Yếu tố Nga, Trung Quốc trong họp Ngoại trưởng G7

Ngày 18/4, sau ba ngày nhóm họp tại Karuizawa, Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ra Tuyên bố chung với một số nội dung đáng chú ý.

Ngoại trưởng các nước G7 họp từ ngày 16-18/4 tại Karuizawa, Nhật Bản. (Nguồn: Getty Images)

Ngoại trưởng các nước G7 họp từ ngày 16-18/4 tại Karuizawa, Nhật Bản. (Nguồn: Getty Images)

Cấu trúc mới

Điểm dễ thấy nhất giữa tài liệu này và phiên bản năm 2022 tại Munster (Đức) là sự khác biệt về độ dài và cấu trúc. Phiên bản tiếng Anh của Tuyên bố chung vừa qua có độ dài 9.200 chữ, ngắn hơn với văn bản năm ngoái (13.400 chữ). Đồng thời, văn bản tại Munster đề cập chi tiết đến nhiều vấn đề cụ thể, với 46 đề mục. Con số này trong Tuyên bố chung ở Karuizawa chỉ là 24, với nội dung được gộp lại, diễn giải ngắn gọn hơn.

Đáng chú ý, một số nội dung được đề cập trong văn bản năm 2022 không còn xuất hiện hoặc chỉ được đề cập ngắn gọn hơn như Iraq, Syria, Haiti hay đại dịch Covid-19. Trong đó, nội dung về Biển Đông và Biển Hoa Đông được gộp vào trong phần về Trung Quốc. Trong Tuyên bố chung năm 2022, từ khóa “Ukraine” xuất hiện 30 lần song trong văn bản tương tự vừa được công bố ở Karuizawa, con số này chỉ còn 19 lần.

Ngược lại, một số nội dung khác như vấn đề Đài Loan, Triều Tiên, Iran, phi hạt nhân hóa có xu hướng xuất hiện nhiều hơn. Các từ khóa khác như “Trung Quốc”, “Nga”, “khí hậu” hay “không gian mạng”, xét trên độ dài văn bản, xuất hiện với tần suất tương đồng trong cả hai Tuyên bố chung Ngoại trưởng G7 năm 2022 và 2023.

Độ dài, cấu trúc của hai Tuyên bố chung này phản ánh sự thay đổi của tình hình thế giới, mối quan tâm của các thành viên G7, đặc biệt là chủ nhà Nhật Bản. Câu chuyện Nga-Ukraine, Trung Quốc, biến đổi khí hậu hay không gian mạng là vấn đề xuyên suốt từ năm 2022. Trong khi đó, vấn đề Đài Loan, tình hình bán đảo Triều Tiên và câu chuyện phi hạt nhân hóa phản ánh những mối quan tâm mới của nước chủ nhà, thể hiện phần nào trong Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản vào ngày 11/4 vừa qua.

Việc Tuyên bố chung của các Ngoại trưởng G7 đề cập nhiều tới tình hình Triều Tiên phản ánh mối quan tâm của khối nói chung và chủ nhà Nhật Bản nói riêng tại Đông Bắc Á. Trong ảnh, hình ảnh Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong-18 ngày 13/4. (Nguồn: KCNA)

Việc Tuyên bố chung của các Ngoại trưởng G7 đề cập nhiều tới tình hình Triều Tiên phản ánh mối quan tâm của khối nói chung và chủ nhà Nhật Bản nói riêng tại Đông Bắc Á. Trong ảnh, hình ảnh Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong-18 ngày 13/4. (Nguồn: KCNA)

Nga vẫn nổi trội

Trong đó, xung đột Nga-Ukraine tiếp tục là tâm điểm trong Tuyên bố chung năm 2023, với hai nội dung lớn, chi tiết hơn so với bản tháng 5/2022.

Một mặt, G7 khẳng định khối này tiếp tục “tất tay” trong ngăn chặn, trừng phạt Nga. Các biện pháp sẽ bao gồm chỉ trích mạnh mẽ hành động quân sự, phát biểu đe dọa về sử dụng vũ khí hạt nhân, phá hoại hạt nhân hay nỗ lực “vũ khí hóa” lương thực và năng lượng của xứ bạch dương; tiếp tục duy trì các cấm vận chính trị-kinh tế toàn diện; thúc đẩy điều tra hành vi của Moscow mà khối cáo buộc là “tội ác chiến tranh” hay “vi phạm quyền con người”.

Mặt khác, G7 cam kết duy trì hỗ trợ cho Kiev “chừng nào nước này cần”, dưới hình thức viện trợ về an ninh, kinh tế và mang tính thể chế kéo dài. Khối cũng ủng hộ “nguyên tắc cơ bản được nêu trong Công thức hòa bình” của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và cam kết tham gia thúc đẩy quá trình tái thiết cơ sở hạ tầng quan trọng, nhất là năng lượng cùng môi trường.

