Yêu điều chưa hoàn hảo
Làm nghề dạy học, tôi từng chứng kiến nhiều lần học trò rơi nước mắt.
Làm nghề dạy học, tôi từng chứng kiến nhiều lần học trò rơi nước mắt. Đó có thể là do tấm tức vì một chuyện gì đó. Đó cũng có thể là do xúc động vì một điều gì đó. Cũng có khi đơn giản là “bỗng dưng muốn khóc”.
Học trò khóc, dĩ nhiên rồi, sẽ khiến cho giáo viên như tôi nhiều khi cũng rơi vào bối rối nếu như chưa xác định được đúng nguyên do.
Sáng nay, trong tiết học “nói và nghe”, khi cho nhóm thảo luận về các vấn đề do chính các em lựa chọn, tôi lại chứng kiến cảnh học trò… khóc. Là khi các em thảo luận về vấn đề “yêu những điều chưa hoàn hảo”. Sau khi trình bày xong, bạn thuyết trình hỏi cả lớp “trong lớp ta, có bạn nào từng ghét những điều không hoàn hảo của mình chưa?”. Lớp im lặng một lúc. Rồi cũng có những bạn mạnh dạn đứng dậy chia sẻ. Và trong số đó, có bạn đã khóc khi bộc bạch về điều không hoàn hảo của bản thân từng bị một số người kỳ thị…
Em thú thực kể rằng, hồi học cấp 2, em rất tự ti về làn da đen của mình. Và chính điều không hoàn hảo về làn da đó đã khiến em phải khổ sở trong suốt thời gian dài. Nhiều người, kể cả người lớn đã đùa cợt. Họ thường xuyên lấy đó làm đề tài để chọc ghẹo khi nhìn thấy em. Họ cười mỉa mai. Họ giễu cợt. Kể đến đây, em bất chợt lặng im một lúc và… khóc. Những giọt nước mắt ấy khiến cả lớp cũng lặng im theo.
Tôi động viên em bình tĩnh để chia sẻ tiếp câu chuyện. Em kể tiếp rằng, điều đó khiến cho em phải sống thu mình và luôn tự ti trước mọi người. Cho đến khi bước chân vào Trung học phổ thông, được gặp những người bạn mới, học ở môi trường mới, tham gia nhiều hoạt động ở các câu lạc bộ thì em mới cởi bỏ được sự tự ti trước đây. Em bắt đầu sống hòa đồng và vui vẻ hơn với mọi người. Và cho đến hôm nay đây, khi chia sẻ về câu chuyện này, em đã không còn ghét bỏ làn da nữa mà biết yêu hơn điều chưa hoàn hảo ấy của mình. Và tôi thấy em cười rất tươi khi nói về điều đó.
Sau chia sẻ ấy, nhiều bạn khác cũng đã chia sẻ về những điều chưa hoàn hảo của bản thân mình; có thể là sự chưa hoàn hảo về ngoại hình như chiều cao, khuôn mặt, cũng có thể là tính cách xấu. Bạn khác lại nói đến sự kém cỏi ở một môn học… Nhưng điều tôi thấy hài lòng nhất với các em là sau việc nhận ra sự không hoàn hảo ấy đều vượt qua mặc cảm tự ti, biết khắc phục những điều chưa hoàn hảo để vươn lên. Điều ấy, thật đáng trân trọng.
Cuối buổi học, tôi có nói với học trò rằng, lần đầu tiên, tôi thấy các em trình bày về các vấn đề rất tự nhiên và thiết thực. Và đặc biệt, tôi rất ngạc nhiên khi các nhóm không sử dụng phương tiện bổ trợ nhưng các vấn đề các em trình bày vẫn thu hút được nhiều người nghe. Mỗi phần trình bày đều nhận được nhiều câu hỏi tranh luận từ các nhóm còn lại. Tôi thấy vui vì điều đó.
Tối nay, khi gõ những dòng này, tôi lại nhớ đến các lần trước đây học trò… khóc. Có những giọt nước mắt khiến tôi nhớ mãi… như lần giảng về cái kết trong truyện ngắn Chí Phèo hay những lần phải xử lý những “chuyện” tình cảm lâm li của tuổi mới lớn…
Tôi còn nhớ rõ, cách đây chừng năm năm trước, khi đang say sưa giảng về chi tiết cái chết của Chí Phèo ở cuối tác phẩm thì bắt gặp một học trò khóc. Tôi cố vờ đi để tiếp tục mạch bài giảng. Và thú thực, cứ mỗi lần giảng về cái kết của tác phẩm Chí Phèo trong tôi cũng dâng đầy cảm xúc. Có khi không giữ được bình tĩnh, tôi xúc động và rơm rớm nước mắt. Lần đó cũng như vậy, với tôi, Chí Phèo của nhà văn Nam Cao thật đáng thương. Cái chết của Chí Phèo càng khiến cho sự đáng thương ấy nhân lên gấp bội. Có lẽ vì thế, mỗi lần đọc Chí Phèo, mỗi lần ngẫm về cái chết của Chí, tôi đều xúc động…
Có lẽ, câu chuyện sẽ không có gì nếu như tối ấy về, cô học trò đó không nhắn tin cho tôi. Em nhắn tin chia sẻ rằng, khi nghe tôi giảng về cái chết của Chí Phèo em đã khóc vì vừa xúc động vừa cảm thấy hối hận. Em hối hận vì khi đọc xong truyện ngắn “Chí Phèo”, bản thân chỉ thấy căm ghét, chỉ thấy Chí thật đáng trách. Và, em cũng có một người cha hay rượu chè nên em càng thấy căm ghét những kẻ như Chí hơn. Nhưng giờ thì em đã có suy nghĩ khác… Tôi bất ngờ với những dòng tin nhắn ấy của học trò. Tôi cũng không nghĩ, Văn học có sức mạnh diệu kỳ đến như thế. Sức mạnh thay đổi nhận thức của một con người…
Có lẽ, bởi chia sẻ trên của trò mà tôi nhớ mãi những giọt nước mắt rơi trong giờ học Văn năm ấy. Giọt nước mắt vì xúc động và hối hận.
Thật ra, khóc cũng chưa hẳn là yếu đuối, nhiều khi nó lại là sự mạnh mẽ. Vì sau khi khóc, nụ cười sẽ tươi tắn hơn...
Nước mắt học trò, với tôi, cũng mang đến những kỉ niệm sâu sắc trong cuộc đời cầm phấn của mình.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/yeu-dieu-chua-hoan-hao-post668527.html