Yêu cầu làm rõ vụ vi phạm mở đường trái phép trên rừng phòng hộ

Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh đã phát văn bản yêu cầu Hạt kiểm lâm thị xã Kỳ Anh báo cáo, làm rõ vi phạm mở đường trái phép trên rừng phòng hộ tại Dự án đường dây 500Kv.

Yêu cầu làm rõ vi phạm

Ngay sau khi Người Đưa Tin đăng tải bài viết phản ánh “Vụ sạt lở nhiều người tử vong: Vi phạm mở đường trái phép trên rừng phòng hộ”, tại dự án đường dây 500Kv Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Chi cục Kiểm Lâm Hà Tĩnh đã phát Văn bản số 336/KL-TTPC ngày 9/5/2024 yêu cầu Hạt Kiểm lâm thị xã Kỳ Anh phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, chủ rừng kiểm tra, xác minh, làm rõ các nội dung báo đăng; hoàn chỉnh hồ sơ xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật (nếu có vi phạm); tổng hợp báo cáo kết quả về Chi cục Kiểm lâm.

Văn bản số 336/KL-TTPC của Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh yêu cầu Hạt Kiểm lâm thị xã Kỳ Anh báo cáo những nội dung vi phạm sau bài viết phản ánh của Người Đưa Tin.

Văn bản số 336/KL-TTPC của Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh yêu cầu Hạt Kiểm lâm thị xã Kỳ Anh báo cáo những nội dung vi phạm sau bài viết phản ánh của Người Đưa Tin.

Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm Lâm Hà Tĩnh cũng yêu cầu Hạt Kiểm lâm thị xã Kỳ Anh nghiêm túc thực hiện, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; đặc biệt tập trung kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các chủ dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; yêu cầu hoàn chỉnh các hồ sơ pháp lý có liên quan trước khi thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật... Phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo ổn định tình hình trên địa bàn.

Một góc dự án đường dây 500Kv Quảng Trạch - Quỳnh Lưu nằm trên đỉnh núi Hoành Sơn, đoạn qua địa bàn thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Một góc dự án đường dây 500Kv Quảng Trạch - Quỳnh Lưu nằm trên đỉnh núi Hoành Sơn, đoạn qua địa bàn thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Trước đó, như Người Đưa Tin phản ánh, vào ngày 06/05/2024, một vụ sạt lở trên đỉnh núi Hoành Sơn (đoạn qua địa bàn Thị xã Kỳ Anh) tại khu vực móng trụ số 28 thuộc Dự án đường dây 500Kv Quảng Trạch - Quỳnh Lưu khiến 03 công nhân thiệt mạng, 04 công nhân bị thương, 11 công nhân may mắn thoát chết. Sau khi sự cố xảy ra, các lực lượng chức năng sở tại đã nỗ lực cứu hộ. Đích thân Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng ký Công điện số 45/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND Hà Tĩnh và lãnh đạo các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm trách nhiệm nếu có sai phạm liên quan tại sự cố này.

Toàn cảnh cứu hộ sự cố sạt lở tại khu vực móng trụ số 28, dự án đường dây 500Kv Quảng Trạch - Quỳnh Lưu.

Toàn cảnh cứu hộ sự cố sạt lở tại khu vực móng trụ số 28, dự án đường dây 500Kv Quảng Trạch - Quỳnh Lưu.

Phá rừng mở đường trước, phê duyệt cấp phép sau

Theo dòng sự kiện này, Người Đưa Tin đã điều tra, phát hiện và có bài viết phản ánh về nội dung, quá trình thực hiện dự án, dù chưa được các cấp thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng rừng tạm nhưng đơn vị thi công đã băm nát rừng phòng hộ để làm đường công vụ, nhiều cây gỗ rừng tự nhiên đã bị đốn hạ; toàn bộ diện tích đường công vụ thực hiện Dự án đường dây 500Kv mạch 3 Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều chưa được phê duyệt cấp phép phương án sử dụng đường tạm theo Nghị định Số 27/2024/NĐ-CP ngày 6/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản, quy định của luật pháp hiện hành về đất rừng phòng hộ, đất rừng tự nhiên.

Đáng nói, 4 ngày sau khi xảy ra sự cố, vào ngày 10/05/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định Số 1190/QĐ-UBND, do Phó chủ tịch Nguyễn Hồng Lĩnh ký, phê duyệt phương án tạm sử dụng rừng làm đường công vụ để thực hiện Dự án đường dây 500Kv đoạn qua địa bàn tỉnh này với tổng diện tích 4,163ha rừng tự nhiên tại Lô 44 - 19 Khoảnh, thuộc 12 tiểu khu, nằm trên địa bàn 10 xã, phường thuộc huyện Hương Khê và thị xã Kỳ Anh. Trong đó, rừng tự nhiên quy hoạch phòng hộ là 3,7786ha, rừng tự nhiên quy hoạch rừng sản xuất là 0,3847ha; cây rừng tự nhiên bị ảnh hưởng các tuyến đường công vụ sử dụng tạm là 66,11m3.

