Yêu cầu đến năm 2030, 100% chương trình đào tạo cử nhân luật đạt chuẩn KĐCL
5 nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện 'Chương trình tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật giai đoạn 2023-2025'.
Ngày 13/9, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1056/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật giai đoạn 2023-2025”.
Quyết định này được đưa ra nhằm tăng cường kiểm soát để nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Trong đó, Quyết định này đã nêu rõ về mục tiêu theo các lộ trình của "Chương trình tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật giai đoạn 2023-2025”.
Đến 2025, Chương trình hướng đến mục tiêu là toàn bộ các chương trình đào tạo cử nhân luật đều được rà soát, điều chỉnh đáp ứng Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Pháp luật, trong đó mỗi nhóm kiến thức chuyên môn ngành luật phải có riêng, tối thiểu một giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ có chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy;
Bên cạnh đó, hướng đến mục tiêu có 80% chương trình đào tạo cử nhân luật đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó tối thiểu 5% chương trình đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đến năm 2025;
Tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ giảng dạy các học phần thuộc khối kiến thức chuyên môn của ngành luật đạt tối thiểu 35%.
Đến năm 2030, mục tiêu là 100% chương trình đào tạo cử nhân luật đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó tối thiểu 10% chương trình đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;
Tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ giảng dạy các học phần bắt buộc, cốt lõi thuộc khối kiến thức cơ sở ngành, ngành, chuyên ngành của chương trình đào tạo cử nhân luật đạt tối thiểu 40%.
Để thực hiện được những mục tiêu trên, Quyết định đã nêu ra các nhiệm vụ và giải pháp.
Thứ nhất là, hoàn thiện thể chế, công cụ quản lý nhà nước để kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật
Ban hành Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Pháp luật, quy định chặt chẽ các yêu cầu về: Chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra; số lượng, trình độ đội ngũ giảng viên của chương trình đào tạo và từng nhóm kiến thức chuyên môn; cơ sở vật chất; cấu trúc, nội dung chương trình trong đó chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, lịch sử văn hóa, truyền thống dân tộc, đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phương pháp dạy - học, thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên;
Rà soát, hoàn thiện quy định về mở ngành, đình chỉ hoạt động ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chuẩn cơ sở đào tạo theo hướng quy định chặt chẽ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với đào tạo cử nhân luật; rà soát, hoàn thiện các quy định về tuyển sinh, đào tạo, kiểm định chương trình đào tạo các hình thức vừa làm vừa học và đào tạo từ xa;
Rà soát, hoàn thiện quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo hướng xử lý nghiêm đối với hành vi cố tình vi phạm làm ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo; tăng cường chế tài xử lý vi phạm, bảo đảm công bằng, khách quan.
Thứ hai là, chú trọng đổi mới công tác quản lý nhà nước về đào tạo cử nhân luật; tăng cường kiểm soát, đánh giá chất lượng sinh viên tốt nghiệp cử nhân luật
Theo đó, cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học để theo dõi, giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo và kết quả hoạt động đào tạo;
Kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học với cơ sở quốc gia về bảo hiểm phục vụ khảo sát tình hình việc làm và đánh giá chất lượng đầu ra đối với sinh viên tốt nghiệp cử nhân luật của các cơ sở đào tạo.
Thứ ba, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo cử nhân luật theo hướng hội nhập quốc tế
Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên ngành luật trong đó tập trung phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ; tăng cường giám sát việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đối với giảng viên ngành luật theo quy định;
Ưu tiên lĩnh vực pháp luật trong việc cử giảng viên đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài; tăng cường các chương trình thực tập sinh, trao đổi sinh viên, giảng viên;
Đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo theo chuẩn chương trình đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao;
Tăng cường kết nối giữa cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội nghề nghiệp có liên quan trong các hoạt động: xây dựng chuẩn chương trình đào tạo; phát triển chương trình đào tạo; đào tạo thực hành, thực tập nghề nghiệp; nghiên cứu khoa học và tuyển dụng, sử dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp;
Tăng cường phát huy hiệu quả hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và tham gia xếp hạng, kiểm định chất lượng quốc tế; khuyến khích các cơ sở đào tạo thực hiện kiểm định chất lượng chương trình đào tạo cử nhân luật và tham gia xếp hạng lĩnh vực pháp luật bởi tổ chức kiểm định và xếp hạng quốc tế có uy tín,
Quy hoạch, đầu tư nâng cấp, tăng cường năng lực cho một số cơ sở đào tạo trọng điểm ngành luật, chú trọng phát triển năng lực đào tạo, nghiên cứu của các cơ sở đào tạo này nhằm đáp ứng nhu cầu đối với nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao gắn với: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung; Hoạt động phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ; Chính sách về bảo đảm các các quyền con người, quyền công dân; Chính sách hội nhập khu vực và quốc tế.
Thứ tư, tăng cường tính thực tiễn trong đào tạo cử nhân luật
Để thực hiện được việc này, cần tăng cường mời các chuyên gia đang làm trong lĩnh vực pháp luật ở các cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp thực hiện các báo cáo chuyên đề, thực tiễn cho các giảng viên và sinh viên học chương trình cử nhân luật;
Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn và tham gia các hoạt động nghề nghiệp thực tiễn tại các cơ quan, tổ chức hành nghề luật; xây dựng cơ chế khuyến khích giảng viên ngành luật tích cực tham gia hợp tác giảng dạy và nghiên cứu, cung cấp dịch vụ pháp lý đóng góp cho cộng đồng;
Tăng cường sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo cử nhân luật với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ sinh viên thực tập nghề nghiệp, nâng cao năng lực làm việc cho sinh viên.
Thứ năm, thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về đào tạo cử nhân luật và tăng cường sự liên kết giữa cơ sở đào tạo cử nhân luật với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
Tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật;
Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về đào tạo cử nhân luật và vai trò của công tác pháp chế ở các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
Về kinh phí thực hiện Chương trình được Quyết định rõ là được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước; huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn xã hội hóa và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Hơn nữa, các cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở đào tạo, các cơ sở đào tạo cử nhân luật và các bên liên quan bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.