Yêu cầu báo cáo dư nợ cho vay ký quỹ của cổ phiếu họ FLC
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa yêu cầu các công ty chứng khoán báo cáo về dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán (margin) đối với các cổ phiếu thuộc họ FLC gồm: FLC, AMD, KRF, ART, HAI, ROS, GAB trước ngày 8/4.
Ủy ban Chứng khoán yêu cầu báo cáo dư nợ cho vay ký quỹ cổ phiếu họ FLC.
Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán báo cáo về dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán (sử dụng đòn bẩy tài chính - margin) đối với các mã cổ phiếu thuộc "họ FLC" trước ngày 8/4/2022 theo quy định tại khoản 5, Điều 29 Thông tư 121/2020-BTC về quản lý, giám sát tình hình hoạt động của các công ty chứng khoán.
Các nội dung được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu báo cáo bao gồm dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của tất cả các tài khoản giao dịch chứng khoán mở tại công ty chứng khoán và số lượng chứng khoán ký quỹ làm tài sản đảm bảo cho khoản vay giao dịch ký quỹ tương ứng theo từng mã chứng khoán theo mẫu đính kèm.
7 mã chứng khoán thuộc họ FLC bị gọi tên lần lượt là FLC (Tập đoàn FLC), ROS (Xây dựng FLC Faros), HAI (Nông dược H.A.I), AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone), KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS), ART (Chứng khoán BOS) và GAB (Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC).
Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có quyết định xử phạt ông Trịnh Văn Quyết (giữ chức Chủ tịch Tập đoàn FLC) về hành vi bán không đăng ký 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong phiên 10/1. Ngoài việc bị xử phạt 1,5 tỷ đồng, ông chủ Tập đoàn FLC còn bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong 5 tháng.
Đến ngày 29/3, ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về diễn biến thị trường, sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, các cổ phiếu thuộc họ FLC có những phiên biến động mạnh, liên tục giảm sàn trắng bên mua.
Bất ngờ, sang đến phiên 1/4, xuất hiện lượng giao dịch đột biến gấp 100 lần so với các phiên kế trước, với hơn 100 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh trực tiếp trên sàn, tương đương gần 1.050 tỷ đồng được "sang tay". Sau khi ghi nhận một số phiên tăng trần liên tiếp, đến phiên 5/4, các cổ phiếu này đã quay đầu giảm mạnh gần chạm sàn. Hiện giá nhóm cổ phiếu này vẫn thấp hơn 20-25% so với trước thời điểm ông Quyết bị khởi tố.
Nhiều nhà đầu tư tiếp tục lo lắng về cổ phiếu "họ FLC" khi Bộ Công an tiếp tục khởi tố hai em gái ruột của ông Trịnh Văn Quyết là bà Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC về hành vi thao túng thị trường chứng khoán và bà Trịnh Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS về hành vi giúp sức thao túng giá cổ phiếu.