Mỹ có thể chọc giận Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nếu Washington đưa ra yêu cầu đối với hợp đồng mua sắm hệ thống phòng không S-400 Triumf do Nga sản xuất.
Năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 của Nga và khiến Mỹ bất bình. Đáp lại, các chính trị gia tại Washington đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Ankara và loại nước này khỏi chương trình phát triển máy bay chiến đấu F-35.
Theo nhà báo Sinan Siddi của ấn phẩm Washington Examiner, Mỹ có thể sớm đưa ra một danh sách dài các yêu cầu đối với Ankara, trong đó đứng đầu là việc nước này phải từ chối hệ thống phòng không thứ hai sắp nhận bàn giao.
“Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có sẵn sàng từ bỏ hệ thống tên lửa phòng không S-400 đã ký hợp đồng” nhà báo Sinan Siddi hỏi. Tác giả bài viết trên tờ Washington Examiner tin rằng Ankara sẽ cố gắng đàm phán với Washington về việc đặt mua tiêm kích F-16 nâng cấp.
Đáp lại, Washington có thể đưa cho Ankara một danh sách các yêu cầu mà họ sẽ phải thực hiện để làm bằng chứng cho thấy Mỹ có thể tin tưởng Thổ Nhĩ Kỳ như một đồng minh.
"Ngoại trưởng Anthony Blinken gần đây đã nói trước Thượng viện Mỹ rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh khó tính", nhà báo Sinan Siddi nhấn mạnh trong bài phân tích của mình.
Mỹ có nhiều bất bình đối với Thổ Nhĩ Kỳ và một trong những lý do chính dẫn đến sự không hài lòng là việc quân đội quốc gia NATO này đang sử dụng các hệ thống phòng không của Nga.
Do vậy, trước hết, Washington sẽ yêu cầu Ankara từ bỏ S-400 và ông Erdogan cũng sẽ được cung cấp một danh sách những đòi hỏi khác, không chỉ riêng về mặt kỹ thuật quân sự.
Tuy nhiên một động thái như vậy có thể khiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tức giận đến mức ông ta sẽ từ bỏ ý định mua máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ và chuyển hướng sự quan tâm tới tiêm kích Nga, thậm chí là Trung Quốc.
Nhà phân tích của ấn phẩm Washington Examiner cho biết: “Việc có một danh sách dài các yêu cầu đối với Tổng thống Erdogan có thể khiến ông ấy tức giận và tìm cách trả đũa Washington".
Nhưng hiện nay lại xuất hiện một diễn biến mới, nhiều khả năng sẽ "xoa dịu" bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, đó là Nga thông báo đã đình chỉ việc giao tổ hợp phòng không S-400 thứ hai cho Ankara.
Nguyên nhân được giải thích là bởi Ankara đã "chèn thêm" yêu cầu có thể bán lại tổ hợp phòng không S-400 cho một bên thứ ba vào hợp đồng, điều khoản này dĩ nhiên không bao giờ Moskva chịu chấp thuận.
Trong bối cảnh đó, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đưa ra quan điểm nước này không cần tới S-400 nữa khi đã "sao chép công nghệ" và cho ra đời hệ thống phòng không tầm xa nội địa mang tên Siper có tính năng kỹ chiến thuật chẳng hề thua kém.
Trong trường hợp những rắc rối phát sinh giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khiến hợp đồng mua khẩu đội S-400 thứ hai bị hủy bỏ, Washington và Ankara có lẽ không cần phải gây áp lực lên nhau như trước nữa và mọi căng thẳng sẽ "bỗng nhiên chấm dứt".