Yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực hòa đàm Nga-Ukraine
Thổ Nhĩ Kỳ đang nổi lên như một yếu tố then chốt trong nỗ lực đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Nga và Ukraine.
Tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết đang thúc đẩy tổ chức một cuộc hòa đàm trực tiếp giữa vòng 3 giữa Nga và Ukraine, trong đó nỗ lực dàn xếp để Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng tham dự tại Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới, theo hãng tin Reuters.
Tổng thống Erdogan khẳng định Ankara đang nỗ lực không ngừng nhằm chấm dứt chiến sự Ukraine thông qua một giải pháp hòa bình công bằng và bền vững. Ông Erdogan cho rằng hiện đã xuất hiện “một cánh cửa cơ hội” cho việc đạt được lệnh ngừng bắn và hòa bình lâu dài - điều mà cộng đồng quốc tế không nên bỏ lỡ.
Có thể thấy, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ không nhỏ trong việc mang hai bên Moscow và Kiev đến cùng một bàn đàm phán. Vai trò đó không phải chỉ mới xuất hiện gần đây mà vốn đã nổi lên từ khi chiến sự giữa hai nước láng giềng châu Âu bùng nổ hồi năm 2022.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AFP
Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ
Sau nhiều năm chiến sự bế tắc, vòng đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine hôm 16-5 tại Istanbul đánh dấu nỗ lực nối lại đối thoại - dù còn dè dặt - giữa hai bên. Khoảng hai tuần sau, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan có chuyến công du liên tiếp tới cả Moscow và Kiev vào cuối tháng 5.
Dù được công bố là nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, chuyến đi nhanh chóng được giới quan sát nhận định là bước đi chuẩn bị cho vòng đàm phán kế tiếp - vốn đã diễn ra ngày 2-6, cũng tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây cũng không phải là nỗ lực đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thúc đẩy hòa bình Nga-Ukraine. Từ đầu xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực duy trì thế cân bằng ngoại giao, bất chấp không ít chỉ trích từ phương Tây.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), những sáng kiến của Ankara đã mang lại những kết quả cụ thể. Ngay trong tháng 3-2022, Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức cuộc gặp giữa các ngoại trưởng Nga và Ukraine tại Antalya - cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai bên kể từ khi chiến sự bùng nổ. Dù không đạt được đột phá, đây vẫn là minh chứng rõ nét cho vai trò trung gian sớm của Ankara.
Nổi bật hơn cả là Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen ra đời vào tháng 7-2022, do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc làm trung gian. Thỏa thuận này thiết lập hành lang xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine trong bối cảnh thế giới đối mặt khủng hoảng lương thực nghiêm trọng. Nó không chỉ giúp hạ nhiệt căng thẳng toàn cầu mà còn góp phần hỗ trợ kinh tế Ukraine trong giai đoạn bất ổn. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng vai trò trung tâm trong các cuộc trao đổi tù binh giữa hai bên, từ đó tiếp tục củng cố hình ảnh là một bên hòa giải hiệu quả và đáng tin cậy.
Giờ đây, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có dấu hiệu cho thấy đang dần rút khỏi vai trò trung tâm, còn châu Âu ngày càng bộc lộ sự mệt mỏi chiến lược, Ankara nổi lên như một lựa chọn khả thi, thậm chí không thể thay thế.
Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ duy trì được đối thoại với cả Điện Kremlin lẫn chính quyền Ukraine mà còn sở hữu điều quan trọng hơn: uy tín và thực lực ngoại giao đủ để trở thành cầu nối giữa hai bên đối địch.
Theo giới quan sát, tuyên bố của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan rằng vai trò trung gian là “trách nhiệm với khu vực và thế giới” không chỉ là một phát biểu ngoại giao thông thường. Cách diễn đạt đầy chủ ý này phản ánh tham vọng chiến lược của Ankara: khẳng định vị thế cường quốc khu vực và nhà hòa giải toàn cầu – một bên đủ tin cậy để duy trì đối thoại với cả hai phía trong cuộc xung đột đang định hình lại trật tự quốc tế.
Cơ hội hiếm có
Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước một cơ hội hiếm có để gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế. Lợi ích của Ankara trong cuộc xung đột Nga-Ukraine mang tính đa tầng và dài hạn, theo ông Murad Sadygzade, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông (Nga).
Trước hết, hòa bình tại khu vực Biển Đen là điều thiết yếu để bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia, bao gồm thương mại hàng hải, xuất khẩu ngũ cốc, trung chuyển năng lượng và kiểm soát dòng người di cư.