4 ngày sau khi xảy ra sự cố, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 1190/QĐ-UBND, phê duyệt phương án tạm sử dụng rừng tạm để làm đường công vụ dự án.

4 ngày sau khi xảy ra sự cố, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 1190/QĐ-UBND, phê duyệt phương án tạm sử dụng rừng tạm để làm đường công vụ dự án.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu huyện Hương Khê và thị xã Kỳ Anh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chủ trì, chỉ đạo kiểm tra, giám sát và xử lý các nội dung phát sinh liên quan đến thực hiện phương án tạm sử dụng rừng, khai thác tận thu lâm sản, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Như vậy có nghĩa là chủ đầu tư, các đơn vị thi công Dự án đường dây 500Kv Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đoạn qua địa bàn Hà Tĩnh đã “tiền trảm hậu tấu”, phá rừng phòng hộ, chặt hạ gỗ rừng để thi công trước khi được UBND tỉnh này phê duyệt.

Liên quan nội dung này, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Ngọc Lâm - Trưởng ban BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh thừa nhận những nội dung nói trên.

BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh có 2 trạm quản lý, bảo vệ rừng với tổng 6 tiểu khu gồm: 380A, 380B, 389A, 389B, 388 và 379.

BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh có 2 trạm quản lý, bảo vệ rừng với tổng 6 tiểu khu gồm: 380A, 380B, 389A, 389B, 388 và 379.

Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, dự án đường dây 500Kv mạch 3 Quảng Trạch - Quỳnh Lưu chủ yếu tận dụng đường công vụ cũ của Dự án mạch 3 đoạn Quảng Trạch - Vũng Áng đã thi công trước đó. Dưới áp lực của yêu cầu tiến độ đến 30/06/2024 phải hoàn thành đóng điện nên chủ đầu tư, đơn vị thi công phải vừa làm vừa chạy”, vừa làm vừa xin cấp phép. Với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là chủ rừng, BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh cũng đã nhiều lần phát văn bản báo cáo nhưng không có thẩm quyền để xử lý. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ quản lý bảo vệ rừng của BQL lại mỏng, khó khăn trong công tác giám sát (?!).

Với chức năng, nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý; tham gia phản biện và giám sát xã hội của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Tạp chí Đời sống và Pháp Luật kính đề nghị: Các cơ quan chức năng có thẩm quyền làm rõ các vi phạm liên quan sử dụng đất rừng, quy trình an toàn lao động tại Dự án đường dây 500Kv Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đoạn qua địa bàn Hà Tĩnh; Trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân, tập thể, chính quyền sở tại về công tác quản lý Nhà nước, bảo vệ rừng; Trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị thi công trong việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, các quy định của luật pháp hiện hành, nhằm tránh tạo tiền lệ xấu trong quản lý bảo vệ và giữ rừng trên cả nước nói chung và tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói riêng.

Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu dài 226km. Đoạn qua địa bàn thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có 42 móng trụ với tổng diện tích 16,49ha gồm 05 đơn vị thi công: Công ty TNHH MTV xây lắp điện, Công ty TNHH điện Địa Phương; Công ty CP XD - EVN Quốc tế 1, Công ty lắp máy và xây dựng điện IEC, Công ty Cổ phần Sông Đà 5. Đây là một trong bốn dự án thành phần thuộc Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối.

Dự án nhằm tăng cường năng lực lưới truyền tải 500kV Bắc-Trung, giúp nâng cao ổn định vận hành hệ thống điện Quốc gia, góp phần bảo đảm cung cấp điện cho miền Bắc ngay ở thời điểm hiện tại và trong những năm tới. Đây là dự án có ý nghĩa vô cùng quan trọng, an ninh năng lượng Quốc gia, phát triển kinh tế đất nước.

Với tầm quan trọng đặc biệt của Dự án, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT - Chủ đầu tư) và BQL dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB - quản lý điều hành) đã dốc sức, thi công trong điều kiện đặc thù khó khăn. Đích thân Thủ tướng Chính phủ cũng đã từng trực tiếp thăm hỏi, động viên các công nhân thi công dự án, song song yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công triển khai dự án đảm bảo an toàn, kịp tiến độ nhưng phải đúng quy định của pháp luật.

Bùi Thị Ngân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/yeu-cau-lam-ro-vu-vi-pham-mo-duong-trai-phep-tren-rung-phong-ho-a664912.html