Yếu tố địa chất kích hoạt sạt lở ở Lào Cai, Yên Bái như thế nào?

Tỷ lệ diện tích có đá vôi ở Lào Cai - loại đá ít có khả năng gây trượt lở - thuộc nhóm thấp nhất miền núi phía Bắc. Địa hình của tỉnh đa phần là núi đất, ít rắn chắc và độ dốc lớn, gây nguy cơ trượt lở cao.

Tỉnh nào có địa chất giống Lào Cai, Yên Bái?

Hoàn lưu bão số 3 gây thiệt hại rất lớn cho miền Bắc trong đó Lào Cai, Cao Bằng và Yên Bái là những tỉnh thiệt hại lớn nhất về người và tài sản.

PGS.TS Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu, điểm bất thường năm nay là hiện tượng sạt lở, lũ quét không chỉ xảy ra ở vài địa phương như trước, mà lan rộng khắp 14 tỉnh từ Đông Bắc đến Tây Bắc, thậm chí xuống cả Nghệ An và Thanh Hóa.

Nguyên nhân khiến Lào Cai và Yên Bái - hai tỉnh vùng núi Tây Bắc - trở thành "điểm nóng" sạt lở, lũ quét là do hội tụ các yếu tố địa hình, địa chất, cộng với sự kích hoạt mạnh do mưa từ hoàn lưu bão Yagi, theo PGS.TS Trần Tân Văn.

Lào Cai và Yên Bái là điểm nóng sạt lở, lũ quét.

Lào Cai và Yên Bái là điểm nóng sạt lở, lũ quét.

Về địa hình, địa chất tự nhiên, khu vực Tây Bắc vốn nằm trên các đứt gãy lớn như đứt gãy sông Hồng, sông Chảy... Trong đó, đứt gãy sông Hồng là một trong những hệ thống lớn nhất, rộng 5-10 km và kéo dài hàng nghìn km, cắt qua Lào Cai, Yên Bái. Hệ thống này đã hình thành và hoạt động tích cực từ hàng chục triệu năm trước đến nay.

"Đứt gãy chằng chịt như các đường chỉ trên bàn tay, khiến nơi đây trở nên mong manh hơn trước các tai biến thiên nhiên như trượt lở, lũ quét, lũ bùn đá, thậm chí cả động đất và dịch chuyển nền đất", ông Văn giải thích.

Hoạt động của các đứt gãy khiến nền đất bị nứt nẻ, vò nhàu, tạo điều kiện cho nước thấm sâu, đất đá bị phong hóa mạnh trở nên mềm, bở rất nhanh. Bên cạnh đó, tỷ lệ diện tích có đá vôi ở Lào Cai - loại đá ít có khả năng gây trượt lở - thuộc nhóm thấp nhất miền núi phía Bắc. Địa hình của tỉnh đa phần là núi đất, ít rắn chắc và độ dốc lớn, gây nguy cơ trượt lở cao.

Ngoài Lào Cai, Yên Bái, các tỉnh lân cận như Sơn La, Lai Châu cũng chia sẻ đặc điểm địa hình, địa chất tương tự. Trong khi đó, các tỉnh phía Đông Bắc như Cao Bằng, Hà Giang có địa hình thấp hơn và phân bố nhiều đá vôi hơn.

Kết quả khảo sát của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản trong khoảng 2012-2020 cho thấy, vùng Tây Bắc (Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái) với đặc điểm địa hình núi cao, chia cắt sâu, chiếm 61% tổng số điểm sạt lở toàn miền Bắc. Trong khi, khu vực phía Đông (Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang) chiếm 39%.

Theo dữ liệu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, trong 10 ngày trước bão Yagi, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng đều ghi nhận lượng mưa trên 100 mm. Đỉnh điểm tổng lượng mưa ở Yên Bái lên đến 270 mm mỗi ngày trong một tuần trước bão.

Hai ngày sau bão, lượng mưa trung bình ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc khoảng 130 mm. Trong đó, Yên Bái, Lào Cai là điểm "rốn", ghi nhận lượng mưa tăng gần gấp đôi, gấp ba (trên 300 mm) trong 24 giờ, tương đương với cấp cảnh báo độ rủi ro thiên tai lũ quét cấp 2 và 3. Khu vực này tiếp tục duy trì lượng mưa trên 470 mm bốn ngày sau đó.