Vòng hòa đàm trực tiếp Nga-Ukraine lần 2 tại TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 2-6. Ảnh: Alexander Ryumin/TASS
Thứ hai, vai trò trung gian không chỉ giúp Ankara khẳng định vị thế như một cường quốc khu vực, mà còn mở ra cơ hội định hình hình ảnh một thế lực toàn cầu - độc lập với cả phương Tây lẫn phương Đông.
Thứ ba, việc thúc đẩy hòa bình tại Ukraine tạo điều kiện để Thổ Nhĩ Kỳ duy trì thế cân bằng chiến lược giữa Nga và phương Tây, mà không phải cắt đứt quan hệ với bất kỳ bên nào.
Theo ông Sadygzade, Ankara đang hành động theo logic của chủ nghĩa xét lại, tìm cách khôi phục ảnh hưởng từng có của Ankara.
Tổng thống Erdogan theo đuổi một mục tiêu rõ ràng: đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại vị trí trung tâm của khu vực, với tầm ảnh hưởng trải rộng từ Balkan đến Caucasus, từ Địa Trung Hải đến Trung Á. Xung đột Ukraine, trong cách nhìn đó, không chỉ là một khủng hoảng cần giải quyết mà còn là cơ hội chiến lược để Ankara bước vào bàn cờ toàn cầu, không chỉ với tư cách người tham gia mà là bên kiến tạo luật chơi.
“Nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine không đơn thuần là một sự kiện ngoại giao riêng lẻ, mà là một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm định hướng lại lịch sử toàn cầu” - ông Sadygzade nhận định.
Theo ông Sadygzade, ở một mặt trận khác, Thổ Nhĩ Kỳ hiện chưa là thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) hay Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), nhưng đã nhiều lần thể hiện sự quan tâm và tham gia tích cực vào các hội nghị với tư cách đối thoại viên.
Phía Ankara hồi năm 2024 đã nộp đơn chính thức xin gia nhập BRICS, điều cho thấy xu hướng rõ ràng: Thổ Nhĩ Kỳ đang dần xích lại gần các quốc gia phương Nam như Trung Quốc, Iran và thế giới Ả Rập.
Ông Sadygzade nhận định đây không phải là một giải pháp thay thế cho phương Tây, mà như một lựa chọn chiến lược để mở rộng dư địa hành động và nâng cao vị thế quốc gia, đài RT đưa tin.
Ông Putin: Nga sẵn sàng cho vòng đàm phán mới với Ukraine
Tuần qua, tại cuộc họp của Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU) ở Belarus, ông Putin nói rằng Nga sẵn sàng tham gia vòng đàm phán thứ ba với Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng các cuộc đối thoại nên tập trung vào những thỏa thuận được đề xuất nhằm giải quyết xung đột tại Ukraine, theo đài RT.
“Đây là hai văn bản hoàn toàn đối lập. Nhưng chính vì thế mới cần đàm phán để tìm cách thu hẹp khoảng cách. Việc các văn bản đối nghịch nhau hoàn toàn không có gì bất ngờ” - ông Putin nói.
Ông Putin nói rằng cho đến nay Moscow đã bàn giao 6.000 thi thể cho Kiev và sẵn sàng trao trả gần 3.000 thi thể nữa.
“Giờ đây phía Ukraine cần tiếp nhận hài cốt các binh sĩ đã ngã xuống. Chúng tôi đã thống nhất rằng khi giai đoạn này kết thúc, sẽ tiến hành vòng đàm phán thứ ba. Về tổng thể, chúng tôi đã sẵn sàng chỉ cần thống nhất thời gian và địa điểm” - ông Putin nói thêm.
Tổng thống Nga cảm ơn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Recep Tayyip Erdogan vì đã ủng hộ tiến trình đàm phán, đồng thời bày tỏ kỳ vọng Ankara sẽ tiếp tục giữ vững lập trường.
Ông Putin cũng cho biết ông “rất tôn trọng” Tổng thống Mỹ Donald Trump và ca ngợi nỗ lực ông Trump trong việc giải quyết xung đột Ukraine.
“Tôi rất tôn trọng Tổng thống Mỹ đương nhiệm. Ông ấy đã trải qua một chặng đường rất khó khăn, phức tạp và thậm chí nguy hiểm để trở lại nắm quyền và quay về Nhà Trắng. Ông ấy là một người can đảm” - ông Putin nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/yeu-to-tho-nhi-ky-trong-no-luc-hoa-dam-nga-ukraine-post857566.html