Sự thay đổi này phản ánh thông tin mới đây từ phương Tây cho rằng Trung Quốc chưa hợp tác quân sự với Nga tại Ukraine. Ngoài ra, đây có thể là tín hiệu cho thấy G7 ngầm thừa nhận vai trò quan trọng của Bắc Kinh trong giải quyết xung đột, đặc biệt sau Lập trường 12 điểm và lần công du Moscow mới đây của Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều này ít nhiều thể hiện qua chuyến thăm của lãnh đạo, quan chức cấp cao các nước G7 (Italy, Đức, Pháp) cùng EU tới Trung Quốc cuối năm 2022 tới nay.

Tuyên bố chung năm 2022 nêu đích danh và kêu gọi Bắc Kinh không viện trợ quân sự cho Moscow. Tuy nhiên, phiên bản năm 2023 đã lược bỏ chi tiết này và chỉ kêu gọi các bên thứ ba “ngừng mọi sự hỗ trợ cho hành động quân sự của Nga hoặc đối mặt hệ quả nghiêm trọng”, dù vẫn đề cập tới Iran.

Nét mới về Trung Quốc

Đặc biệt, bên cạnh những nội dung lặp lại như xây dựng quan hệ ổn định, kêu gọi không đơn phương sử dụng vũ lực, vấn đề Tân Cương, Hong Kong (Trung Quốc), hay khía cạnh hợp tác toàn cầu, Tuyên bố chung năm nay cho thấy một số điều chỉnh đáng chú ý về Trung Quốc.

Thứ nhất, các nước G7 đã kêu gọi Bắc Kinh bảo đảm một “môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và có thể dự đoán được”, cũng như “hoạt động, lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp nước ngoài” trước nguy cơ bị đánh cắp, lộ lọt hay bị ép buộc đánh đổi bí mật kinh doanh để tiếp cận thị trường.

Sự xuất hiện của nội dung mới này có hai hàm ý: Một mặt, dù đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng song với các nước thành viên G7, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng và nhà sản xuất toàn cầu. Mặt khác, họ quan ngại có thể đánh mất các bí mật kinh doanh, công nghệ tại đây trước chính sách của Bắc Kinh mà các nước này cho là “cưỡng ép”, “phi thị trường”.

Thứ hai, đó là vấn đề Đài Loan. So với việc đề cập một cách sơ bộ trong Tuyên bố chung năm 2022, phiên bản năm nay cho thấy điểm mới khi Ngoại trưởng G7 đã coi hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan “là thành tố không thể tách rời với an ninh, thịnh vượng của cộng đồng quốc tế”. Song song với đó, Tuyên bố chung nhấn mạnh G7 không thay đổi “lập trường cơ bản” về vấn đề tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc. Thực tế, quan điểm trên nhiều lần được các nước G7 đề cập riêng rẽ, song đây là lần đầu được đưa vào Tuyên bố chung cấp Ngoại trưởng.

Tuyên bố chung Ngoại trưởng G7 vừa nhấn mạnh nguyên tắc Một Trung Quốc, vừa kêu gọi hai bờ eo biển thúc đẩy hòa bình, ổn định. Trong ảnh, nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn phát biểu cùng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tại họp báo chung sau cuộc gặp ngày 5/4 ở thư viện Ronald Reagan, Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Tuyên bố chung Ngoại trưởng G7 vừa nhấn mạnh nguyên tắc Một Trung Quốc, vừa kêu gọi hai bờ eo biển thúc đẩy hòa bình, ổn định. Trong ảnh, nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn phát biểu cùng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tại họp báo chung sau cuộc gặp ngày 5/4 ở thư viện Ronald Reagan, Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Thứ ba, phần về Biển Đông và Biển Hoa Đông được tích hợp vào phần Trung Quốc. Bên cạnh nhiều câu tương đồng so với phiên bản năm ngoái, nội dung của văn bản mới nhất cũng có điểm khác biệt.

Trước hết, ngoài việc tái khẳng định Bắc Kinh “không có cơ sở pháp lý với tuyên bố chủ quyền rộng khắp trên Biển Đông”, Tuyên bố chung đã “phản đối hành vi quân sự hóa” của Trung Quốc và “hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng thông qua sử dụng vũ lực hay ép buộc”. Tài liệu cũng kêu gọi nước này “tuân thủ đầy đủ” phán quyết của Tòa PCA năm 2016 và bảo đảm quyền tự do di chuyển và qua lại theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Như vậy, Tuyên bố chung của Ngoại trưởng G7 ngày 18/4 tại Karuizawa đã phản ánh mối quan tâm của các nước thành viên hiện nay. Trong đó, Nga, Trung Quốc và vấn đề liên quan là ưu tiên hàng đầu và nhiều khả năng sẽ tiếp tục xuất hiện trong Thượng đỉnh sắp tới tại Hiroshima, Nhật Bản.

Song, hiện chưa rõ những ưu tiên mới này có dẫn đến điều chỉnh chính sách của G7 hay không. Nếu có, liệu thay đổi ấy có thể mang đến kết quả khối mong muốn, dù là về xung đột tại Ukraine hay vấn đề Đài Loan? Đáp án vẫn còn bỏ ngỏ.

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/yeu-to-nga-trung-quoc-trong-hop-ngoai-truong-g7-224218.html