàn thể ở xã Yên Thường (huyện Gia Lâm) đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, như: Triển khai, nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả, hỗ trợ hội viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tập huấn khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp…

Mô hình trồng khoai tây vụ đông ở xã Yên Thường (huyện Gia Lâm) cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng khoai tây vụ đông ở xã Yên Thường (huyện Gia Lâm) cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, hằng năm, Hội Nông dân xã Yên Thường chủ động xây dựng kế hoạch, đồng thời vận động các hộ hội viên đăng ký tham gia sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Thường Nguyễn Chí Nguyện, nhờ sự nỗ lực của các hội viên nông dân, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu, như: Mô hình giết mổ gia cầm bảo đảm vệ sinh môi trường của gia đình bà Nguyễn Thị Lan, ông Nguyễn Văn Lợi, ông Lại Đình Mạnh, ở Chi hội thôn Đỗ Xá; mô hình trồng cây ăn quả của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Chín ở Chi hội thôn Lại Hoàng quy mô 2,3ha trồng ổi, đu đủ; mô hình trồng khoai tây vụ đông… cho doanh thu hàng trăm triệu đồng/mô hình/năm.

Hội Nông dân xã cũng tổ chức và phối hợp tổ chức tập huấn khoa học, kỹ thuật tiên tiến cho các hội viên, như: Phương pháp ủ phụ phẩm rơm rạ tại đồng ruộng, nuôi gà trên đệm lót sinh học, nuôi giun quế và sâu canxi, chuyển giao kỹ thuật trong việc sử dụng phân bón sinh học… Qua đó, các hội viên nông dân có thêm kiến thức áp dụng vào thực tế sản xuất nông nghiệp, cho hiệu quả kinh tế cao và cung cấp cho thị trường sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng.

Trong khi đó, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Yên Thường đã tích cực giúp hội viên nâng cao năng lực phát triển kinh tế, thông qua việc khai thác các nguồn vốn ưu đãi, giúp hội viên đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Yên Thường Nguyễn Thị Luyện cho hay, Hội phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ 168 hộ hội viên vay 9,7 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Công tác quản lý vốn đúng quy định, nguồn vốn phát huy hiệu quả, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên và gia đình. Không những vậy, hằng năm, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Yên Thường và các chi hội còn tích cực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; kết nối giới thiệu việc làm; giúp đỡ các hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn, ngày công, con giống vật tư để phát triển kinh tế. Điển hình là trường hợp chị Phan Thị Thu Hà ở thôn Đỗ Xá, năm 2023, được Hội Liên hiệp phụ nữ xã Yên Thường hỗ trợ mở xưởng may công nghiệp. Hiện tại, xưởng may của chị Hà có 10 máy may, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên và một số lao động thời vụ, với mức thu nhập từ 6 đến 9 triệu đồng/người/tháng. Ngoài xưởng may của chị Hà, xã Yên Thường hiện có khoảng 40 hộ mở xưởng may công nghiệp, mở cửa hàng kinh doanh quần áo, tạo việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương.

Đến nay, tổng dư nợ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn xã Yên Thường đạt 21,4 tỷ đồng, cho hàng trăm hộ hội viên nông dân, phụ nữ vay để đầu tư phát triển kinh tế, làm công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm, hỗ trợ học tập…

Chủ tịch UBND xã Yên Thường Nguyễn Thọ Sáng cho biết, nhờ làm tốt công tác định hướng trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và triển khai các mô hình điểm có hiệu quả thiết thực, nên sản xuất nông nghiệp của xã có những bước tiến rõ rệt. Xã đã lựa chọn 1 vùng rau, diện tích hơn 9ha, sản lượng khoảng 280 tấn/năm để trình đơn vị chức năng thành phố Hà Nội thẩm định và cấp mã số vùng trồng. Ngoài ra, trên địa bàn xã hiện có 25,99ha cây ăn quả, chủ yếu là ổi, bưởi, nhãn và duy trì ổn định 62,92ha diện tích nuôi trồng thủy sản, sản lượng đạt khoảng 7,3 tấn/ha, với tổng giá trị khoảng 12,36 tỷ đồng… Đồng thời, tập trung phát triển kinh tế theo định hướng phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, với hơn 1.000 hộ kinh doanh, giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Kinh tế phát triển, nên đời sống nhân dân trong xã được nâng cao. Từ năm 2019 đến nay, Yên Thường không còn hộ nghèo, chỉ còn 45 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân toàn xã đạt 77,95 triệu đồng/người/năm…

Ánh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/yen-thuong-trien-khai-nhieu-giai-phap-phat-trien-nong-nghiep-673894.html