Yếu tố nào giúp ACV lãi kỷ lục?

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV) vừa có báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 với mức lợi nhuận kỷ lục trong bối cảnh khách quốc tế phục hồi mạnh.

*Lợi nhuận kỷ lục, nợ xấu tăng cao

Cụ thể, ACV báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024; trong đó, doanh thu thuần đạt 5.535 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Giá vốn tăng chậm hơn doanh giúp lãi gộp đạt 3.450 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Điều này giúp biên lợi nhuận gộp tăng đến 62%.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV) là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực khai thác cảng hàng không. Ảnh: Đình Trân/TTXVN

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV) là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực khai thác cảng hàng không. Ảnh: Đình Trân/TTXVN

Nhìn sâu vào báo cáo có thể nhận thấy, tăng trưởng doanh thu của ACV chủ yếu đến từ 2 mảng chính là dịch vụ hàng không tăng 12%, đạt 4.544 tỷ đồng và mảng phi hàng không tăng 16% đạt gần 710 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính của ACV giảm hơn 9% còn 837 tỷ đồng do giảm lãi tiền gửi. Chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng không đáng kể so với cùng kỳ. Chi phí quản lý doanh nghiệp lại được tiết giảm đến 60% chỉ còn 240 tỷ đồng do giảm trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi từ các hãng hàng không.

Sau khi trừ các khoản chi phí, ACV báo lợi nhuận sau thuế 3.168 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận theo quý cao kỷ lục của công ty.

Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của ACV đạt gần 11,200 tỷ đồng và lãi sau thuế 6.150 tỷ đồng, tăng lần lượt 16% và 45% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, ACV hoàn thành 56% chỉ tiêu doanh thu và 81% mục tiêu lợi nhuận năm sau 6 tháng.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, lợi nhuận tăng cao là nhờ sự hồi phục rất mạnh của khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm, cho dù tổng sản lượng khách giảm nhẹ so với cùng kỳ. Cụ thể, số lượng khách quốc tế đạt gần 20,3 triệu, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, sản lượng cất hạ cánh quốc tế cũng tăng mạnh 27%, đạt 126.703 lượt chuyến.

Lãnh đạo ACV từng thông tin tại buổi họp ĐHĐCĐ năm 2024 rằng, doanh nghiệp đã chuyển hướng mảng phi hàng không (dịch vụ cung ứng tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay nhưng không thuộc dịch vụ hàng không) theo mô hình hợp tác kinh doanh chia sẻ doanh thu với các đối tác cung cấp dịch vụ tại sân bay. ACV tự tin mảng này sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.

Trong 6 tháng, hoạt động vận chuyển hàng hóa cũng góp phần không nhỏ vào thành công của doanh nghiệp. Sản lượng hàng hóa và bưu kiện đạt gần 730.000 tấn, tăng 26% so với cùng kỳ; trong đó, hàng hóa quốc tế đạt 498.000 tấn, tăng 21%; còn hàng hóa nội địa đạt 231.000 tấn, tăng 36%.

Tuy nhiên, báo cáo kết quả kinh doanh của ACV cho thấy rằng, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những thách thức. Cụ thể, đến ngày 30/6/2024, tổng giá trị các khoản nợ xấu của ACV tăng 45% (tương đương 2.564 tỷ đồng) so với đầu năm lên 8.256 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã trích lập dự phòng gần 3.900 tỷ đồng.

*“Bệ đỡ” tăng trưởng dài hạn

ACV dự kiến có khoảng 30,7 triệu hành khách quốc tế vào 2024, tăng 23% so với năm 2023, bao gồm các nhà ga quốc tế Đà Nẵng và Cam Ranh).

Ban lãnh đạo ghi nhận khách du lịch Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ vào quý II/2024, đạt 93% so với mức trước COVID-19. Đối với hành khách nội địa, ACV dự báo có 72 triệu, giảm 10% so với cùng kỳ do các hãng hàng không nội địa thực hiện bảo dưỡng máy bay.

