Yếu tố nào đẩy giá vàng trong năm 2024?

Vào đầu tuần này, giá vàng thế giới đã chạm mốc cao kỷ lục mới sau một năm bùng nổ. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), căng thẳng địa chính trị và nhu cầu mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục thúc đẩy giá vàng trong năm tới.

Trong báo cáo triển vọng vàng năm 2024 công bố mới đây, WGC lưu ý rằng nhiều nhà kinh tế hiện đang dự đoán Mỹ sẽ đạt được một “cuộc hạ cánh mềm”. Điều này có nghĩa là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đạt được mục tiêu đưa lạm phát về mức 2% mà không gây ra suy thoái kinh tế. Trong lịch sử, môi trường “hạ cánh mềm” sẽ không có lợi cho kim loại quý.

 Giá vàng dự báo sẽ được thúc đẩy bởi căng thẳng địa chính trị và nhu cầu từ các ngân hàng trung ương. Ảnh: Reuters

Giá vàng dự báo sẽ được thúc đẩy bởi căng thẳng địa chính trị và nhu cầu từ các ngân hàng trung ương. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, các chuyên gia của WGC cho rằng, chu kỳ lãi suất lần này không giống với các lần trước đó. Lần này, căng thẳng địa chính trị có thể gia tăng trong năm bầu cử quan trọng ở nhiều nền kinh tế lớn kết hợp với lực mua mạnh từ các ngân hàng trung ương tiếp tục cung cấp thêm hỗ trợ cho vàng trong năm tới. Bên cạnh đó, vẫn chưa có gì là chắc chắn về việc nền kinh tế Mỹ có đạt được “hạ cánh mềm” hay không, trong khi khả năng suy thoái vẫn hiện hữu. Điều này sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ các biện pháp phòng ngừa rủi ro hiệu quả, chẳng hạn như vàng, trong danh mục đầu tư của họ.

Trong năm 2023, nhu cầu vàng được thúc đẩy mạnh mẽ bởi 2 sự kiện quan trọng là sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon và cuộc xung đột Israel-Hamas. WGC ước tính, vàng đã tăng từ 3% đến 6% trong năm do lo ngại liên quan đến các sự kiện địa chính trị này. Các chuyên gia của WGC dự báo, nhu cầu phòng ngừa rủi ro sẽ cao hơn bình thường trong năm 2024 khi một loạt các cuộc bầu cử lớn sẽ diễn ra trên toàn cầu trong năm tới, trong đó có cuộc bầu cử tại Mỹ và Ấn Độ.

Theo chiến lược gia thị trường John Reade của WGC, nhu cầu từ các ngân hàng trung ương là một yếu tố hỗ trợ khác cho vàng trong tương lai. Các ngân hàng trung ương là nguồn cầu chính trên thị trường vàng toàn cầu trong vài năm qua và năm 2023 có thể sẽ là một năm kỷ lục nữa. WGC hy vọng, các ngân hàng trung ương vẫn sẽ duy trì lực cầu đối với vàng trong năm 2024.

Trong báo cáo của mình, WGC ước tính rằng nhu cầu của ngân hàng trung ương đã đóng góp trên 10% vào biến động giá trong năm 2023 và lưu ý rằng ngay cả khi vàng không đạt được mức cao tương tự như thời gian qua, thì việc bổ sung vàng của các ngân hàng trung ương vẫn sẽ là yếu tố thúc đẩy giá trong năm tới.

Theo Reade, việc mua ròng của ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục trong thời gian tới và năm 2024 có thể sẽ là một năm kỷ lục nữa của kim loại quý này.

Bên cạnh đó, việc lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế toàn cầu đang giảm khiến các nhà đầu tư ngày càng kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024. Lãi suất thấp hơn có thể sẽ đẩy lợi suất trái phiếu thấp hơn. Thực tế cho thấy, lợi suất trái phiếu giảm trong những tuần gần đây thực sự đã giúp thúc đẩy sự phục hồi của kim loại màu vàng.

TRẦN HOÀI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/yeu-to-nao-day-gia-vang-trong-nam-2024-754707