Yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông là vô căn cứ: Mỹ nhấn mạnh điều mà cả thế giới đã biết để làm gì?
Theo cựu quan chức ngoại giao Brian P. Klein, Mỹ cuối cùng đã khẳng định điều mà cả thế giới đều biết: Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông là không có cơ sở pháp lý.
Nguyên nhân Mỹ khẳng định lập trường cứng rắn về biển Đông với Trung Quốc
Klein - cựu cán sự ngoại giao tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, nhà sáng lập kiêm CEO của hãng cố vấn chiến lược và rủi ro chính trị Decision Analytics (có trụ sở tại New York) - chỉ ra rằng thông điệp mạnh mẽ của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được đưa ra trong bối cảnh nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump sẽ kết thúc sau 6 tháng nữa.
Trong thông cáo chính thức do Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi ngày 13/7, ông Pompeo tuyên bố "Các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt nhằm kiểm soát chúng".
Lập trường của Mỹ được khẳng định 4 năm sau khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague ra phán quyết trong vụ kiện do Philippines làm nguyên đơn, theo đó bác bỏ hoàn toàn căn cứ pháp lý của "đường chín đoạn" mà Bắc Kinh sử dụng làm cơ sở áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý trên biển Đông.
Phân tích trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Brian Klein nêu ra hai nguyên nhân nổi bật. Thứ nhất là nỗ lực từ chiến dịch tái cử của ông Trump nhằm củng cố lập trường cứng rắn với Trung Quốc trước thềm cuộc bầu cử tháng 11 tới; thứ hai là củng cố và lấy lại lòng tin về Mỹ như một cường quốc khu vực.
Klein cảnh báo, nếu Bắc Kinh đánh giá sai lầm về dù chỉ một trong hai thế lực chính trị mạnh mẽ này và kích hoạt một cuộc đối đầu với Washington, thì Trung Quốc có thể đối mặt với những làn sóng phản ứng đã âm ỉ từ lâu trong khu vực.
Trong khi bầu cử Mỹ bước vào giai đoạn nước rút, các quảng cáo công kích từ chiến dịch Trump nhằm vào Trung Quốc được phát đi hàng ngày tại các bang chiến trường, với hàng trăm triệu USD bỏ ra. Chiến dịch của Tổng thống đã quyết định đưa Trung Quốc vào một số luận điểm chống lại ứng viên Dân chủ Joe Biden.
Thông điệp của Ngoại trưởng Pompeo về vấn đề biển Đông trao cho chính quyền Trump thêm một điểm tranh luận về Trung Quốc, sau khi Mỹ đã tiến hành chiến tranh thương mại với Bắc Kinh, hay trừng phạt các quan chức Trung Quốc mà Washington áp đặt cáo buộc nhân quyền trong vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Mới đây nhất là chiến dịch kiểm soát nhằm vào các du học sinh người Hoa tại Mỹ có liên hệ với quân đội Trung Quốc, hay áp cấm vận chống lại luật an ninh quốc gia của Trung Quốc đối với đặc khu Hồng Kông.
Bắc Kinh nên thận trọng khi Mỹ đã "vượt rào"
Những biến động trong mùa bầu cử khiến ông Trump sẵn sàng gây sức ép mạnh hơn lên Trung Quốc, và bất kỳ sự cố nào trên biển Đông - ví dụ như một vụ đâm tàu - có thể được Tổng thống nhấn mạnh.
Ông Klein cho rằng Trung Quốc có thể nhầm lẫn rằng những xáo trộn chính trị ở Mỹ [trước thềm bầu cử] là điểm yếu và là thời cơ để Bắc Kinh hung hăng hơn trong những yêu sách hàng hải về năng lượng và nguồn tài nguyên cá.
"Thậm chí sai lầm hơn, họ có thể tin rằng Trump thất cử và nhiệm kỳ của ông Biden sẽ có cách tiếp cận khác [với Trung Quốc], ít đối đầu hơn," cựu quan chức Mỹ viết trên SCMP.
Tuy nhiên, ngay cả ông Joe Biden cũng đang xây dựng một lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong chiến dịch của mình, dù vấn đề Trung Quốc là không đáng kể so với các mục tiêu kinh tế xã hội mà ông muốn sửa đổi nếu đắc cử.
Tổng thống Trump vẫn là ứng viên đáng gờm. Một xung đột với Trung Quốc dù nhỏ đến đâu đều có thể trở thành màn "khoe cơ bắp" mà ông cần để củng cố lòng tin của cử tri cũng như tranh thủ sự ủng hộ từ nhóm cử tri dao động.
Từ nay đến tháng 11, Klein bình luận, những đối đầu về ngoại giao, chính trị và kinh tế giữa Mỹ-Trung sẽ không thể giảm xuống.
Những nỗ lực của ông Trump là một phần trong loạt động thái xuyên suốt ở châu Á nhằm kiềm chế Trung Quốc có hành động quá khích. Ấn Độ có kế hoạch mời Australia tham gia tập trận chung để mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỹ và Australia cũng tiếp tục điều động chiến hạm tham gia các chiến dịch tuần tra nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải trên biển Đông.
Về phần mình, Bắc Kinh đang gửi thông điệp tương đối hòa dịu thông qua Ngoại trưởng Vương Nghị rằng hợp tác vẫn là phương án được ưu tiên khi có thể.
"Tuy nhiên, điều mà thế giới nhận ra là những kế hoạch bành trướng của Trung Quốc phải bị kiềm chế tại thời điểm nào đó," Klein viết. "Khi Mỹ đã vượt qua rào cản hạn chế và công khai tuyên bố chủ trương của Trung Quốc ở biển Đông là vô hiệu thì làn sóng phản ứng [nhằm vào Bắc Kinh] sẽ gia tăng ở một mức độ nhất định."
Phần còn lại của khu vực sẽ hành động thế nào sau động thái của Mỹ vẫn là điều chưa rõ ràng vào thời điểm này. Song đây là khoảng trống chính sách mà Trung Quốc không nên tìm cách lợi dụng trong bối cảnh có nhiều bất ổn gia tăng như hiện nay - ông Brian Klein kết luận.