Zona thần kinh: Những biến chứng nguy hiểm không thể chủ quan

Các bác sỹ khuyến cáo khi có các dấu hiệu sớm của bệnh zona thần kinh như đau rát, nổi mẩn đỏ hoặc mụn nước ở vùng da, người bệnh cần đi khám sớm để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Virus thủy đậu còn được gọi là Varicella Zoster virus là tác nhân gây ra bệnh zona thần kinh.

Virus thủy đậu còn được gọi là Varicella Zoster virus là tác nhân gây ra bệnh zona thần kinh.

Bệnh zona thần kinh là bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi, đặc biệt những người có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch, với nguy cơ biến chứng nặng nếu không được điều trị kịp thời.

Điển hình là trường hợp cụ bà H.T.P (73 tuổi, Hà Nội) xuất hiện các nốt phỏng nước ở vùng mạn sườn trái và bụng, kèm cảm giác đau rát, châm chích kéo dài. Ban đầu, gia đình nghĩ bà bị “giời leo” nên áp dụng mẹo dân gian như đắp đậu xanh, nhưng tình trạng ngày càng tệ. Các nốt phỏng lan rộng, gây đau nhức nghiêm trọng, khiến bà mệt mỏi, mất ngủ và đau đầu nhiều ngày. Khi nhập viện, bà được xác định mắc zona thần kinh với tổn thương da nặng.

Hay như cụ ông T.V.S (70 tuổi, ngụ tại tỉnh Long An) nhập viện trong tình trạng vùng da phía sau đầu và vùng lưng xuất hiện nhiều mụn mủ.

Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết trước ông bị đau giật giật phía sau đầu, kèm xuất hiện nhiều mụn nước. Nghe lời mách bảo, ông đi “vẽ khoán” tại một thầy khoán trong xóm. Liên tục trong 3 ngày, thầy khoán đã lấy nhang đốt, vẽ bằng mực mực tàu, xung quanh khu vực mụn nước và bôi dầu mù u. Tuy nhiên, tình trạng đau của ông không thuyên giảm mà các mụn nước còn kết mủ, đau nhức hơn, gây sốt, khó chịu.

Các bác sỹ khuyến cáo khi có các dấu hiệu sớm của bệnh zona thần kinh như đau rát, nổi mẩn đỏ hoặc mụn nước ở vùng da, người bệnh cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Zona thần kinh là gì?

Zona là bệnh nhiễm trùng da do virus Varicella zoster (VZV) gây ra, virus này hay tấn công vào da và thần kinh. Bệnh còn có tên gọi zona hoặc shingles. VZV cũng là virus gây bệnh thủy đậu. Sau khi một người bị bệnh thủy đậu và khỏi bệnh, một số virus Varicella vẫn có thể tồn tại trong cơ thể ở trạng thái tiềm tàng mà không gây bệnh.

Trạng thái tiềm tàng này có thể kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm và virus VZV cư trú ở các hạch thần kinh. Khi có điều kiện thuận lợi như suy giảm miễn dịch, stress tinh thần, hoặc suy nhược cơ thể, làm việc quá sức dẫn đến cơ thể giảm sức đề kháng…. thì virus này có thể tái hoạt động.

Virus VZV sinh sản và lan truyền theo các đường dây thần kinh cảm giác, gây tổn thương da và dây thần kinh, từ đó gây nên triệu chứng và dấu hiệu của bệnh zona.

2. Triệu chứng

 Một bệnh nhân mắc zona thần kinh bị nhiễm trùng nặng do sử dụng phương pháp "vẽ khoán." (Ảnh: TTXVN phát)

Một bệnh nhân mắc zona thần kinh bị nhiễm trùng nặng do sử dụng phương pháp "vẽ khoán." (Ảnh: TTXVN phát)

Khi bị mắc zona hoặc biến chứng zona thần kinh, các triệu chứng thường biểu hiện gây cảm giác đau đớn, khó chịu:

Đau, rát hoặc ngứa ran tại các vùng da nhiễm bệnh hoặc vùng sẹo zona.

Nhạy cảm khi chạm vào.

Phát ban đỏ bắt đầu vài ngày sau cơn đau.

Mụn nước chứa đầy chất lỏng vỡ ra và đóng vảy.

Cảm giác ngứa, khó chịu.

Sốt cao.

Đau đầu.

Nhạy cảm với ánh sáng.

Mệt mỏi.

Hầu hết người bệnh mắc zona đều có cảm giác đau đầu tiên. Với một số người, cơn đau có thể dữ dội. Tùy thuộc vào vị trí của cơn đau, đôi khi có thể nhầm lẫn với các vấn đề về cơ, tim, phổi hoặc thận. Cũng có một số trường hợp người bệnh bị đau do zona nhưng lại không kèm sốt hoặc phát ban.

Bệnh zona thần kinh có nguy hiểm không?

Bệnh zona thường không nguy hiểm với những người khỏe mạnh dù có thể gây ra cảm giác đau đớn, bỏng rát khiến người bệnh vô cùng khó chịu. Nhưng với người mắc zona ở nửa bên mặt, phải đến bác sỹ chuyên khoa Da liễu để khám ngay. Khám sớm giúp hạn chế tổn thương mắt, tránh nguy cơ giảm thị lực hoặc dẫn đến mù lòa, tránh sẹo zona vùng mặt.

Bệnh zona có thể dẫn đến viêm phổi, các vấn đề về thính giác, mù lòa, viêm não hoặc viêm màng não và tử vong nhưng rất hiếm. Cứ 5 người mắc zona sẽ có 1 người xuất hiện cơn đau dữ dội. Cơn đau có thể tiếp tục ngay cả sau khi hết phát ban. Cơn đau này được gọi là đau dây thần kinh sau herpes (PHN). Khi tuổi càng cao, nguy cơ bị đau dây thần kinh hậu herpes nhiều hơn và bệnh dễ nghiêm trọng hơn.

