Yêu con bằng cả trái tim

PTĐT - Căn phòng trọ ẩm thấp, xập xệ chừng 10m2 nằm nép mình trong ngõ nhỏ trên đường Châu Phong, T.P Việt Trì là nơi ở của chị Đinh Thị Thu Hồng (xã Đan Thượng, huyện Hạ Hòa).

Chị Đinh Thị Thu Hồng luôn sát cánh bên con trong mỗi lần chạy thận

Chị Đinh Thị Thu Hồng luôn sát cánh bên con trong mỗi lần chạy thận

PTĐT - Căn phòng trọ ẩm thấp, xập xệ chừng 10m2 nằm nép mình trong ngõ nhỏ trên đường Châu Phong, thành phố Việt Trì là nơi ở của chị Đinh Thị Thu Hồng (xã Đan Thượng, huyện Hạ Hòa).
4 năm trời ròng rã cùng con chiến đấu với căn bệnh suy thận. Gia đình chị thuộc hộ nghèo trong xã, bao năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” của hai vợ chồng cũng chỉ đủ để lo cho 3 con ăn học. Cảnh nghèo thêm eo từ khi T.H (20 tuổi ) – đứa con thứ hai của chị mắc căn bệnh suy thận. Việc đồng áng gác lại, thay vào đó là chuỗi ngày túc trực bên giường bệnh chăm con, những khoản nợ nần cứ thế nhân lên theo những ngày dài xuống Việt Trì chữa bệnh. Xa nhà, vừa chăm sóc người ốm, chị Hồng tìm việc làm thêm xung quanh xóm trọ. Chị thường đi làm vào cái giờ mà mọi người thường ngủ. Có khi là chập choạng thổi xôi từ 2h sáng, có lúc lại gồng người bưng bê, dọn dẹp, rửa bát tại những quán ăn đêm, …

Gian phòng trọ chật hẹp nhưng là nơi che nắng mưa, nồng ấm tình thương của mẹ con chị Đinh Thị Thu Hồng suốt những năm tháng chiến đấu với bệnh tật.

Gian phòng trọ chật hẹp nhưng là nơi che nắng mưa, nồng ấm tình thương của mẹ con chị Đinh Thị Thu Hồng suốt những năm tháng chiến đấu với bệnh tật.

Tuy đồng lương ít ỏi, công việc bấp bênh nhưng cũng đủ tiền thuê trọ và những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hằng ngày. Chẳng biết, do chủ quan sức khỏe hay do gồng gánh gấp hai mà trụ cột kinh tế - chồng chị Hồng, sau nhiều lần ho hen khéo dài, anh nhận kết quả mình bị bệnh lao phổi. Sức khỏe giảm sút từng ngày, anh không thể tiếp tục làm việc khiến những khó khăn của gia đình nghèo nhân lên “gấp bốn”, tất cả đè trên đôi vai gầy mòn, nhỏ bé của chị Hồng chẳng biết cầm cự được bao lâu.

Cuộc sống của chị là ngày ở viện săn sóc cho con, đêm tối lại đi làm kiếm sống. Nhiều người trong xóm trọ vẫn tự hỏi không biết chị lấy đâu ra sức lực nhiều đến thế.
Gian phòng trọ chật hẹp của mẹ con chị Hồng hầu như không có đồ vật gì giá trị. Lần tìm về miền ký ức, khóe mắt chị rưng rưng: “Vào đợi điều trị ấy, sức khỏe H không được khả quan. Bác sĩ khuyên gia đình chuẩn bị tinh thần cho trường hợp xấu nhất. Bất lực ngồi bên giường bệnh, tôi nắm chặt bàn tay teo tóp, yếu ớt, lặng nghe tiếng thở nặng nhọc của con trẻ mà đau như xé lòng. Nén nước mắt vào trong, tôi động viên H: “Đừng bỏ cuộc con nhé!”. Dù không còn đủ sức cất thành lời nhưng H vẫn cố gắng gật đầu để đáp lại tôi. Đó là khoảng khắc tôi không bao giờ quên được, là động lực để tôi tiếp tục cố gắng vì con, vì gia đình trong chuỗi ngày gian nan phía trước”.

