Yêu cầu của Phan Văn Anh Vũ tại phiên phúc thẩm với 2 cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ cho biết bị cáo không phải bị bắt khi đang bị truy nã. Bên cạnh đó, bị cáo chỉ có tên là Phan Văn Anh Vũ không có tên Trần Văn Sáu và Trần Đại Vũ bởi đây là tên khác của bị cáo trong vụ án khác...
Sáng nay 4-5, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với 20 bị cáo cùng các tổ chức có đơn kháng cáo, trong vụ án 2 cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Tại phần thủ tục phiên tòa, bị cáo Phan Văn Anh Vũ cho biết bị cáo không phải bị bắt khi đang bị truy nã. Bên cạnh đó, bị cáo chỉ có tên là Phan Văn Anh Vũ không có tên Trần Văn Sáu và Trần Đại Vũ bởi đây là tên khác của bị cáo trong vụ án khác. Do đó, bị cáo đề nghị HĐXX không gọi 2 tên này tại phiên tòa.
Sau bản án sơ thẩm được tuyên trước đó, các bị cáo đã có đơn kháng cáo cấp phúc thẩm. Cụ thể, cựu Chủ tịch TP Đà Nãng Văn Hữu Chiến kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại phần hình phạt và phần trách nhiệm dân sự.
Bị cáo cho rằng, việc cấp sơ thẩm quy kết ông có hành vi giúp sức cho Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) ký quyết định thu hồi đất và giao Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 (Công ty của Phan Văn Anh Vũ) 29 ha đất không đấu giá là bị oan.
Bản án sơ thẩm tuyên bị cáo Văn Hữu Chiến 9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, 3 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh là 12 năm tù.
Trong khi đó, bị cáo Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) kêu oan và cho rằng bản thân làm đúng theo chủ trương của thành phố. Bị cáo Trần Văn Minh bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 17 năm tù cho 2 tội danh như bị cáo Minh.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng 79, Công ty cổ phần Bắc Nam 79) cũng có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng cơ quan truy tố không đưa ra được chứng cứ buộc tội xác đáng và các kết luận giám định trong vụ án không khách quan.
Các bị cáo còn lại trong vụ án thì kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho rằng không phạm tội như bản án sơ thẩm xác định mà chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Ngoài 20 bị cáo, một số cá nhân, tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan như vợ và em ruột bị cáo Phan Văn Anh Vũ, đại diện công ty của Vũ… cũng kháng cáo đề nghị xem xét lại phần trách nhiệm dân sự, thu hồi tài sản liên quan trong vụ án.
Tại phiên tòa, Luật sư bào chữa cho bị cáo Văn Hữu Chiến (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) đề nghị HĐXX triệu tập Hội đồng định giá vì liên quan đến kháng cáo của thân chủ; triệu tập đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Luật sư khác đề nghị tòa triệu tập Giám đốc Công ty Daewon (Hàn Quốc) liên quan đến Dự án 29 ha Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước; đề nghị triệu tập giám định viên tư pháp Bộ Tài chính; mời nguyên đơn dân sự là UBND TP Đà Nẵng…
Bị cáo Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) đề nghị HĐXX triệu tập ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) và ông Hoàng Tuấn Anh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2000-2005 để làm rõ thêm chứng cứ thực tế, phân định trách nhiệm giải quyết một số nhà đất, công sản trong vụ án.
Ông Minh đề nghị Tòa triệu tập đại diện bộ công an để là rõ việc hợp tác với UBND TP Đà Nẵng trong việc thực hiện tổ chức thực hiện Nghị định, Pháp lệnh tình báo, giải thích tính pháp lý của văn bản do Thứ trưởng Bộ Công an ký gửi ông đề nghị cho phép công ty bình phong Bắc Nam của Phan Văn Anh Vũ được mua nhà, đất.
Đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đồng quan điểm với các luật sư, đề nghị HĐXX triệu tập các giám định viên vì cho rằng, hồ sơ vụ án quy kết các bị cáo phạm tội dựa trên các kết luận giám định.
Phiên tòa xét xử phúc thẩm này do Thẩm phán Ngô Anh Dũng, Chánh tòa chuyên trách (Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội) làm chủ tọa. Có hơn 20 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ cho các bị cáo cùng các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại phiên tòa.
Phiên xử dự kiến diễn ra trong khoảng từ 6-8 ngày.