Yêu nước không phải là trend, yêu nước nằm ở trong gene chúng mình

Cựu chiến binh bị thương năm 1972 cay khóe mắt ôm đứa chắt sống ở nước ngoài chưa sõi tiếng Việt, khi bé chỉ vào chiếc áo in quốc kỳ và nói: 'Đó là Việt Nam'.

Một người họ hàng định cư ở nước ngoài của tôi đem vợ con về nước thăm gia đình đúng dịp lễ 30/4 năm nay. Đứa con gái 4 tuổi có tên thân mật là Lucky của anh chưa nói sõi tiếng Việt, gần như chưa biết gì về quê cha đất tổ mà cháu mới về lần đầu. Khi nhìn thấy anh họ đi chơi phố về, Lucky chỉ tay vào cậu bé reo lên: “Đó là Việt Nam!” và rồi ngoảnh sang bố mẹ, để tay lên ngực mình nhoẻn cười khoe: “Lucky là người Việt Nam”.

Cả nhà chỉ ngơ ngác một giây rồi hiểu ra ngay khi nhìn hình cờ đỏ sao vàng trên chiếc áo phông mà cậu bé mặc. Cái tên Việt Nam và hình ảnh quốc kỳ là một trong những kiến thức đầu tiên mà bé Lucky được bố mẹ dạy khi tập nói.

Tình yêu nước nằm trong gene của mỗi người Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Tình yêu nước nằm trong gene của mỗi người Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Cụ nội của bé, một cựu chiến binh bị thương năm 1972, ôm lấy đứa chắt bé bỏng mà cay khóe mắt. Cuộc sống của họ có khoảng cách của 3 thế hệ và nửa vòng trái đất, thậm chí cả khoảng cách về ngôn ngữ, nhưng họ dễ dàng có chung cảm nhận về cội nguồn và đất nước qua biểu tượng thiêng liêng của lá cờ: Việt Nam, người Việt Nam.

Có lẽ, nhận thức về Tổ quốc nơi mình thuộc về là viên gạch đầu tiên tạo nên nền móng của lòng yêu nước, điều mà mỗi người Việt Nam đều cảm nhận rõ ràng nhất trong những ngày kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, điều kéo tất cả những người thuộc dòng giống con Rồng cháu Tiên lại gần nhau.

Có thể nói rằng, tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc là sợi dây mạnh mẽ nhất kết nối người dân Việt Nam thuộc mọi thế hệ, vùng miền, nghề nghiệp… trong tháng Tư lịch sử này, nó thấm đẫm trong từng khía cạnh của cuộc sống.

Ở bề nổi, điều đó thể hiện ở sắc cờ đỏ sao vàng huy hoàng trên phố, ở các khu dân cư, công sở, trên mạng xã hội và vô số sản phẩm tiêu dùng; là việc những bài hát yêu nước trở thành tiết mục được tìm kiếm, được xem và nghe nhiều nhất, được làm nền nhạc cho những điệu nhảy trở thành xu hướng giới trẻ; là khi lời kêu gọi chung tay làm sạch đường phố trở nên hiệu quả hơn vì gắn với khẩu hiệu “yêu môi trường là yêu nước”…

Ở bề sâu hơn, chúng ta thấy lòng yêu nước tạo ra sự đồng cảm lớn trong toàn xã hội, thể hiện ở những điều rất giản dị. Giữa vô số người và xe dọc đường thiên lý, người dân địa phương nhận ra những đồng bào đang vượt hàng nghìn cây số vào TP.HCM dự đại lễ kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất như một chuyến hành hương. Họ theo dõi những chuyến đi này qua mạng xã hội, nhận ra nhau qua biểu tượng quốc kỳ và giúp nhau hết lòng trong hành trình.

Có rất nhiều người hành hương như thế mà đích đến là lễ diễu binh ở TP.HCM. Chàng trai 24 tuổi Đào Quang Hà quê Thái Bình đạp xe từ Hà Nội với lá cờ tổ quốc trên giỏ xe. Cựu chiến binh 76 tuổi Trần Văn Thanh rong ruổi 1.300km từ Nghệ An trên chiếc xe máy cũ kỹ. Nguyễn Viết Quân, chàng thanh niên khuyết tật do bại não, cũng dành một tháng cho hành trình từ Nghệ An trên chiếc xe ba bánh, khỏe thì đi, mệt thì nghỉ…

Nhiều người trong số họ hân hoan khi nhận ra nhau khi tình cờ gặp mặt tại đích đến là TP.HCM, trao nhau cái ôm ấm áp. Nói cho cùng, đó là sự gặp gỡ của tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc.

Sức kết nối, lan tỏa mạnh mẽ của lòng yêu nước thúc đẩy các bạn trẻ gen Z, gen Alpha tìm hiểu về lịch sử, về cuộc sống chiến đấu, lao động và yêu thương của thế hệ ông bà mình. Nhiều bạn trẻ luôn sống trong tiện nghi tâm sự, họ thấy nhiệt huyết sôi trào và cảm nhận rõ sự thiêng liêng của sắc cờ đỏ khi hiểu ra, vì điều gì mà cha ông có thể rời bỏ mái ấm, mấy chục năm ăn gió nằm sương, hy sinh máu xương để giành bằng được độc lập, tự do và thống nhất.

Chắc chắn rằng rất nhiều bạn trẻ khi nghe kể về sự tận hiến của tổ tiên đã tự hỏi: Vậy thế hệ mình yêu nước sẽ phải làm gì? Điều tự vấn này giúp Tổ quốc Việt Nam trường tồn và phát triển trong mấy nghìn năm qua. Lòng yêu nước như dung nham núi lửa, tùy từng hoàn cảnh lịch sử mà lúc phun trào dữ dội, khi âm thầm nung nấu dưới lòng đất, nhưng luôn mãnh liệt và trường tồn.

“Yêu nước không phải là trend (trào lưu)/Yêu nước nằm ở trong gene chúng mình”, xin kết lại bài này bằng câu nói mà nhiều cư dân mạng trẻ đang chia sẻ.

Hà Anh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/yeu-nuoc-khong-phai-la-trend-yeu-nuoc-nam-o-trong-gene-chung-minh-ar940656.html