'Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn'
Tết đến, Xuân về, nhớ Bác, thấm nhuần lời dạy của Bác bằng những hành động và việc làm cụ thể, thiết thực là mỗi công dân đã góp phần làm trong sáng tư tưởng, đạo đức Bác Hồ…
Giao thừa đến, đón Xuân Giáp Thìn năm nay cũng là tròn 55 năm thời khắc Giao thừa dân ta không được nghe Bác Hồ kính yêu chúc Tết. Cũng tròn 60 năm Bác không về với Thái Nguyên, với Việt Bắc nhân năm mới. Tết đến, Xuân về, nhớ Bác, thấm nhuần lời dạy của Bác bằng những hành động và việc làm cụ thể, thiết thực là mỗi công dân đã góp phần làm trong sáng tư tưởng, đạo đức Bác Hồ…
Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài là một vĩ nhân kiệt xuất, còn là một người bình dị, gần gũi. Chẳng những sáng lập mà còn dành tâm huyết và trí lực để rèn luyện Đảng ta, dân ta.
Bác từng nhắc cán bộ, đảng viên: “Các chú nên nhớ rằng Bác làm Chủ tịch, Chủ tịch cũng là đầy tớ của nhân dân, phải phục vụ nhân dân vô điều kiện”. Chính trong những ngày tháng cam go nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp vào cuối năm 1947, giặc đuổi sau lưng, nhưng từng đêm dưới tán rừng Khau Tý, Bác ngồi hoàn thiện tác phẩm Sửa đổi lối làm việc - Một tác phẩm kinh điển về đạo đức người cách mạng.
Từ tình thương bao la với dân, hiểu sức mạnh từ nơi dân, Người chỉ ra 3 thế mạnh thuộc về dân: Một là, Dân ta rất tốt. Hai là, Dân rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng, biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra. Ba là, lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng. Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Đây chính là ba cột chống vững chãi, tình cảm, trí tuệ, sức mạnh của dân để nâng đỡ tòa tháp dân chủ, một cốt lõi của chế độ.
Người yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên phải hiểu rõ điều này. Phải hiểu rõ chính mình cũng từ dân mà ra, trong huyết quản vốn đã mang những phẩm chất căn bản ấy. Do vậy, đạo đức người cách mạng là khổ trước nhân dân, sướng sau nhân dân.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác cũng chỉ ra 6 nội dung lớn, là những vấn đề hệ trọng, cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, và mỗi cán bộ, đảng viên không thể không nằm lòng:
Thứ nhất: Nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Đảng là phê bình và tự phê bình. Bác yêu cầu phải cùng lúc phê bình đồng chí, đồng đội cũng phải tự phê bình chính mình. Phê bình hay tự phê bình đều phải lấy sự thật thà mà ứng xử. Phải lấy tình đồng chí trong phê bình mà thực hiện để tránh sự thiên lệch, trù dập.
Thứ hai: Đảng viên, cán bộ phải nhận thức vai trò của lý luận. Nhận thức tốt sẽ hành động đúng. Lý luận đi đôi với thực tiễn cách mạng không tách rời. Chống mọi giáo điều, cứng nhắc dễ dẫn đến quan liêu, mệnh lệnh, làm sai lệch chân lý.
Thứ ba: Đạo đức người làm cách mạng, theo Bác có 5 điều răn phải thực hiện, là cốt cách căn bản nhất: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm. Trong 5 phẩm chất này, chữ Liêm vô cùng quan trọng. Thiếu liêm chính, cán bộ, đảng viên sẽ hư hỏng, lòng tham vô hạn giết chết lý tưởng, mất niềm tin, chữ Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng chẳng còn tác dụng gì.
Thứ tư: Phải công tâm và đổi mới trong cách đánh giá, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Sử dụng cán bộ là sử dụng người có tài, có đức, có các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính. Bác dạy người cán bộ tốt phải chí công vô tư. Mục tiêu tối thượng của cán bộ là phải vì nước, vì dân, vì con người, hy sinh tất thẩy vì lợi ích chung, không tư lợi và lợi dụng công việc để tư lợi.
Thứ năm: Vấn đề cách lãnh đạo, ra quyết định đúng và kịp thời. Điều này, theo Bác hết sức quan trọng, đòi hỏi sự rèn luyện kỹ năng, phong cách quyết đoán và mưu lược của người có thẩm quyền quyết định.
Thứ sáu: Phải khắc phục thói ba hoa, sáo rỗng, nói không đi đôi với làm, không gương mẫu đi đầu trong công việc và phong trào… Ba hoa, lạc quan tếu, mỵ dân dần dần mất lòng tin của Đảng với dân. Bác lưu ý: Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, để tỉnh ngộ cán bộ.
Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Bác và Trung ương về đóng bản doanh ở mấy xã Bản Ngoại, La Bằng, Hoàng Nông, Phú Xuyên, An Mỹ… của Đại Từ để tiện cho công việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
Ngày 9/10/1954, tại xã Bản Ngoại (Đại Từ), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng, Bác viết: “Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ tỏ lời thân ái chào thăm đồng bào và bày tỏ với đồng bào mấy điều cần thiết: Chính phủ và nhân dân ta phải cùng nhau cố gắng nhiều để khôi phục, củng cố và phát triển đời sống tinh thần và vật chất của Thủ đô ta. Chính phủ và nhân dân phải cùng nhau ra sức giữ gìn trật tự, an ninh. Trật tự, an ninh tốt thì mọi người mới an cư, lạc nghiệp”.
Trong sâu thẳm suy nghĩ của vị lãnh tụ, Người lo nhiều về sự sa ngã của cán bộ với những cám dỗ nơi phố thị. Người đề cao đạo đức người cách mạng về sự liêm chính…
Đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh như ngọn đèn soi đường chúng ta đi. Những năm gần đây, việc học tập tư tưởng và đạo đức của Bác đã trở thành phong trào sâu rộng. Tuy nhiên, công cuộc phòng, chống tham nhũng cũng đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ tham nhũng lớn, nhiều cán bộ (kể cả cao cấp) là sâu mọt đục khoét nhân dân, phá hoại đất nước… Do vậy, cuộc chiến chống lại sự băng hoại về đạo đức còn hết sức gian nan.
Với Thái Nguyên, khắc ghi lời Bác dạy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, không ngừng nỗ lực xây dựng quê hương. Từ một địa phương nghèo, chúng ta đã trở thành tỉnh phát triển khá, đang từng bước xây dựng quê hương bình yên, hạnh phúc, sung túc và ngày càng phát triển.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tình cảm đặc biệt và luôn quan tâm dìu dắt, khích lệ cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên phát huy tinh thần yêu nước, hăng hái tiến lên làm tròn nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ. Bác dặn dò, nhắc nhở chúng ta phải đoàn kết, đoàn kết trong Đảng cũng như đoàn kết trong nội bộ nhân dân các dân tộc trong tỉnh…
Nhớ Bác, mỗi hành động, việc làm học theo Bác trong lòng mỗi người như thấy trong sáng, tự hào…
“…Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn…"