Chị Lê Thị Gấm ôn lại bài tập cùng con sau mỗi ngày học

Chị Lê Thị Gấm ôn lại bài tập cùng con sau mỗi ngày học

Cũng trên hành trình gặp gỡ những người mẹ đặc biệt, tôi tìm đến gian phòng trọ ở phường Gia Cẩm của chị Lê Thị Gấm (30 tuổi – xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn) khi chị đang tập giao tiếp bằng ký hiệu ngôn ngữ với con. Là hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã, 4 thế hệ gia đình chị Gấm cùng chung sống dưới một mái nhà. Kế sinh nhai của cả gia đình chị chỉ chông chờ vào mấy sào ruộng và vườn chè. Cuộc sống tuy thiếu thốn, nhưng H luôn nhận được tình yêu thương, sự chăm sóc và vòng tay ấm áp, chở che của gia đình nhỏ. Nhận thấy con mình có nhiều biểu hiện khác thường, năm H đầy 3 tuổi, cả gia đình đã cố gắng vay mượn, đưa H lên thành phố khám. Sau khoảng thời gian tĩnh lặng chờ đợi kết quả, chị Gấm như “chết lặng” khi bác sĩ chẩn đoán: “H bị điếc 90%”.

Thương con, đứa trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, tinh nghịch nhưng chưa một lần được cảm nhận “cung thanh” từ tiếng mẹ, “cung trầm” từ lời cha. Sau nhiều đêm trằn trọc, hình ảnh thằng bé lon ton chạy ra cổng nhà đón mẹ, miệng ậm ừm cất không thành tiếng cứ dày vò khiến chị Gấm càng thêm day dứt. Không thể chữa trị, nhưng không có nghĩa là đã hết cách, sau nhiều nỗ lực tìm hiểu, người mẹ ấy đã quyết định nộp hồ sơ cho con theo học tại Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Mồ côi và Tàn Tật Việt Trì với hy vọng giúp con học được cách giao tiếp, chia sẻ cảm nhận, cách nhận biết con chữ để con sớm hòa nhập cộng đồng. Con được đi học, chị Gấm cũng gác công việc gia đình, khăn gói ra Việt Trì…

Những nét chữ của cậu bé 9 tuổi tuy còn nguệch ngoạc nhưng là cả niềm hạnh phúc của người mẹ

Những nét chữ của cậu bé 9 tuổi tuy còn nguệch ngoạc nhưng là cả niềm hạnh phúc của người mẹ

Những ngày đầu đưa con ra thành phố, xe cộ không có, đường xá không biết… chị phải cố gắng tìm kiếm gian nhà trọ gần trung tâm để tiện đưa con đi học. Con ở trong lớp, mẹ ngoài hành lang, ngoài tường rào… cùng học. Chỉ có thế, chị Gấm mới có thể “nói chuyện” được với con mình. Hằng ngày, chị mượn sách từ các cô giáo, tự học ký hiệu, ngôn ngữ, rồi học cả cách mà các giáo viên cho con vận động, thể dục… để mỗi ngày về gian phòng nhỏ, chị có thể bỏ qua những vội vã, hối hả trong dòng đời và cùng con bước vào một chiều không gian “tĩnh lặng” nhưng chan chứa tình mẫu tử. Cầm tập vở, với những nét chữ đầu tiên do H viết, dù còn nguệch ngoạc, có con chữ còn giống hạt đỗ đen trên dòng kẻ để khoe với tôi, niềm hạnh phúc như chưa bao giờ có chợt hiện trên gương mặt người phụ nữ nghèo ấy, tuy chị không nói được thành lời, nhưng chúng tôi đều hiểu, đều cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương…

Hai người mẹ, từ hai miền quê xa, họ rẽ theo những lối về khác nhau nhưng vì những đứa con thương yêu mà cùng lay lắt sống trong lòng thành phố ồn ào, vội vã.
Đó, chỉ có thể xuất phát từ tình mẫu tử thiêng liêng của những người mẹ luôn hết mình vì con.

Mai Bích

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202005/yeu-con-bang-ca-trai-tim-170668