Yếu tố sống còn khi cấp cứu người nhồi máu cơ tim

Trong cấp cứu nhồi máu cơ tim, 'thời gian là tim'. Càng đến viện muộn, cơ tim càng chết đi dần.

Gần 22h, người đàn ông 53 tuổi (trú tại Bắc Ninh) được gia đình đưa vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, với biểu hiện đau ngực dữ dội.

Rất nhanh chóng, ê-kíp trực thực hiện một loạt xét nghiệm như điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm sinh hóa để chẩn đoán bệnh.

Xác định người đàn ông bị nhồi máu cơ tim cấp, ngay lập tức, các bác sĩ lên kế hoạch thông tim, can thiệp đặt stent để mở rộng lòng mạch vành cho bệnh nhân.

Ít phút sau, tiếp tục là một người đàn ông 67 tuổi (trú tại Bắc Ninh) cũng được đưa tới với chẩn đoán nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân vẫn ôm chặt ngực trái đang dữ dội.

Tại đây, bác sĩ thực hiện chụp mạch vành qua da và đặt stent tái thông động mạch vành.

"Yếu tố tiên quyết để điều trị nhồi máu cơ tim cấp chính là chạy đua với thời gian, nhanh chóng giải phóng mạch máu tắc nghẽn càng sớm càng tốt, tránh đột tử và suy tim. May mắn, cả hai bệnh nhân huyết động ổn định, hết đau ngực, triệu chứng cải thiện ngay trên bàn can thiệp", Ths.BS Phạm Minh Tuấn, khoa Chẩn đoán và can thiệp mạch, Viện Tim mạch, thở phào nói.

Nhiều người quá chủ quan

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, PGS.TS Phạm Trường Sơn, Viện trưởng kiêm chủ nhiệm khoa Nội Tim mạch, Viện Tim mạch, cho biết mỗi tháng, đơn vị này tiếp nhận khoảng 50-70 trường hợp nhồi máu cơm tim.

Đáng nói, số bệnh nhân trẻ (dưới 45 tuổi) có xu hướng tăng dù không đột biến. Không ít bệnh nhân phải cấp cứu vì bệnh lý này khi chỉ mới 30-35 tuổi.

"Chúng tôi phải khẩn trương trong việc chẩn đoán và đưa ra chỉ định điều trị phù hợp nhất để cứu sống bệnh nhân một cách nhanh nhất. Tỷ lệ cứu sống và hồi phục ở bệnh nhân trẻ bị nhồi máu cơ tim thường cao nếu nhập viện sớm trong 'thời gian vàng' điều trị. Bệnh nhân nên đến trước 48 giờ từ khi khởi phát cơn nhồi máu cơ tim. Trước 12 giờ đầu có tỷ lệ cứu sống và hồi phục tốt nhất", PGS Sơn nói.

Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện sớm có cao hơn trước đây. Tuy nhiên, tỷ lệ này so với thế giới vẫn còn thấp hơn rất nhiều.

 PGS.TS Phạm Trường Sơn, Viện trưởng kiêm chủ nhiệm khoa Nội Tim mạch, Viện Tim mạch, nhấn mạnh trong cấp cứu nhồi máu cơ tim, "thời gian là tim".

PGS.TS Phạm Trường Sơn, Viện trưởng kiêm chủ nhiệm khoa Nội Tim mạch, Viện Tim mạch, nhấn mạnh trong cấp cứu nhồi máu cơ tim, "thời gian là tim".

"Người bệnh vẫn còn quá chủ quan, đau ngực không đi khám ngay. Ngoài ra, việc khám sàng lọc ở tuyến trước không đủ điều kiện để chẩn đoán và do người bệnh thường trì hoãn, không thực hiện can thiệp sớm. Khi bệnh nhân đến viện muộn, cơ tim đã hoại tử, dù có được can thiệp đặt stent, phẫu thuật, hiệu quả cũng rất thấp", PGS Sơn chia sẻ thêm.

