Yếu tố cản trở chiến dịch phản công của Ukraine sau khi Nga rút khỏi Kherson
Để có thể tiếp tục cuộc phản công, quân đội Ukraine phải tiến hành cuộc vượt sông Dnieper bằng cách thiết lập những cây cầu tạm. Đây không phải nhiệm vụ dễ dàng.
Tuần trước, quân đội Nga đã quyết định rút khỏi thành phố Kherson và chuyển về bờ đông sông Dnieper. Trong quá trình rút quân, Nga được cho là đã phá hủy một số tuyến đường chính để ngăn cản đà tiến của quân đội Ukraine.
Mặc dù Nga từ bỏ thành phố chiến lược nhưng họ đã ngăn chặn hiệu quả cuộc phản công của Ukraine. Moscow cũng thiết lập một hệ thống phòng thủ nhiều tầng trên bờ đông sông Dnieper. Để có thể tiếp tục cuộc phản công, quân đội Ukraine phải tiến hành cuộc vượt sông bằng cách thiết lập những cây cầu tạm. Lính công binh phải đảm bảo kiểm soát được một vùng nước, sử dụng các bệ nổi cho phép phương tiện chiến đấu và xe cộ vận tải đi qua. Giới phân tích cho rằng đây là một trong những hoạt động nguy hiểm nhất mà lực lượng cơ động phải thực hiện. Cần phải nhắc lại rằng, Nga đã gần như mất một tiểu đoàn chiến thuật trong cuộc vượt sông Siverskyi Donets hồi đầu năm nay.
Quá trình vượt sông, trước hết bắt đầu bằng việc đảm bảo an ninh. Đơn vị thực hiện nhiệm vụ này sẽ phải kiểm soát cả một vùng nước lớn từ bờ bên này sang bờ bên kia. Nhưng ngay cả khi họ đã kiểm soát được khu vực, địa điểm bắc cầu có thể nhanh chóng trở thành mục tiêu tấn công của pháo binh và máy bay không người lái (UAV) do đối phương sử dụng, vì thế cần hạn chế tối đa nguy cơ đó. Điều này được thực hiện thông qua việc xác định vị trí và phá hủy các hệ thống pháo binh của đối phương, bắn hạ UAV và giữ bí mật về hoạt động vượt sông.
Một khi mối đe dọa từ các loại vũ khí của đối phương được giảm bớt, hoạt động bắc cầu có thể được thực hiện. Quân đội Ukraine có thể dàn dựng một cuộc tấn công để nhanh chóng tiếp cận địa điểm bắc cầu trong khi vẫn duy trì sự bí mật. Các đội kỹ sư sẽ khẩn trương xây dựng cầu tạm, có thể là cầu phao, dựa trên khí tài quân sự mà họ đang có và chiều rộng của con sông. Ukraine có hệ thống cầu nổi PMP, được gấp gọn và gắn trên lưng xe tải KrAZ-255.
Khi các xe tải thả phao xuống nước chúng sẽ tự động bung ra. Các kỹ sư đặt phao vào vị trí thích hợp và gắn kết chúng lại với nhau để tạo ra một cây cầu vững chắc có thể giúp xe bọc thép đi qua. Đối với những cây cầu dài hơn, thuyền sẽ được gắn vào cầu để chống lại dòng chảy của con sông. Một đội kỹ sư được đào tạo bài bản có thể dựng cầu phao trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ
Sau khi cầu được lắp ráp, đơn vị xung kích phải nhanh chóng vượt qua cầu để đảm bảo an toàn cho đầu bên kia, phòng trường hợp đối phương đặt chướng ngại vật, trong đó có mìn và rào chắn. Tiếp đến, một lực lượng khác sẽ đi qua cầu để tiếp tục cuộc tấn công. Các hoạt động di chuyển binh sỹ và phương tiện cần phải thực hiện nhanh chóng vì một khi đối phương xác định được vị trí bắc cầu phao, họ sẽ nã pháo để phá hủy cây cầu này. Khi cầu bị phá hủy, những đơn vị ở bờ bên kia sẽ bị cô lập và cắt hỗ trợ.
