Yêu cầu xóa bỏ chợ tự phát xung quanh ba chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh

UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn chỉ đạo UBND TP Thủ Đức, quận 8, huyện Bình Chánh và Hóc Môn kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng vận chuyển hàng hóa và kinh doanh tại các điểm mua bán tự phát xung quanh ba chợ đầu mối không đảm bảo quy định phòng chống dịch.

Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu không để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm lề đường, vi phạm trật tự an toàn giao thông, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

UBND TP giao các cơ quan nói trên nhanh chóng phối hợp với Công an TP và các đơn vị có liên quan bố trí lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm mua bán tự phát lấn chiếm lòng, lề đường, vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đồng thời nghiên cứu, triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông theo dõi, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để có cơ sở xử lý.

 Chợ đầu mối Hóc Môn đã mở cửa hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngưng để phòng dịch Covid-19

Chợ đầu mối Hóc Môn đã mở cửa hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngưng để phòng dịch Covid-19

Ngoài ra, UBND TP còn giao trách nhiệm chủ tịch UBND phường - xã địa phương thường xuyên theo dõi, tìm hiểu, nắm bắt nguyên nhân để xử lý hoạt động kinh doanh nông sản thực phẩm khu vực xung quanh ba chợ đầu mối. Chủ tịch UBND phường - xã chịu trách nhiệm trực tiếp và chủ tịch UBND các quận huyện và TP Thủ Đức sẽ phải giải trình giải trình trước UBND TP nếu tiếp tục để tình trạng các chợ tự phát hoạt động.

Công an TP cũng được giao trách nhiệm chỉ đạo công an địa phương bố trí lực lượng phối hợp UBND tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt là các hành vi tụ tập đông người, không đảm bảo quy định phòng, chống dịch Covid-l9, hành vi dừng đỗ xe, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường không đúng quy định gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

UBND TP yêu cầu Ban quản lý An toàn thực phẩm chủ trì, phối hợp với UBND địa phương và các cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra, liên ngành kiểm tra và xử lý các vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm không có giấy chứng nhận đủ điêu kiện an toàn thực phẩm hoặc không trang bị đủ kiến thức vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định.

Đối với Cục Quản lý thị trường TP, UBND TP đề nghị tổ chức đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm các hoạt động không có Giấy đăng ký kinh doanh; hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm xung quanh ba chợ đầu mối.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường TP, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương cũng được giao trách nhiệm về việc tăng cường các giải pháp quản lý hoạt động vận chuyển, kinh doanh tự phát nông sản, thực phẩm khu vực xung quanh ba chợ đầu mối TP.

Trước đó, UBND TP và Sở Công thương đã có văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương lên phương án mở lại chợ trong điều kiện phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Hiện các phòng kinh tế quận, huyện và TP Thủ Đức đang ráo riết hoàn chỉnh phương án khả thi nhất theo Bộ tiêu chí và kêu gọi tiểu thương đảm bảo điều kiện đăng ký để sớm đưa các chợ truyền thống trở lại hoạt động trong trạng thái “bình thường mới” từ ngày 10/10.

Trong khi đó, các chợ đầu mối từ lúc được mở điểm trung chuyển đến nay đã thu hút khoảng 50% trong tổng sản lượng được giao (200 tấn/ngày) về chợ. Đây là con số đáng ghi nhận, nếu so với thời điểm trước ngày 1/10, có đêm không có ký hàng nào nhập/xuất chợ. Với việc chợ truyền thống ở khắp các quận, huyện, TP Thủ Đức đang dần được mở lại, tiểu thương cũng như ban quản lý các chợ đầu mối kỳ vọng sắp tới có thể tăng lượng hàng nhập về.

“Tính đến ngày 5/10 có 21/237 chợ truyền thống trên địa bàn đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, số sạp tham gia còn khiêm tốn, chưa đến 30%” - ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương thông tin.

Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày các chợ đầu mối Bình Điện, chợ đầu mối Hóc Môn, chợ đầu mối Thủ Đức hoạt động lại, xung quanh các chợ này chợ tự phát mộc lên, mua bán tấp nập…

Liên quan đến hoạt động tràn lan của chợ tự phát, mới đây, đại diện Công ty Quản lý chợ Bình Điền cho biết, dự kiến cuối tháng 10 sẽ đưa chợ vào hoạt động với khoảng 30% công suất, tương đương thu hút khoảng 600 thương nhân. Tuy nhiên, việc buôn bán tràn lan bên ngoài dễ dàng và không tốn thêm chi phí có thể khiến thương nhân chưa muốn đăng ký vào chợ.

“Điều chúng tôi lo lắng nhất là việc mua bán bên ngoài chợ không được kiểm soát phòng chống dịch dịch, nên ảnh hưởng rất lớn đến chợ nếu khu bên ngoài có ca mắc Covid-19.” - đại diện Công ty Quản lý chợ Bình Điền lo lắng.

TIỂU THÚY

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/yeu-cau-xoa-bo-cho-tu-phat-xung-quanh-ba-cho-dau-moi-o-tp-ho-chi-minh-437141.html