Ông cũng nhấn mạnh trong cấp cứu nhồi máu cơ tim "thời gian là tim". Càng đến viện muộn, cơ tim càng chết đi dần. Việc cứu sống người bệnh càng trở nên khó khăn, thậm chí không thể cứu chữa được.

Hai hậu quả rất nặng nề thường gặp trong nhồi máu cơ tim vì không điều trị sớm, kịp thời là biến chứng cấp tính khi nhập viện và sau khi ra viện. Biến chứng cấp tính khi nhập viện là tử vong, bệnh nhân đến cơ sở y tế khi tim đã ngừng tuần hoàn.

Biến chứng thứ 2 là người bệnh được cứu sống nhưng có di chứng loạn nhịp, nếu không điều trị cũng có thể dẫn tới tử vong. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có thể gặp biến chứng về cơ học, do nhồi máu diện rộng, sâu làm vỡ tim, thủng tim, đứt rách van tim, gây suy tim. Suy tim sẽ dẫn đến rối loạn nhịp tim, thậm chí tử vong.

Do đó, PGS Sơn khuyến cáo người dân cần đặc biết chú ý đến dấu hiệu của nhồi máu cơ tim. Các dấu hiệu này chủ yếu là đau ngực dữ dội, đột ngột, vã mồ hôi, co thắt, đau kiểu vật nặng đè ép. Khi nghỉ ngơi, cơn đau sẽ đỡ, nhưng lúc này người bệnh cần đi viện ngay.

 Người dân cần đặc biết chú ý đến dấu hiệu của nhồi máu cơ tim.

Người dân cần đặc biết chú ý đến dấu hiệu của nhồi máu cơ tim.

Hai trường hợp dễ bị bỏ sót là phụ nữ và người cao tuổi. Phụ nữ thường đau ngực không điển hình. Người già các tụ cảm của cơ thể bị giảm khiến cơn đau không nhận biết rõ ràng, bản thân họ nhiều bệnh kết hợp nên khó nhận thức được. Cơn đau có thể hết sau vài giờ nên người bệnh ít quan tâm, không đi khám.

Cách tốt nhất để cứu người nhồi máu cơ tim

Trong nhồi máu cơ tim, thời gian là yếu tố quan trọng nhất quyết định sinh mạng của người bệnh.

Khi gặp người bị nhồi máu cơ tim, bệnh nhân phải nằm bất động, mang cáng và lập tức gọi xe cứu thương để vận chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu cơ sở có can thiệp mạch vành, bệnh nhân cần được cấp cứu luôn. Nếu không, bệnh nhân cần được chuyển lên tuyến trên ngay để rút ngắn thời gian.

PGS Phạm Trường Sơn lưu ý việc di chuyển người bệnh phải có phương tiện để vận chuyển và cần bất động tuyệt đối. Người dân tuyệt đối không áp dụng các mẹo dân gian hay truyền tai nhau.

Các mẹo dân gian này vốn không có tác dụng, thậm chí làm trì hoãn thời gian cấp cứu của bệnh nhân. Cách tốt nhất để cứu bệnh nhân là đưa đến bệnh viện sớm.

Chuyên gia cũng khuyến cáo người dân cần đi khám tim mạch ngay khi có những triệu chứng dù chỉ thoáng qua. Bên cạnh đó, việc tầm soát sức khỏe thường xuyên cũng là cách để mọi người nhận biết các yếu tố nguy cơ, kiểm tra chuyên sâu về bệnh lý tim mạch đang có.

Các bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách điều trị và kiểm soát yếu tố nguy cơ hiệu quả. Việc tầm soát thường là 1 năm/lần. Tùy theo đặc điểm bệnh lý, thời gian tầm soát có thể ngắn hơn.

Phương Anh

Ảnh: Việt Linh.

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/yeu-to-song-con-khi-cap-cuu-nguoi-nhoi-mau-co-tim-post1480140.html