Yeye Nhật Hạ: 'Tôi không lấy chuyện làm mẹ để ràng buộc lựa chọn nghề nghiệp'

Trò chuyện với Yeye Nhật Hạ về cuộc sống và vai diễn trong 'Gió Ngược Chiều'.

Nguồn: TikTok @Khanhnhicutehehe

Là gương mặt quen thuộc trên màn ảnh nhỏ, Yeye Nhật Hạ không còn xa lạ với khán giả yêu phim truyền hình Việt. Gần đây, khán giả được gặp lại nữ diễn viên khi Nhật Hạ hóa thân thành Lisa trong Gió Ngược Chiều, một cô gái yêu điên cuồng, đau khổ, lụy tình đến độ mù quáng.

Điều thú vị là Lisa không chỉ là một nhân vật có tính cách gai góc, phong cách nổi bật, mà còn là “cơ hội để được yếu đuối” của chính Yeye Nhật Hạ. Trong cuộc buổi trò chuyện thẳng thắn, nữ diễn viên đã chia sẻ về hành trình hóa thân vào Lisa, từ việc tìm cảm xúc khi chưa từng lụy tình, đến việc xử lý những cảnh tâm lý nặng mà vẫn phải đẹp, sang, và… ra chất “con gái ông trùm”.

Cô cũng nói rõ về cách mình lựa chọn vai diễn, về việc đâu là ranh giới giữa cá tính cá nhân và yêu cầu nhân vật, và tại sao cô không bao giờ để vai trò người mẹ để giới hạn chính mình trong nghệ thuật.

Yeye Nhật Hạ không chỉ là một nghệ sĩ làm nghề nghiêm túc, mà còn là một phụ nữ mạnh mẽ, tỉnh táo và đầy khao khát được sống trọn với mọi cung bậc cảm xúc, kể cả những cảm xúc không phải của riêng mình.

Khi có con rồi, Nhật Hạ lựa chọn nhân vật sẽ khác lúc độc thân như thế nào?

Khi có con rồi, Nhật Hạ lựa chọn nhân vật sẽ khác lúc độc thân như thế nào?

Khi nhận một vai diễn, điều tôi quan tâm trước tiên là vai đó có thực sự hay không, có chiều sâu không, có khiến tôi thấy thích và có cảm xúc hay không.

Chứ tôi chưa từng gặp trường hợp phải từ chối một vai vì lý do mình là mẹ nên không đóng được. Thật sự chưa. Những vai tôi nhận phần lớn đều có một lớp nghĩa nào đó, dù là vai phản diện, thì nó cũng phải có nỗi đau, có giá trị nhân văn, có một câu chuyện đời thực sự phía sau nhân vật.

Tôi không biết trong tương lai có gặp một vai quá lố, quá sexy mà khiến mình phải cân nhắc không, nhưng nếu có thì cũng là vì bản thân tôi không thích kiểu nhân vật đó, chứ không phải vì tôi là mẹ mà giới hạn mình.

Tôi không lấy chuyện làm mẹ để ràng buộc lựa chọn nghề nghiệp. Với tôi, sự lựa chọn vẫn xuất phát từ cảm xúc và quan điểm thẩm mỹ cá nhân.

Hạ tạo ra Lisa như thế nào? Có bao giờ Hạ đưa trải nghiệm bản thân vào nhân vật chưa?

Hạ tạo ra Lisa như thế nào? Có bao giờ Hạ đưa trải nghiệm bản thân vào nhân vật chưa?

Trong Gió Ngược Chiều, vai Lisa là lần đầu tiên tôi đóng một nhân vật lụy tình. Thật sự là một cô gái rất lụy luôn, yêu tha thiết một người, là anh nuôi của mình, và bị từ chối hết lần này đến lần khác. Có người hỏi tôi lấy cảm xúc từ đâu để diễn những cảnh như vậy, thì tôi nói thật: tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác đó.

Cuộc sống của tôi, dù hôn nhân không trọn vẹn, nhưng trong tình yêu, tôi chưa từng rơi vào trạng thái lụy. Tuổi trẻ của tôi đầy đủ, tình yêu cũng trọn vẹn. Tôi chưa từng bị thất tình, chưa từng yêu đơn phương, hay đau khổ vì ai không yêu mình lại. Nói nghe có vẻ lý tưởng, nhưng đó là thật.

