Yêu Long An qua từng câu hát
Quê hương Long An trung dũng, kiên cường đi vào thơ ca, nhạc họa rất đỗi bình dị, nên thơ. Để rồi khi nghe những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng về quê hương, những người con của mảnh đất Long An thêm yêu và tự hào về quê mình.
Chuyện về dòng Vàm Cỏ Đông
Từ những năm kháng chiến, người dân cả nước biết và yêu Long An qua câu hát: Ở tận sông Hồng em có biết/ Quê hương anh cũng có dòng sông/ Anh mãi gọi với lòng tha thiết/ Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông trong bài hát Vàm Cỏ Đông. Đây là bài hát do nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Hoài Vũ.
Nhà thơ Hoài Vũ là người con xứ Quảng, nặng lòng với Long An. Ông sáng tác bài thơ Vàm Cỏ Đông năm 1963 khi vừa đặt chân đến Long An. Năm 1966, bài thơ được phổ biến trên Đài Tiếng nói Việt Nam thì bài hát Vàm Cỏ Đông cũng lập tức ra đời và nhanh chóng trở nên quen thuộc với đồng bào cả nước cũng như trở thành niềm tự hào của người dân Long An. Cho đến hôm nay, Vàm Cỏ Đông vẫn được xem là ca khúc biểu trưng cho Long An trung dũng, kiên cường dù trong lời bài hát không có lần nào nhắc đến từ “Long An”.
Vàm Cỏ Đông đây
Vàm Cỏ Đông đây ta quyết giữ
Từng chiếc xuồng tấm lưới cây dầm
Từng con người làm nên lịch sử
Và dòng sông trong mát quanh năm.
Năm 1974, những giai điệu thiết tha của Vàm Cỏ Đông thêm một lần “đánh động” tâm hồn của người nghệ sĩ. Bằng tất cả nỗi lòng mong nhớ quê hương của một người con xa quê học tập, soạn giả Huyền Nhung viết bài tân cổ Dòng sông quê em chỉ trong 2 đêm ngắn ngủi sau khi nghe được bài hát Vàm Cỏ Đông trên đài phát thanh.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng và sớm tham gia hoạt động văn nghệ phục vụ chiến trường miền Nam, soạn giả Huyền Nhung biết rõ những “mất mát, hy sinh” cũng như sự “trung dũng, kiên cường” của “mảnh đất Long An rạng rỡ tên vàng”:
Mấy mươi năm sông cùng ta ra trận là bấy nhiêu lần chở nặng chiến công. Màu xanh quê hương lớn lên trong bom gầm pháo dội. Nắng dãi mưa dầu có tình mẹ chắt chiu. Dòng sông tôi yêu chở nhiều nhung nhớ…
Bằng ngôn từ mộc mạc và dung dị, Dòng sông quê em đã thực sự “trường tồn” trong lòng mỗi người con Long An cho đến hôm nay - Long An ơi chung thủy đợi chờ. Quê hương em là bài ca bất tận. Trung dũng kiên cường đánh giặc toàn dân.
Bài hát được trao giải Nguyễn Thông
Một bài hát khác về quê hương Long An cũng khởi nguồn cảm hứng từ đôi dòng Vàm Cỏ và nhận được nhiều sự yêu mến hiện nay là Long An khúc ca ân tình của nhạc sĩ trẻ Lê Long Phiên. Đây cũng là tác giả và tác phẩm được trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Thông năm 2022. Bài hát thuộc dòng nhạc dân ca, mở đầu bằng câu hát dạt dào tình cảm và đậm chất Long An: Sông Vàm Cỏ Đông mênh mông tình quê thương nhớ, xuôi dòng sông dài qua vùng đất kiên trung. Đức Huệ ơi, khúc ca niềm tin chiến thắng, ghé thăm Bình Thành còn nghe tiếng vọng quê hương.
Tác giả đưa người nghe dạo một vòng khắp Long An, qua 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với những đặc trưng nổi bật của vùng. Bức tranh Long An ngày mới hiện ra tươi đẹp, bừng lên sức sống:
Quê mình giờ đây hăng say nhựa sống mới,
Đức Hòa vươn mình theo nhịp bước quê hương
Nước phù sa thắm xanh đồng ruộng mía,
Bến Lức ngọt ngào chào đón khách ngàn phương.