3 thách thức lớn đối với Ukraine
Liên quan đến hoạt động vượt sông, thách thức đầu tiên mà quân đội Ukraine phải đối mặt là kỹ năng và mức độ phối hợp cần thiết để thực hiện nhiệm vụ khó khăn này. Quá trình vượt sông đòi hỏi các đơn vị an ninh, đơn vị bắc cầu và xung kích phải trải qua những khóa huấn luyện phức tạp để có thể phối hợp ăn ý với nhau. Mặc dù Ukraine có các đơn vị này nhưng vẫn chưa rõ họ được đào tạo ở mức độ nào. Hồi tháng 5 vừa qua, quân đội Ukraine đã thiết lập một cầu phao ngắn bắc qua sông nhưng đã bị UAV của Nga phá hủy.
Ngay cả khi đơn vị bắc cầu được đào tạo bài bản, lực lượng tấn công cũng phải có nhiều kinh nghiệm nếu không họ sẽ không thể vượt sông nhanh chóng và đôi khi trở thành mục tiêu tấn công của đối phương.
Thách thức thứ hai là quân đội Ukraine khó có thể giành được quyền kiểm soát bờ đông sông Dnieper trước khi tiến hành hoạt động bắc cầu. Mặc dù một số phương tiện như xe chiến đấu bộ binh bọc thép BMP-1 và xe thiết giáp chở quân bánh lốp BTR-80 đều có thể lội nước nhưng hoạt động của chúng khó đạt hiệu quả. Ngoài ra, những chướng ngại xuất hiện trên sông và quá trình giao tranh khốc liệt sẽ khiến các phương tiện khó vượt sông. Nếu quân đội Ukraine cố gắng đưa binh sỹ qua sông, họ có thể không đủ lực để chiếm các vị trí phòng thủ của Nga. Do đó, đơn vị bắc cầu có thể bị tấn công từ bờ đối diện trong quá trình họ dựng cầu phao.
Nhưng có lẽ thách thức lớn nhất là một lượng lớn pháo binh mà Nga đã bố trí ở bờ Đông sông Dnieper. Con sông sẽ được các trinh sát Nga cũng như máy bay không người lái giám sát liên tục vì thế họ có khả năng phát hiện hoạt động bắc cầu của quân đội Ukraine. Ngay sau khi các đơn vị bắc cầu của Ukraine xuống nước, họ có thể phải hứng chịu các vụ tấn công bằng đạn pháo. Trong trường hợp các lực lượng Ukraine dựng thành công cây cầu, Nga có thể triển khai UAV Shahed-136 mang tới 30kg thuốc nổ để phá hủy nó.
Ukraine có một số công nghệ và vũ khí có thể giúp họ thực hiện hoạt động bắc cầu phao. Tên lửa HIMARS mà quân đội nước này đang sử dụng có tầm bắn đáng kể và có thể nhắm chính xác các mục tiêu của đối phương. Hơn nữa, Ukraine cũng có một số thiết bị tác chiến điện tử có khả năng làm gián đoạn hoạt động phòng thủ của Nga.
Dù sở hữu những vũ khí như vậy, nhưng việc vượt sông Dnieper chắc chắn sẽ là thách thức lớn đối với các lực lượng Ukraine. Họ sẽ phải mất nhiều thời gian để lập kế hoạch và điều này sẽ làm chậm tiến độ của cuộc phản công. Trong các cuộc chiến tranh hiện đại, rất ít quân đội có khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vượt sông.
Giới phân tích cho rằng, Nga đã thực hiện chiến thuật khôn ngoan khi từ bỏ Kherson để tránh một cuộc chiến hao người tốn của. Câu hỏi đặt ra là liệu Ukraine có sẵn sàng mạo hiểm thực hiện cuộc vượt sông Dnieper nhằm tiếp tục cuộc phản công hay không./.