Chính vì vậy, khi được hóa thân thành Lisa, tôi cảm thấy thích lắm. Vai diễn cho tôi một cơ hội được lụy, được yếu đuối, được buông thả cảm xúc, những điều mà ngoài đời, cái tôi của tôi không cho phép mình thể hiện. Ở đời thật, tôi mạnh mẽ, tôi lý trí, nhưng trong phim, tôi được quyền đau khổ, được nhậu, được khóc lóc vì tình yêu, mà vẫn là Lisa, con gái ông trùm, vẫn phải ngầu, phải sang, phải có thần thái.

Cái cảm giác được sống một đời sống khác, có phần "thú" đau thương, thực sự là một trải nghiệm rất hay. Và tôi nghĩ đó chính là cái đẹp của diễn xuất: được thử những cảm xúc mà mình không có cơ hội hoặc không dám trải qua ngoài đời.

Tôi thấy rất thú vị khi được đóng một vai diễn lụy tình, nhiều cảm xúc như vậy. Cảm giác như mình được đã đời với những tầng cảm xúc mà ngoài đời không bao giờ dám hoặc có cơ hội trải qua. Nhưng điều tuyệt vời là tất cả những điều đó đều gói gọn trong giới hạn của một vai diễn, một bộ phim. Vậy là đủ để mình thỏa mãn được cái khát cảm của một người làm nghề.

Có người hỏi tôi: Không từng trải qua lụy tình thì lấy cảm xúc ở đâu mà diễn?

Có người hỏi tôi: Không từng trải qua lụy tình thì lấy cảm xúc ở đâu mà diễn?

Tôi nghĩ, với một người đã mang trong mình bản năng làm diễn viên, thì cảm xúc luôn tồn tại sẵn bên trong. Không cần nhất thiết phải trải qua nỗi đau ấy trong đời thật mới có thể thể hiện được. Bởi vì bản chất người diễn viên là người giàu cảm xúc, dễ đồng cảm, dễ tưởng tượng. Khi đọc kịch bản, tôi đã đủ feel, đủ cảm nhận để hóa thân và đi vào tâm lý nhân vật.

Tất nhiên, có những phân đoạn yêu cầu cảm xúc thật mạnh, thì tôi vẫn sẽ mượn lại một chút ký ức buồn từ quá khứ. Ví dụ như khi phải diễn những cảnh nhớ nhung, yêu thương quay quắt, tôi thường tự gọi lại trong đầu một đoạn ký ức nào đó thời trẻ, một tình yêu sâu đậm, một hình ảnh cũ…

Những nỗi buồn tương đồng như vậy sẽ giúp cảm xúc dâng lên một cách tự nhiên hơn. Tôi gọi đó là nỗi buồn tương đương, nó không cần phải giống hệt, nhưng đủ để khiến mình rơi vào trạng thái cảm xúc thật, không giả tạo.

Với tôi, kỹ thuật diễn là một chuyện, nhưng nếu không có cảm xúc thật thì khán giả sẽ không cảm được. Đúng là tôi có thể canh góc đẹp, diễn khóc đúng nhịp, chỉnh ánh mắt chính xác… nhưng nếu bên trong trống rỗng thì người xem sẽ không rung động. Còn nếu có cảm xúc thật sự, phân cảnh đó sẽ trở nên xuất thần, không cần gồng, không cần diễn, nó sẽ chạm được tới trái tim khán giả.

Hạ có từ chối đề xuất phục trang cho nhân vật bao giờ chưa? Những hình tượng nhân vật quá sexy chẳng hạn?

Hạ có từ chối đề xuất phục trang cho nhân vật bao giờ chưa? Những hình tượng nhân vật quá sexy chẳng hạn?

Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là mỗi diễn viên nên có một gu thẩm mỹ riêng, một quan điểm rõ ràng về hình ảnh nhân vật mình thể hiện. Như tôi đã nói, đặc biệt là trong phim truyền hình, nơi vai diễn kéo dài suốt nhiều tháng trời, thì khả năng tự định hình phong cách cho nhân vật là kỹ năng không thể thiếu.

Chưa nói đến diễn xuất, chỉ riêng về phong thái và thời trang thôi, cũng đã cần phải trau dồi rất nhiều. Diễn viên phải biết dung hòa giữa yêu cầu của đạo diễn và cái tôi nghệ thuật cá nhân. Tìm được điểm cân bằng đó mới giữ được bản sắc riêng mà vẫn đáp ứng được yêu cầu của đoàn phim.