Chia sẻ về tác phẩm của mình, nhạc sĩ Lê Long Phiên cho biết, anh chọn thể loại dân ca cho bài hát Long An khúc ca ân tình vì đó là thế mạnh sáng tác của anh. Khi bắt đầu, anh chỉ mong muốn thể hiện tình cảm với quê hương bằng tài năng, thế mạnh của mình, để người dân Long An có thêm lựa chọn khi ca ngợi quê hương.
Nhạc sĩ Lê Long Phiên nói: “Tôi chưa bao giờ dám nghĩ Long An khúc ca ân tình được chọn trao một giải thưởng danh giá đến vậy. Ngay từ đầu, tôi chỉ muốn có thêm một bài hát về Long An do chính người Long An sáng tác, bởi tôi tin rằng, sẽ không ai hiểu về quê hương hơn những người con được sinh ra và lớn lên ở chính vùng đất ấy”.
Ca khúc dành cho thiếu nhi
Với tâm niệm sáng tác cho quê hương, ngoài Long An khúc ca ân tình, nhạc sĩ Lê Long Phiên còn có nhiều bài hát khác về các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, mới đây, nhạc sĩ ra mắt tác phẩm nhạc thiếu nhi Hát vang Long An trung dũng kiên cường và cũng được đón nhận nhiệt tình.
Khác với Long An khúc ca ân tình, Hát vang Long An trung dũng kiên cường viết theo thể loại hành khúc với giai điệu sôi động, hào hùng, thể hiện sự đổi mới trong sáng tác; đồng thời, tăng tính thu hút đối với các em thiếu nhi. Bài hát được dàn dựng và biểu diễn trong chương trình Mừng đảng quang vinh - Mừng xuân Quý Mão 2023 và sau đó được nhiều địa phương dàn dựng, biểu diễn khá phổ biến trong các sự kiện, chương trình.
Về cội nguồn, nhìn quê hương vọng vang mãi những chiến công
Niềm tự hào về Long An trung dũng kiên cường
Em hôm nay bao khát vọng dựng xây đất nước
Để ngàn đời luôn sáng ngời truyền thống anh hùng.
Ngoài Hát vang Long An trung dũng kiên cường của nhạc sĩ Lê Long Phiên thì một bài hát thiếu nhi khác về quê hương Long An cũng được đón nhận nhiệt tình là Long An quê hương em của thầy giáo, nhạc sĩ Thanh Lê. Đây là bài hát được giảng dạy trong sách Tài liệu giáo dục địa phương lớp 7 của tỉnh và được học sinh các trường yêu thích.
Với giai điệu dân ca ngọt ngào, ca từ giản dị, trong sáng phù hợp với học sinh, nhạc sĩ Thanh Lê gửi gắm vào bài hát một số thông tin bổ ích, giúp học sinh có thể hiểu và yêu quê hương mình hơn.
Nhạc sĩ Thanh Lê chia sẻ: “Bài Long An quê hương em được dựa theo tứ một bài thơ tôi từng đọc từ khá lâu rồi. Mãi đến sau này, khi tư liệu và cảm xúc thực sự “chín”, tôi mới cho ra đời tác phẩm. Qua bài hát, tôi mong học sinh có thể hiểu rõ hơn về những nét đặc trưng của 2 dòng Vàm Cỏ trên quê hương mình. Mỗi khi đứng lớp, dạy học sinh về bài hát này, tôi thường kể cho các em nghe về 2 dòng sông nổi tiếng của quê hương”.
Quê hương thương lắm ai ơi!
Nhớ quê xin hãy về nơi sông Vàm.
Ơi! Vàm Cỏ Đông. Ơi! Vàm Cỏ Tây.
Ơ ơ ơ ơ. Chung niềm ước mơ./.
Yêu quê hương không nhất thiết là phải làm những việc quá lớn lao. Với thầy giáo Phạm Ngọc Hà, đó đơn giản là sống thật tốt và làm những điều có ích bằng khả năng của bản thân mình.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/yeu-long-an-qua-tung-cau-hat-a179991.html