Youtube xóa hơn 70.000 video liên quan đến xung đột ở Ukraine
YouTube gỡ hơn 70.000 video liên quan đến chiến dịch quân sự Nga tiến hành tại Ukraine từ cuối tháng 2.
Nhiều video vi phạm chính sách về các sự kiện lớn mang tính chất bạo lực, ngăn cấm các nhà sáng tạo nội dung phủ nhận hay xem nhẹ tính chất nghiêm trọng của cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Động thái nhấn mạnh vai trò quan trọng của các dịch vụ như YouTube trong việc ngăn chặn thông tin sai lệch lan truyền trên mạng.
Giám đốc sản phẩm YouTube trao đổi với The Guardian: “Chúng tôi có quy định riêng liên quan đến những sự kiện mang khía cạnh bạo lực, và quy định đó áp dụng cho cả hành vi phủ nhận những sự kiện bạo lực, từ cuộc đại diệt chủng người Do Thái, cho đến vụ thảm sát ở Sandy Hook. Những gì đang xảy ra tại Ukraine cũng có tính chất tương tự”.
YouTube ghi nhận sự gia tăng đáng kể số lượng người ở Ukraine, Ba Lan và Nga tiêu thụ nội dung về cuộc xung đột. Ở Ukraine nội dung tin tức về cuộc chiến đã thu hút hơn 40 triệu lượt xem.
“Trách nhiệm đầu tiên và có lẽ là quan trọng nhất là đảm bảo rằng những người đang tìm kiếm thông tin về sự kiện này có thể nhận được thông tin chính xác, chất lượng cao, đáng tin cậy trên YouTube”, Neil Mohan - Giám đốc sản phẩm YouTube trả lời The Guardian.
Mohan nói: “YouTube vẫn là trang web chia sẻ video lớn nhất được điều hành và vận hành tại Nga....YouTube là nơi mà công dân Nga có thể nhận được thông tin chưa được kiểm duyệt về cuộc chiến, bao gồm từ nhiều kênh chính thức giống nhau mà tất cả chúng ta có thể truy cập bên ngoài đất nước. Chúng tôi vẫn là một nền tảng quan trọng cho chính công dân Nga khi cuộc khủng hoảng này tiếp tục phát triển”.
Tuần trước, Bộ trưởng Phát triển Kỹ thuật số của Nga, Maksut Shadaev, cho biết nước này sẽ không chặn YouTube, bất chấp các tranh chấp về nội dung dẫn đến việc nền tảng này bị phạt trước tòa vì không gỡ bỏ các video bị cấm.
Chỉ riêng tại Nga, YouTube có hơn 90 triệu người dùng, trở thành nền tảng chia sẻ video lớn nhất tại quốc gia này.
Trước đó, Nga đã đưa quyết định cấm các trang mạng xã hội Facebook và Instagram. YouTube cũng đã có động thái chặn các kênh truyền thông của Nga như Russia Today và Sputnik trên toàn thế giới.