Từ khi bắt đầu làm nghề đến giờ, tôi chưa bao giờ gặp trường hợp quá mâu thuẫn với đạo diễn hay sản xuất về hình tượng nhân vật. Lúc nào cũng có thể cùng nhau đưa ra một định hướng chung, rõ ràng cho vai diễn, nên mọi việc diễn ra rất thuận lợi.

Như trong phim Tham Vọng Giàu Sang, vì là phim xưa nên các chi tiết như trang sức, hoa tai, trâm cài, thường mang hơi hướng truyền thống. Nhưng tôi thì luôn muốn có sự phá cách. Tôi muốn nó vẫn giữ tinh thần ‘xưa’, nhưng phải mới hơn, độc lạ hơn.

Tôi tin là bây giờ phim truyền hình không chỉ dành cho các cô bác nội trợ hay thế hệ ba mẹ nữa, mà còn hướng tới cả những người trẻ, như thế hệ 8x, thậm chí là Gen Z. Vậy thì phim truyền hình Việt cần có một làn gió mới: vẫn truyền thống nhưng phải được thể hiện hiện đại hơn, bắt mắt hơn, để người trẻ cũng thấy hứng thú.

Chẳng hạn, thay vì chỉ đeo chuỗi ngọc trai hay hộp bẹt quen thuộc, tôi sẽ đi tìm những món phụ kiện khác lạ hơn. Tôi thích tạo hình phải đẹp, phải độc đáo, để mỗi nhân vật đều có cá tính riêng biệt, dù là trong một phim mang bối cảnh cũ.

Lisa và Nhật Hạ giống và khác nhau ở những điểm nào?

Lisa là một trong những vai diễn mà tôi thấy giống với tính cách thật của mình nhất, ngoại trừ chuyện lụy tình. Có thể nói tôi may mắn vì chưa từng trải qua cảm giác đó. Nhưng về tính cách thì rất nhiều điểm tương đồng: hơi ngông, đôi khi cư xử cũng hơi giống con trai. Nhưng vẫn đáng yêu, vui tính và giàu cảm xúc.

Lisa dám yêu, dám hận, sống quyết liệt với cảm xúc của mình, và đặc biệt, không trốn chạy cảm xúc. Khi buồn thì thừa nhận mình buồn, cho mình được buồn hết mức rồi mới vượt qua. Tôi cũng như vậy.

Khác biệt duy nhất giữa tôi và Lisa là cô ấy có phần chấp niệm trong tình yêu, còn tôi thì không. Cái tôi trong tôi khá cao, nên nhiều lúc cũng muốn yếu đuối, muốn lụy thử cho biết, mà chính cái tôi lại không cho phép mình làm điều đó.

Nhờ vậy, khi hóa thân vào Lisa, tôi được sống những cảm xúc mà ngoài đời không có cơ hội trải nghiệm. Tôi thấy rất đã, rất sướng khi được lụy, được đau khổ vì tình, mà vẫn đẹp, vẫn sang, vẫn là con gái ông trùm.

Trong những cảnh nhỏ như ngồi uống bia với Quốc Huy, người vào vai Thiện, tôi cũng chăm chút từng chi tiết. Chẳng hạn, khi Thiện cầm ly thì Lisa không làm giống, mà cầm hẳn lon bia để uống, tạo sự đối lập và tôn lên cá tính của nhân vật. Đó là những chi tiết nhỏ nhưng tạo ra sự khác biệt và chân thật trong cách xây dựng nhân vật.

Tôi cũng áp dụng rất nhiều trải nghiệm ngoài đời vào vai diễn này. Tôi từng là cô gái hay đi chơi với đám bạn con trai, ăn nhậu, nói chuyện thẳng thắn nên những cảnh Lisa ngông nghênh, mạnh mẽ đều rất gần với tôi. Đặc biệt, tôi là con gái cưng của ba, kiểu em thích gì cũng được, ba lo hết, nên tâm lý đó tôi hiểu rất rõ.

Tôi hay đùa rằng mình giống Lisa ở chỗ: "Ai chống lưng cho em mà em ngông vậy? Ba em đó!"

Minh Phong

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/dien-anh/yeye-nhat-ha-toi-khong-lay-chuyen-lam-me-de-rang-buoc-nghe-nghiep-202507081133132119.html