Cụ thể, 15 máy bay A321 (dòng máy bay quan trọng đối với các hãng hàng không nội địa) đã được bảo dưỡng vào tháng 1/2024, với con số này dự kiến tăng lên khoảng 25 máy bay trong giai đoạn cao điểm từ tháng 7 đến tháng 8/2024.

Các dự án mở rộng đang tiến triển tích cực, hỗ trợ tăng trưởng dài hạn. Theo đó, ACV đặt mục tiêu đưa nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vào hoạt động trước 30/4/2025 và dự kiến khai thác dự án thành phần số 3 của sân bay Long Thành vào tháng 9/2026.

Theo báo cáo khả thi, ACV dự định chuyển 90% lưu lượng hành khách quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất sang Long Thành. Do đó, nếu không có sự gián đoạn đáng kể, dự án mới này có thể đạt điểm hòa vốn và sinh lời trong vòng 1-2 năm.

Thi công đường cất hạ cánh sân bay Long Thành. Ảnh: Công Phong - TTXVN

Thi công đường cất hạ cánh sân bay Long Thành. Ảnh: Công Phong - TTXVN

Năm 2024, Tân Sơn Nhất dự kiến sẽ đón khoảng 16-17 triệu hành khách quốc tế, trong khi đến 2026, Long Thành dự kiến sẽ đón 15-16 triệu hành khách quốc tế.

Bên cạnh các khoản vay ODA, giữa năm 2024, ACV đã ký hợp đồng vay tổng cộng 1,8 tỷ USD cho dự án Sân bay Long Thành. Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect) dự kiến đồng VND sẽ mạnh lên so với JPY và USD mất giá vào cuối năm sẽ giúp ACV tạo ra lợi nhuận từ chênh lệch tỷ giá lần lượt là 1.000 tỷ đồng và 146 tỷ đồng trong 2024 và 2025.

Bên cạnh đó, ACV đang tăng cường nỗ lực thu hồi các khoản nợ chưa thanh toán. Công ty đã ký kết các thỏa thuận với các hãng hàng không đảm bảo tuân thủ lịch trả nợ. Ngoài ra, ACV cũng đang hợp tác cùng các hãng hàng không triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro từ các khoản nợ xấu trong tương lai.

Được thành lập vào năm 2012, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV) là công ty cổ phần Việt Nam với 95,4% cổ phần nhà nước. Công ty quản lý và vận hành 21 sân bay dân dụng tại Việt Nam; trong đó có 8 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa.

Với mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng hàng không Việt Nam, ACV đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hành khách và hàng hóa trong nước và quốc tế, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế.

Ngày 6/10/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1710/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa ACV. Cùng năm, công ty tổ chức lần đầu chào bán lần đầu ra công chúng 77,8 triệu cổ phiếu (chiếm 3,47% vốn điều lệ) tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE). Năm 2016, doanh nghiệp chính thức giao dịch trên sàn UPCOM với mã chứng khoán ACV.

Lĩnh vực kinh doanh chính của ACV là dịch vụ hàng không bao gồm dịch vụ cất cánh và hạ cánh, dịch vụ mặt đất, dịch vụ vận tải hành khách và dịch vụ an ninh hàng không; các dịch vụ phi hàng không bao gồm cho thuê mặt bằng, cho thuê quảng cáo, bãi đậu xe, tiện ích và khu vực VIP; dịch vụ thương mại; trong đó, dịch vụ hành khách chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu. Lợi nhuận ròng từ dịch vụ cất cánh và hạ cánh thuộc về nhà nước.

Dù là doanh nghiệp lớn, tiềm năng nhưng cổ phiếu ACV hiện tại vẫn giao dịch trên thị trường UPCOM. Nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng, cổ phiếu ACV chốt phiên 30/7 ở mức 118.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 85% so với chốt phiên giao dịch đầu năm (2/1).

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/yeu-to-nao-giup-acv-lai-ky-luc/342180.html