Yếu tố nào khiến nhiều ngân hàng khó hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm nay?
Khả năng nhiều ngân hàng sẽ không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay do đa số các ngân hàng đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp. Do đó, lợi thế tăng trưởng cuối năm sẽ thuộc về những ngân hàng được cấp thêm room tín dụng trong đợt tới.
Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm vừa được FiinGroup công bố, các chuyên gia cho biết, mặc dù tín dụng tăng mạnh trong nửa đầu năm (tăng 10,1% so đầu năm). Tuy nhiên, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2022 của ngành mới ở mức bình quân 51,5%.
Lợi nhuận sau thuế quý II của 27 ngân hàng niêm yết giảm 7,3% so với quý trước, nguyên nhân chính do thu nhập ngoài lãi giảm 9,8%.
Tuy nhiên, nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường này thì lãi ròng của các ngân hàng niêm yết vẫn tăng 3,3% so với quý trước nhờ tăng trưởng tín dụng và NIM mở rộng.
Một nguyên nhân khác khiến lợi nhuận sau thuế các nhà băng giảm là do chi phí dự phòng tín dụng tăng. Cụ thể, mặc dù thu nhập từ lãi vẫn tăng 7,7% so với quý I nhưng chi phí dự phòng tín dụng lại tăng tới 14,6%.
Các hoạt động còn lại đến từ ngoại hối và vàng tăng 8,02% so quý trước, chứng khoán tăng 12,4% so quý trước; các hoạt động khác giảm 35,1%.
Tính đến hết quý II, tín dụng của 27 ngân hàng niêm yết tăng 10,1% so đầu năm, cao hơn mức 7,3% của cùng kỳ năm 2021 và 4,2% của năm 2020 nhờ tín dụng phục hồi sau dịch Covid-19 và nền thấp của năm 2021.
Theo FiinGroup, Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn đang điều hành dựa trên hạn mức tín dụng đã cấp từ đầu năm (14%) và trên thực tế, đa phần các ngân hàng đã sử dụng hết room được cấp.
Điều này cho thấy bức tranh tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm có thể rất khác biệt với nửa đầu năm. Lợi thế tăng trưởng cuối năm sẽ thuộc về những ngân hàng được cấp thêm room tín dụng trong đợt tới.
Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước không giao hết chỉ tiêu 14% tăng trưởng tín dụng mà chỉ giao khoảng 11,5% room, phần còn lại (khoảng 3,5%) sẽ ưu tiên tăng trưởng tín dụng cho những ngân hàng hội tụ được 3 tiêu chí: có hệ số an toàn vốn cao; có tỷ lệ cho vay vào lĩnh vực bất động sản thấp, có tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thấp; và hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
"Có 26/27 ngân hàng niêm yết đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trên 33% trong năm 2022 nhưng khả năng hoàn thành kế hoạch cả năm tương đối thấp nếu không có thêm hạn mức tín dụng", báo cáo nhận định.
Cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã có những chia sẻ thông tin mới nhất về lộ trình bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm.
Thống đốc cho biết, chậm nhất là đầu tuần này sẽ thông báo về điều chỉnh phần còn lại của room tín dụng trong con số 14% mà Ngân hàng Nhà nước đã định hướng từ đầu năm để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%.