Yếu tố mang tính chất quyết định chuyển đổi số tại Việt Nam

Chuyển đổi số là một xu thế tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Trong chuyển đổi số cần những “con người số”. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số để làm chủ công nghệ, làm việc trong môi trường số được xem là yếu tố quan trọng, cốt lõi, quyết định sự thành công của chuyển đổi số tại Việt Nam.

Chuyển đổi số ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh

Ở Việt Nam chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có. Năm 2023, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022 và là quốc gia liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay.

Báo cáo của Google năm 2023 đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28%, năm 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Những thành quả đó xuất phát từ việc Đảng, Nhà nước ta xác định mục tiêu chuyển đổi số từ rất sớm. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư. Trên quy mô quốc gia, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể, nhanh chóng triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia.

Nhân lực công nghệ số là yếu tố quyết định chuyển đổi số ở Việt Nam

Nhân lực công nghệ số là yếu tố quyết định chuyển đổi số ở Việt Nam

Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: “thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế” và một trong ba đột phá chiến lược được xác định là: “chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đặt mục tiêu Việt Nam sẽ thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI) vào năm 2025 và đến năm 2030, thuộc thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Bên cạnh đó, chỉ tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI); Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI); Việt Nam thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII)…

Nhân lực số là chìa khóa quyết định chuyển đổi số thành công

Để đạt những chỉ tiêu toàn diện trên các lĩnh vực đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là đào tạo nhân lực số để làm việc, thích ứng trong môi trường số. Đây được xem là giai đoạn khẩn trương để đào tạo và phát triển nguồn lực số liên tục, đáp ứng với toàn bộ các doanh nghiệp và các cơ quan bộ, ban, ngành, giúp chuẩn bị cho sự phát triển vượt bậc trong tương lai của Việt Nam.

Đào tạo nhân lực số bài bản để xây dựng “con người số”

Đào tạo nhân lực số bài bản để xây dựng “con người số”

Theo các chuyên gia có 2 yếu tố quan trọng để xây dựng “con người số” là: “Nhận thức số” và “Năng lực số”. Trong đó, nhận thức số đóng vai trò rất quan trọng, vì chuyển đổi số có tính chất phá hủy, thay đổi hoàn toàn phương thức làm việc cũ. Nếu nhận thức không đúng vai trò thì không có quyết tâm để thực hiện thay đổi.

Điều này đòi hỏi việc đào tạo nhân lực số bài bản, chuyên nghiệp từ thay đổi nhận thức đến trang bị, nâng cao trình độ kiến thức về số và tác phong làm việc để hình thành nên những con người số làm chủ công nghệ mới, công nghệ đặc trưng của chuyển đổi số, như: trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, tự động hóa, chuỗi khối (blockchain)…

Nhấn mạnh về vai trò đặc biệt quan trọng của nhân lực trong chuyển đổi số, GS. TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội khẳng định, yếu tố quyết định sự phát triển không chỉ là tài nguyên, công nghệ mà yếu tố cốt lõi chính là con người. Nhân lực chất lượng cao là chìa khóa để đất nước ta nắm bắt cơ hội và vượt qua các thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế.

Đào tạo nhân lực số để phục vụ phát triển các ngành công nghệ then chốt trong chuyển đổi số

Đào tạo nhân lực số để phục vụ phát triển các ngành công nghệ then chốt trong chuyển đổi số

Theo GS.TS Chử Đức Trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao có vai trò chiến lược quan trọng đối với quốc gia trong việc phát triển các ngành công nghệ cao, đặc biệt là các ngành công nghệ then chốt như: công nghệ thông tin và truyền thông, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, hóa học, vật liệu tiên tiến và năng lượng xanh…

Giải quyết bài toán nhân sự chuyển đổi số

Để giải quyết bài toán nhân sự cho quá trình chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg, ngày 28/1/2022 phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Trong Đề án này, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đào tạo 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn để làm lực lượng nòng cốt chuyển đổi số trên toàn quốc. Cùng đó, 100% các trường "đại học số" phải hoàn thiện được mô hình tổ chức số, quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở và được đầu tư trang bị đồng bộ hạ tầng, nền tảng công nghệ, trang thiết bị học và thực hành, sẵn sàng tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số. Đồng thời, đào tạo được hơn 5.000 kỹ sư, cử nhân, thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo chuyển đổi số.

Việt Nam có trên 1,5 triệu lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp; số cơ sở đào tạo toàn quốc là 168 trường đại học và 520 trường nghề có đào tạo về CNTT, điện tử viễn thông. Ngành ICT cũng là ngành kỹ thuật có số chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất, thu hút được nhiều sinh viên tuyển sinh nhất, với tổng chỉ tiêu tuyển sinh xấp xỉ 100.000 chỉ tiêu. Tổng nhân lực CNTT hiện nay ước đạt 561.000, chiếm 1,1% trên tổng số lao động.

Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, mỗi năm có khoảng 65.000 sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành liên quan trực tiếp tới chuyển đổi số. Tuy nhiên, con số này vẫn đang ở mức thấp, dẫn tới hệ quả trực tiếp là Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ thuật cao để thực hiện chuyển đổi số. Trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng số lao động quốc gia của Việt Nam ước đạt 1,1% trong tổng số 51 triệu lao động. Đây là chỉ số tương đối thấp so với một số quốc gia có định hướng công nghệ, như: Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%) hay Ấn Độ (1,78%).

Chia sẻ về nhu cầu nhân sự công nghệ số của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chúng ta đang cần rất nhiều kỹ sư công nghệ số mức ứng dụng để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số, nhất là AI đã qua giai đoạn nghiên cứu, khám phá, bước vào giai đoạn ứng dụng, thực hành. Giai đoạn khám phá cần tinh hoa. Giai đoạn ứng dụng cần nhiều kỹ sư ứng dụng. Giai đoạn ứng dụng cũng chính là giai đoạn mang lại nhiều giá trị nhất cho một quốc gia, nhất là một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Vì vậy, đại học số và đào tạo lại là lời giải cho nhu cầu rất lớn về nhân lực số hiện nay ở Việt Nam.

CTV Hòa Linh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/cong-nghe/chuyen-doi-so/yeu-to-mang-tinh-chat-quyet-dinh-chuyen-doi-so-tai-viet-nam-post1127264.vov