Giải pháp rẻ tiền cảnh báo sạt lở

GS TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, công tác chuẩn bị đầu mùa mưa vừa qua chưa đủ do bão Yagi đến mạnh và nhanh. Ông đưa ra ví dụ, các dòng suối trên núi phải được kiểm tra, khơi thông ngay khi có tắc nghẽn. Tuy nhiên, vụ việc tại Làng Nủ cho thấy công tác này chưa được triển khai đầy đủ, dẫn đến tích lũy một "túi nước" trên đỉnh núi Voi, gặp mưa trở thành lũ bùn đá cuốn trôi ngôi làng dưới thung lũng.

Giai đoạn 2012-2020, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản từng thực hiện đề án Chính phủ về điều tra hiện trạng và phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở tại 37 tỉnh miền núi phía Bắc, tỷ lệ 1/50.000. Nhưng đề án mới thành lập Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tại 25 tỉnh, và Bản đồ phân vùng nguy cơ ở 15 tỉnh. Theo đó, 64 trong 220 xã trọng điểm có nguy cơ cao về sạt lở đất thuộc Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng... đã được điều tra chi tiết.

Tuy nhiên, đề án dừng ở bản đồ nguy cơ tỷ lệ 1/50.000, trong khi để xác định vị trí cụ thể cần có bản đồ tỷ lệ chi tiết 1/10.000 (hoặc lớn hơn), gần như chính xác trong 10 m, đồng thời phải được cập nhật thường xuyên.

PGS.TS Trần Tân Văn cho biết Việt Nam đang áp dụng mô hình dự báo, cảnh báo nguy cơ gồm ba bước: khảo sát, lập bản đồ hiện trạng; xây dựng bản đồ cảnh báo và tích hợp các yếu tố địa chất, địa hình, thảm thực vật; dự báo nguy cơ.

Bản đồ này càng chi tiết, khả năng cảnh báo càng cao. Tuy nhiên hiện nay, trong cảnh báo sạt lở, Việt Nam vẫn dùng bản đồ tỷ lệ 1/50.000 đã được lập từ hàng chục năm trước, trong khi thông thường những bản đồ này cần phải được cập nhật lại sau 3-5 năm. Khi hoàn thành, bản đồ phải được chuyển giao cho địa phương để tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Các địa phương phải nỗ lực, chủ động sử dụng những bản đồ về hiện trạng và phân vùng cảnh báo sạt lở, đồng thời tích hợp bản đồ này vào trong những quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để điều chỉnh quy hoạch sao cho an toàn, hợp lý. Vị trí nào có nguy cơ sạt lở núi cao thì chính quyền không nên quy hoạch phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất, nhà cửa hay khu tái định cư. Những vị trí đó chỉ nên trồng rừng phòng hộ.

Theo TS Trần Tân Văn, trong khi còn chờ các giải pháp toàn diện tổng thể thì mỗi nhà, mỗi xã, mỗi bản nên tự đo lượng mưa để đánh giá nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ bùn đá. Ví dụ ở sân UBND xã nên lắp một cái thùng đo lượng mưa, nếu lượng mưa đạt trên mức cảnh báo là nguy cơ cao sạt lở, có phương án di dời người dân ở nơi có nguy cơ cao vì lượng mưa quyết định trên 60% nguy cơ sạt lở đất. Còn lại là các yếu tố độ dày lớp đất, phong hóa, chất đất, cao độ, lớp che phủ, túi nước...

"Đây là giải pháp rẻ tiền nhất, dễ quan sát và không đòi hỏi phải bảo trì, bảo dưỡng hàng năm. Ở các hộ gia đình có thể lắp chai nước với mức cảnh báo nguy hiểm, khi mưa to vượt vạch này thì chủ động di dời đến nơi an toàn", PGS.TS Trần Tân Văn nhận định.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/yeu-to-dia-chat-kich-hoat-sat-lo-o-lao-cai-yen-bai-nhu-the-nao-169240923073437848.htm