Yếu tố gia tăng bất ổn trên thị trường dầu mỏ trong tương lai
Nhu cầu sẽ là yếu tố chính dẫn đến các cú sốc giá dầu mỏ trong tương lai, chứ không phải nguồn cung.
Trong nhiều thập kỷ, nguồn cung dầu mỏ luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu.
Bài học đầu tiên về vấn đề này xảy ra cách đây nửa thế kỷ, một số thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thuộc khối Arab áp đặt lệnh cấm vận xuất khẩu dầu sang Mỹ và các nước ủng hộ Israel khác trong cuộc chiến Arab-Israel.
Đến nay, nhiều người có thể nghĩ rằng mối liên hệ giữa năng lượng và địa chính trị đã bị xóa nhòa. Ngay cả khi chiến tranh quay trở lại Trung Đông và cuộc chiến Nga-Ukraine vốn khiến Moscow trở thành kẻ bị phương Tây ruồng bỏ, thì thị trường dầu mỏ vẫn duy trì sự ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế, một giai đoạn mới đang bắt đầu, là giai đoạn mà nhu cầu đối với dầu mỏ, chứ không phải nguồn cung, sẽ là yếu tố ảnh hưởng chính đến thị trường năng lượng. Sự thay đổi này sẽ mang lại những hậu quả địa chính trị sâu sắc.
Chính phủ của các nước trên toàn thế giới đang sửa đổi chính sách nhằm giảm nhu cầu dầu mỏ và thúc đẩy các nguồn năng lượng thay thế, đồng thời đấu tranh với biến đổi khí hậu. Các công nghệ liên quan đến xe điện ngày càng trở nên tiết kiệm và hiện đại hơn. Theo nhận định của tờ The Economist, trong tuần tiếp theo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ đạt đỉnh và sau đó giảm xuống - những yếu tố sẽ góp phần giúp ấn định giá cả và sản xuất dầu mỏ trong những thập kỷ tới.
Sự thay đổi này sẽ mang lại cho một số nhà sản xuất tầm ảnh hưởng lớn hơn trên thị trường. Các trữ lượng dầu mỏ lớn nhất, ít carbon và rẻ nhất cho đến nay đều nằm ở Ả rập Saudi và các nước láng giềng trong khối OPEC ở Vịnh Ba Tư. Theo công ty dầu mỏ BP nhận định, khi thị trường dần thu hẹp, sản lượng của các công ty sẽ tăng vọt.
Tùy thuộc vào tốc độ chuyển đổi năng lượng, nhóm này có thể nắm giữ thị phần từ một nửa đến thậm chí hai phần ba sản lượng toàn cầu vào năm 2050 so với mức 40% hiện nay.
Hiện tại, các quốc gia như Kuwait, Ả rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất là nơi đặt trụ sở của một số quỹ đầu tư nhà nước lớn nhất thế giới, vốn đang tích cực triển khai các dự án đầu tư nhằm thúc đẩy tầm ảnh hưởng ở khu vực lân cận và xa hơn.
Trong khi đó, các cường quốc dầu mỏ khác sẽ bị bỏ lại phía sau. Ngày nay, các công ty dầu khí quốc gia ở những quốc gia châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á đang khai thác dầu với chi phí sản xuất cao hơn, gây nhiều carbon hơn so với dầu từ Vịnh Ba Tư.
Ước tính, khoảng 1,2 nghìn tỷ USD trong số 1,8 nghìn tỷ USD vốn đầu tư được lên kế hoạch cho thập kỷ tới bởi các công ty dầu khí quốc gia có thể khó tạo ra lợi nhuận, nếu các nước thực hiện tốt các cam kết chính thức để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. NNPC của Nigeria, Pemex của Mexico và Pertamina của Indonesia nằm trong số những công ty có nguy cơ cao nhất đối mặt với rủi ro mắc kẹt vốn.
Do nền kinh tế nhiều nước sản xuất dầu mỏ thường phụ thuộc quá nhiều vào doanh thu từ xuất khẩu hàng hóa, việc các công ty dầu khí quốc gia hoạt động không hiệu quả có thể dẫn đến khủng hoảng nợ, phá sản và một thập kỷ mất mát về phát triển. Đây sẽ là hình ảnh phản chiếu của các cuộc khủng hoảng nợ đã nhấn chìm Mỹ Latinh vào những năm 1980, sau khi giá dầu tăng cao làm nới rộng thâm hụt thương mại của các nước nhập khẩu và tê liệt khả năng trả nợ của họ.
Làm thế nào để quản lý sự gián đoạn này? Thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng là cần thiết để giải quyết biến đổi khí hậu, nhưng quá trình chuyển đổi càng nhanh thì sẽ chỉ gây nên tác động tiêu cực lên những nhà sản xuất với giá thành cao.
Trong thời gian chờ đợi, các cơ chế đối phó như dự trữ dầu mỏ chiến lược của chính phủ có thể giúp giảm bớt biến động cho người tiêu dùng dầu mỏ. Chúng nên được mở rộng để bao gồm các nước đang phát triển lớn ở châu Á và châu Phi, những nước được dự báo sẽ sớm vượt qua Trung Quốc để trở thành lực đẩy lớn nhất đối với tăng trưởng nhu cầu về dầu mỏ.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế, một cơ quan chính thức được thành lập sau cú sốc dầu mỏ đầu tiên, đã tham gia phối hợp quản lý các kho dầu dự trữ chiến lược được những nền kinh tế tiên tiến nắm giữ. Những cuộc đàm phán mới của họ với Ấn Độ cũng nên được mở rộng để bao gồm các nền kinh tế mới nổi khác.
Đối với các nhà sản xuất không may mắn, ưu tiên hàng đầu phải là đa dạng hóa hoạt động trong khi giá dầu ở mức tương đối cao và nhu cầu vẫn mạnh. Một số ít, từ Ecopetrol của Colombia đến Petronas của Malaysia, đã chi một phần đáng kể ngân sách vốn của họ vào các công nghệ ít carbon bao gồm năng lượng tái tạo, hydro và thu hồi carbon, có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực từ nguy cơ sụp đổ của dầu mỏ.
Tuy nhiên, trung bình, các công ty dầu khí quốc gia chỉ phân bổ khoảng 5% chi tiêu vốn của họ cho đa dạng hóa; các công ty dầu mỏ lớn của phương Tây, ngược lại, chi 15%. Chính phủ cũng phải tìm cách đảm bảo các nền kinh tế có thể đa dạng hóa ngành nghề ngoài dầu mỏ, bằng cách thiết lập chế tài với doanh nghiệp và tăng chi tiêu cho các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và giáo dục, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh.
Mặc dù vậy, một số quốc gia cuối cùng vẫn có thể yêu cầu cứu trợ, gây thêm sức ép về nguồn lực cho các tổ chức đa phương. Các cú sốc dầu mỏ xuất phát từ nguồn cung trong nửa thế kỷ qua là nguồn gốc thường xuyên của tình trạng bất ổn địa chính trị. Trừ khi quá trình chuyển đổi sắp tới được tiếp cận với tầm nhìn xa hơn, nếu không nửa thế kỷ tới được dự báo sẽ còn phức tạp.