Yêu quê hương qua từng nét phấn vẽ

Hòa mình vào khí thế sôi nổi của những ngày tháng tư lịch sử, thầy giáo Đặng Mai Thanh Tuấn (giáo viên Trường Tiểu học Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) đã tái hiện hình ảnh đoàn quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập bằng chất liệu tranh phấn. Bức tranh là tiếng lòng của một người trẻ, thể hiện niềm tự hào sâu sắc về lịch sử dân tộc và lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã làm nên chiến thắng.

Với thầy Đặng Mai Thanh Tuấn (Trường Tiểu học Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc), những tác phẩm về đề tài lịch sử giúp học sinh nuôi dưỡng tinh thần yêu nước

Với thầy Đặng Mai Thanh Tuấn (Trường Tiểu học Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc), những tác phẩm về đề tài lịch sử giúp học sinh nuôi dưỡng tinh thần yêu nước

Để hoàn thành tác phẩm tranh phấn 1,2 x 3,6m, thầy giáo trẻ mất khoảng 5 giờ. Từng thử nghiệm với nhiều chất liệu màu vẽ khác nhau, thầy nhận định vẽ tranh bằng phấn sẽ nhanh hơn vẽ bằng các chất liệu khác, tuy nhiên vẽ bằng phấn cũng là một thách thức đối với người vẽ bởi phấn dễ bị gãy, khó kiểm soát nét vẽ như khi dùng cọ, bề mặt bảng trơn nên rất khó vẽ các chi tiết nhỏ. Ngoài ra, màu sắc phấn không đa dạng, khi vẽ không có sự lựa chọn gam màu, trong quá trình sáng tác, nếu vô tình chạm tay vào tranh, nét vẽ sẽ bị lem nên người vẽ cần phải rất cẩn thận và tỉ mỉ.

Thầy Tuấn chia sẻ: “Khoảng 2 năm trở lại đây, tôi thử sức vẽ tranh khổ lớn bằng chất liệu phấn vào những dịp lễ, tết vì đây là chất liệu gần gũi, quen thuộc với bản thân tôi và các em học sinh. Vẽ tranh phấn vừa giúp tôi thỏa đam mê hội họa, vừa có thể sử dụng để phục vụ tiết dạy của mình. Trong những ngày cuối tháng tư lịch sử, tôi chọn tái hiện hình ảnh đoàn quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập với mong muốn giúp học sinh của mình hiểu rõ hơn về ý nghĩa của ngày 30/4 lịch sử, đồng thời giúp các em nuôi dưỡng lòng yêu nước ngay từ khi còn nhỏ”.

Đam mê vẽ tranh và yêu trẻ con nên anh Tuấn luôn ấp ủ ước mơ theo ngành Sư phạm Mỹ thuật bởi với anh, đây là môn học đặc biệt không chỉ giúp trẻ phát triển khả năng quan sát, sáng tạo mà còn góp phần nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ. Năm 2013, anh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Long An (nay là Trường Đại học Sư phạm TP.HCM Phân hiệu Long An) chuyên ngành Sư phạm Mỹ thuật và đến nay đã có 13 năm gắn bó với nghề giáo viên.

Thời gian qua, bằng niềm đam mê và kiến thức của bản thân, thầy Tuấn không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy. “Trong mỗi tiết dạy, tôi thường sử dụng video, hình ảnh minh họa để giúp học sinh dễ hình dung và hứng thú hơn với bài học. Tôi còn đưa những đề tài gần gũi về quê hương, gia đình, trường lớp vào bài vẽ, đồng thời tổ chức các trò chơi vẽ tranh theo nhóm, vẽ tiếp sức, thi thiết kế sản phẩm để tạo không khí vui vẻ, sôi động cho các em trong từng tiết học” - thầy Tuấn cho biết thêm.

Được biết, ngoài đảm nhận nhiệm vụ dạy môn Mỹ thuật, thầy Đặng Mai Thanh Tuấn còn đảm nhận vai trò bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh trong và ngoài trường tham dự các hội thi. Đến nay, nhiều học sinh do thầy bồi dưỡng đạt thành tích cao trong các hội thi vẽ tranh ở cấp trường, cấp địa phương và Trung ương./.

Thanh Dung

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/yeu-que-huong-qua-tung-net-phan-ve-a194262.html