Yếu tố cơ bản có thể không như kỳ vọng
Năm 2024, nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn tiềm ẩn, lạm phát cao dai dẳng, lãi suất cao kéo dài là các vấn đề chính mà giới đầu tư toàn cầu cần lưu ý.
Nguy cơ suy thoái vẫn tiềm ẩn
Tại Mỹ, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay phần lớn được đánh dấu bằng sự thận trọng và những kỳ vọng khác nhau của các nhà quản lý đầu tư hàng đầu. Hầu hết dự báo về sự chậm lại của tăng trưởng kinh tế, do chi tiêu tiêu dùng yếu hơn và bình thường hóa chính sách.
Trong đó, Wellington Management và Russell Investments dự báo, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ sẽ giảm và sự chuyển đổi ưu tiên chi tiêu sang các nhu cầu thiết yếu, bị ảnh hưởng bởi việc thanh toán nợ sinh viên ngày và hóa đơn năng lượng ngày càng tăng. Allianz GI và Amundi dự đoán, kinh tế Mỹ sẽ xảy ra suy thoái trong quý II/2024.
Capital Group có góc nhìn khác khi mô tả kinh tế Mỹ đang trải qua một “cuộc suy thoái lan tỏa” trên nhiều lĩnh vực, giúp nước này tránh được cuộc suy thoái truyền thống vào năm 2024, bất chấp lạm phát cao và lãi suất tăng. KKR thì lạc quan rằng, chi tiêu tài chính có khả năng phục hồi tốt hơn và có hiệu ứng cấp số nhân lớn hơn những gì mọi người nghĩ.
Tại Anh, các nhà quản lý đầu tư đánh giá, vương quốc này đang đối mặt với nguy cơ suy thoái lớn nhất, khi phải vật lộn với lạm phát và hậu quả kéo dài từ Brexit. Lục địa châu Âu thì vật lộn với nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc và tình trạng suy thoái sản xuất toàn cầu.
Quan điểm “phân đôi” về lạm phát
Allianz GI dự báo, lạm phát tại nhiều nước cao một cách dai dẳng, nguyên nhân chính là do cú sốc giá năng lượng và việc nới lỏng chính sách tiền tệ trên diện rộng, bên cạnh những thay đổi cơ cấu dài hạn như mất cân bằng toàn cầu hóa, dân số già hóa và quá trình khử cacbon.
Quan điểm này phần nào phù hợp với T Rowe Price, vốn cho rằng rủi ro lạm phát có xu hướng tăng lên, đặc biệt là do giá năng lượng và áp lực từ phía cung, trong đó tiền lương ở Mỹ tiếp tục tăng. Fidelity International dự đoán, lạm phát của Mỹ quanh mức 2,5%.
Ngược lại, Invesco dự đoán, xu hướng giảm phát sẽ diễn ra trên thế giới, dù không đồng đều. SSGA ủng hộ quan điểm giảm phát, kỳ vọng việc điều tiết giá được thúc đẩy bởi quá trình bình thường hóa chuỗi cung ứng và điều tiết nhu cầu, trừ khi giá dầu ở mức cao bất thường trong một thời gian dài.
Lãi suất có thể cao trong thời gian dài hơn
Các nhà quản lý đầu tư đều cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã kết thúc việc nâng lãi suất và nhiều người trong số họ mong đợi một đợt cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024. SSGA kỳ vọng, Fed sẽ giảm lãi suất nhanh hơn những gì thị trường dự đoán. Franklin Templeton nhận định, Fed sẽ hạ lãi suất trong quý II, vì trung bình, cơ quan này thường cắt giảm lãi suất 10 tháng sau lần tăng lãi suất cuối cùng. Wellington có quan điểm chưa rõ ràng về thời điểm, nhưng dự báo, Fed sẽ bị thị trường thúc đẩy nên cắt giảm lãi suất sớm hơn mức cần thiết.
Tuy nhiên, Allianz GI, T Rowe Price, Nuveen, Fidelity International, KKR ở trong phe có quan điểm lãi suất có thể được Fed duy trì ở mức cao trong thời gian dài. Fidelity International cho rằng, với áp lực chi phí lao động cùng với áp lực giá hàng hóa tăng do quá trình chuyển đổi năng lượng gây ra, lãi suất sẽ ở mức cao.
Tại Anh, kinh tế đang gặp thách thức nên nước này dẫn đầu về việc cắt giảm lãi suất. Đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu, nhiều người kỳ vọng, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ giảm lãi suất muộn hơn Fed để giảm biến động lạm phát. Ở Nhật Bản, xứ sở hoa anh đào có thể tiến hành thắt chặt tiền tệ bởi lạm phát dần tiến đến ngưỡng mục tiêu 2% và cuộc đàm phán tiền lương mùa Xuân đạt mức tăng trên 3%. Với Trung Quốc, không có kỳ vọng nào về việc chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ thay đổi.
Một số chủ đề đầu tư
Một là, chuyển đổi năng lượng. Schroders và Wellington Management nhấn mạnh đến quá trình chuyển đổi năng lượng sang các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt ở Trung Quốc, Mỹ và EU. Quá trình chuyển đổi này dự kiến sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu đầu tư, lạm phát và tỷ giá, trong đó Mỹ có khả năng nổi lên như một nhà cung cấp dầu chính. Allianz GI và Amundi cũng đề cập đến quá trình chuyển đổi năng lượng, trong đó Amundi tập trung vào các lĩnh vực như khử cacbon trong các tòa nhà và nông nghiệp bền vững.
Hai là, trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa. Wellington cho biết, những tiến bộ trong AI có thể làm thay đổi đáng kể môi trường vĩ mô bằng cách tăng năng suất và có khả năng tăng lãi suất thực dài hạn. Amundi và BlackRock cũng nhận ra tác động của AI, trong đó BlackRock coi đó là một phần của các động lực thị trường.
Ba là, chủ đề vĩ mô. BlackRock và KKR đều đề cập đến nhu cầu danh mục đầu tư thích ứng với các lực lượng cơ cấu như gián đoạn kỹ thuật số, phân kỳ nhân khẩu học, chuyển đổi cacbon thấp, phân mảnh địa chính trị và sự phát triển của tài chính. KKR mở rộng vấn đề này với các chủ đề như kết nối nội Á, năng suất lao động, siêu chu kỳ cơ sở hạ tầng và an ninh mọi thứ.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/yeu-to-co-ban-co-the-khong-nhu-ky-vong-post344587.html