Yêu cầu dự án BOT Cai Lậy hoàn thành cam kết thu phí và đảm bảo an toàn giao thông
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN) và các đơn vị liên quan, yêu cầu sớm hoàn thành các điều kiện thực hiện việc thu phí tại dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) và đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên tuyến.
Chỉ đạo "nóng"
Bộ GTVT yêu cầu TCĐBVN chỉ đạo doanh nghiệp dự án BOT Cai Lậy khẩn trương hoàn thành trách nhiệm đã cam kết trong hợp đồng. TCĐBVN là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện những nhiệm vụ quy định trong Thông tư 50/2018/BGTVT của Bộ GTVT và hợp đồng dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh Quốc lộ (QL)1 qua thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km1987+500 - Km2014 tỉnh Tiền Giang theo hình thức BOT.
Trước mắt, Bộ GTVT yêu cầu TCĐBVN khẩn trương thống nhất phương án tổ chức giao thông với UBND tỉnh Tiền Giang để đảm bảo ATGT trong thời gian hoàn thiện xây dựng trạm thu phí và sửa chữa mặt đường khu vực trạm thu phí mới, đảm bảo êm thuận, an toàn cho người dân và các phương tiện lưu thông trên tuyến.
Bộ GTVT cũng giao Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc Ban Quản lý dự án 8, doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư dự án BOT khẩn trương hoàn thành xây dựng trạm thu phí mới theo tiến độ hợp đồng đã ký; khắc phục, sửa chữa ngay các hư hỏng mặt đường thuộc phạm vi dự án; chịu trách nhiệm thực hiện công tác đảm bảo ATGT trong quá trình thi công, đảm bảo chất lượng công trình xây dựng.
Qua tìm hiểu, dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh QL1 và tăng cường mặt đường QL1 đoạn qua thị xã Cai Lậy theo hình thức hợp đồng BOT được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 6/2017. Dự án có tổng chiều dài hơn 38 km, trong đó chiều dài phần tuyến tránh QL1 đoạn qua thị xã Cai Lậy là hơn 12 km và chiều dài phần tuyến QL1 cũ hơn 26 km.
Dự án tổ chức thu phí hoàn vốn từ ngày 1/8/2017. Trong quá trình thu phí xuất hiện nhiều phương tiện, đối tượng gây rối làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội và gây ùn tắc kéo dài, dẫn đến dự án BOT phải tạm dừng thu phí theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 4/12/2017 cho đến nay.
Hai phương án gỡ vướng dự án BOT Cai Lậy
Trước đó, tháng 12/2021, TCĐBVN đã báo cáo và đề xuất Bộ GTVT 2 phương án xử lý những bất cập của dự án BOT Cai Lậy về công tác quản lý bảo trì và đảm bảo ATGT thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh QL1 và tăng cường mặt đường QL1 đoạn qua thị xã Cai Lậy trong thời gian đang tạm dừng thu phí.
Thời gian qua, dự án BOT xuất hiện nhiều hư hỏng nghiêm trọng, mặt đường xuất hiện ổ gà, sình lún chưa sửa chữa. Bên cạnh đó, hệ thống biển báo, cọc tiêu hư hỏng... gây nguy cơ mất ATGT, nhất là tại khu vực đang xây dựng trạm thu phí mới trên tuyến tránh QL1, khu vực nút giao tuyến tránh với Đường tỉnh 868.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng TCĐBVN, trong thời gian dự án tạm dừng thu phí, Tổng cục đã nhiều lần yêu cầu nhà đầu tư nghiêm túc thực hiện quản lý, bảo trì, đảm bảo chất lượng công trình và ATGT, nhưng đến nay nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án vẫn chưa thực hiện. Tiến độ xây dựng trạm thu phí mới trên tuyến tránh QL1 đoạn qua thị xã Cai Lậy chậm tiến độ. Để đảm bảo ATGT, tránh xảy ra các vụ tai nạn đáng tiếc, Tổng cục đã quyết liệt chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ IV, Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang và các đơn vị có liên quan các giải pháp cấp bách đối với công tác quản lý, bảo trì và đảm bảo ATGT cho dự án BOT. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra TNGT nếu không bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời.
Trước thực tế trên, TCĐBVN kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp liên quan tạm thời thu hồi toàn bộ các đoạn tuyến thuộc dự án BOT này và giao cho Cục Quản lý đường bộ IV khai thác, quản lý, bảo trì, nhằm đảm bảo lưu thông thông suốt, an toàn. Cục Quản lý đường bộ IV sẽ bàn giao lại toàn bộ các đoạn tuyến thuộc dự án BOT cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khi dự án BOT đủ điều kiện được thu phí trở lại.
Hoặc Bộ GTVT báo cáo Chính phủ chấp thuận để Bộ GTVT thực hiện các thủ tục thanh lý hợp đồng BOT với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; thu hồi lại toàn bộ dự án BOT để Nhà nước tổ chức quản lý, khai thác.