Yếu tố gây tăng huyết áp buổi sáng
Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch nguy hiểm được xem như 'kẻ giết người thầm lặng' vì toàn bộ sự tiến triển của bệnh thường diễn ra trong âm thầm.
Hiện nay Việt Nam có khoảng 12 triệu người mắc phải, nghĩa là trung bình cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh. Năm 2016, tỷ lệ này ở mức báo động đỏ với hơn 40% người lớn bị tăng huyết áp. Có rất nhiều yếu tố gây bệnh, nhất là yếu tố thứ 2 nhiều người đang gặp phải.
Lịch làm việc thất thường
Lịch làm việc cũng có thể ảnh hưởng đến mức huyết áp đầu ngày. Ngoài tăng nguy cơ phát triển bệnh tiền tiểu đường, giảm độ nhạy insulin và khả năng dung nạp glucose, người làm việc theo ca thất thường còn bị tăng huyết áp vào ban ngày.
Sử dụng thuốc lá và caffeine
Thuốc lá, caffeine là hai tác nhân phổ biến khiến huyết áp cao. Hút thuốc là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh cao huyết áp, vì nicotin gây co mạch máu. Lúc này, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu.
Uống một tách cà phê buổi sáng có thể khiến tăng huyết áp tạm thời. Người bệnh huyết áp cao hay không quen uống caffeine dễ gặp tình trạng này hơn. Nhóm người này nên giảm lượng caffeine tiêu thụ.
Ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) là nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát. Đây là tình trạng bệnh lý có đặc điểm là ngáy nhiều và ngừng thở trong lúc ngủ. Các đợt OSA tạo ra sự gia tăng huyết áp tâm thu và tâm trương khiến huyết áp trung bình tăng cao vào ban đêm. Ở nhiều người, huyết áp vẫn tăng ban ngày sau thức dậy, khi nhịp thở bình thường.
Thuốc
Một số loại thuốc có tác dụng phụ gây tăng huyết áp tạm thời, điển hình là thuốc điều trị hen suyễn, bệnh tự miễn, các vấn đề về da và dị ứng nghiêm trọng. Thuốc thông mũi cũng có thể có tác dụng không mong muốn là tăng huyết áp tạm thời. Nếu dùng những thuốc này buổi sáng, huyết áp tăng đầu ngày, giảm dần vào buổi tối.
Huyết áp cao không kiểm soát được, không dùng thuốc đúng giờ
Huyết áp cao có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim, bệnh thận và các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng khác. Nếu dùng thuốc huyết áp ban đêm, thuốc hết tác dụng vào buổi sáng, dẫn đến tăng chỉ số. Khi tình trạng huyết áp không được kiểm soát kịp thời, chỉ số buổi sáng cũng có thể cao bất thường.