Các biến chứng zona thần kinh thường gặp

1. Đau dây thần kinh sau zona

Các triệu chứng bệnh zona của bạn thường biến mất khi hết phát ban. Nhưng với chứng đau dây thần kinh sau zona (PHN), bạn có thể cảm thấy đau, rát trong nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi phát ban đã lành. Có thể gặp đau giật từng cơn làm người bệnh khó chịu và ảnh hưởng đến các hoạt động thường nhật.

Biến chứng này thường phổ biến ở người lớn tuổi (từ 50 tuổi trở đi). Các cảm giác này có thể biến mất sau một thời gian hoặc kéo dài trong nhiều năm hoặc có thể vĩnh viễn. Bác sỹ chỉ định các loại thuốc hoặc liệu pháp khác nhau để giúp điều trị chứng đau dây thần kinh này.

2. Ngứa, châm chít (rối loạn cảm giác da) sau zona

Các cảm giác khác liên quan đến biến chứng hậu zona bao gồm mất cảm giác, ngứa ran và lạnh. Các trường hợp nghiêm trọng của ngứa sau zona có thể dẫn đến trầm cảm, sụt cân và mất ngủ.

Ngứa sau zona phát triển ở vùng da đã lành bệnh zona. ngứa nhiều và gãi vùng da bị sẹo zona có thể dẫn đến trầy da, gây bội nhiễm vi khuẩn và làm bệnh nặng hơn.

3. Giảm thị lực hoặc tổn thương mắt

Herpes zoster ophthalmicus (HZO) hoặc bệnh zona xảy ra gần hoặc trong mắt, chiếm tới 20% trong tất cả các trường hợp bệnh zona. Nếu không được điều trị, có tới 70% bệnh nhân mắc HZO phát triển các biến chứng nghiêm trọng có thể bao gồm nhạy cảm với ánh sáng, sưng mí mắt, tăng nhãn áp, viêm và sẹo giác mạc, suy giảm thị lực, mù lòa.

4. Hội chứng Ramsay Hunt

Nếu bị zona ở vùng quanh tai bạn cần được can thiệp điều trị càng sớm càng tốt. Trong trường hợp không được điều trị, có thể dẫn đến hội chứng Ramsay Hunt (virus zona gây hại đến các cơ quan tai mũi họng), gây ra các vấn đề về thính lực như đau tai, mất thính giác, ù tai.

5. Liệt một phần cơ mặt

Liệt một phần cơ mặt vừa là triệu chứng nhiễm virus zona hạch gối (zona mặt, còn gọi là zona dây thần kinh tam thoa, zona dây thần kinh sinh ba), đồng thời đây cũng là biến chứng zona thần kinh nguy hiểm.

Thông thường triệu chứng liệt nửa mặt hoặc liệt một phần cơ mặt sẽ đi đôi cùng với các tổn thương da. Bạn có thể dễ dàng nhận biết được biến chứng này khi gương mặt bị mất các biểu cảm, méo miệng hoặc mất khả năng nhăn trái, cử động các vùng cơ trên phần mặt bị liệt.

Triệu chứng liệt nửa mặt có thể khỏi sau một thời gian hoặc kéo dài vĩnh viễn. Chính vì vậy, khi xuất hiện tình trạng liệt nửa mặt bạn cần gặp bác sỹ để được chẩn đoán, can thiệp điều trị càng sớm càng tốt để giảm thiểu nguy hiểm cũng như các biến chứng sau này.

6. Nhiễm trùng da

Nhiễm trùng da hoặc bội nhiễm là biến chứng tổn thương da thường thấy ở nhiều bệnh nhân mắc zona. Bất kỳ tổn thương ở vị trí nào trên da khi nhiễm bệnh cũng có nguy cơ bị bội nhiễm.

Đặc biệt, trong giai đoạn mụn nước nếu như các bóng nước bị vỡ sẽ dẫn đến tình trạng các loại vi khuẩn, tụ cầu xâm nhập và dẫn đến tình trạng mưng mủ, chảy dịch, làm trầm trọng hơn các tổn thương da, khiến cho bệnh trở nặng và dễ để lại sẹo xấu.

Nguy hiểm hơn, nếu không được xử lý sớm các tổn thương da có thể lan rộng đến các vùng khác trên cơ thể, dẫn đến nhiễm trùng máu và nguy cơ tử vong rất cao.

7. Viêm phổi

Viêm phổi là biến chứng hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm. Chúng chủ yếu xuất hiện ở các bệnh nhân đã suy giảm miễn dịch trước đó, cảnh báo nguy cơ tử vong nếu không được can thiệp điều trị kịp thời.

Biến chứng này được xếp vào hàng zona lan tỏa, mức độ tổn thương nặng vì khi được chẩn đoán mắc zona lan tỏa, bệnh nhân đã có những tổn thương vượt quá sự chi phối của dây thần kinh.

8. Đột quỵ

Nếu virus varicella-zoster gây bệnh zona lây lan đến não hoặc tủy sống, có khả năng xảy ra các biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ và viêm màng não, đặc biệt ở người mắc bệnh HZO.

9. Viêm não

Viêm não cũng là một biến chứng zona nguy hiểm, chúng có thể xuất hiện sau vài ngày trong giai đoạn tổn thương da của người bệnh, đặc biệt là những người nhiễm zona tai. Vì tai có cấu tạo đặc biệt, thông với hệ thống não bộ, nhiều dây thần kinh dày đặc dưới da, cho nên khi virus xuất hiện và xâm nhập ở vị trí này sẽ làm tăng nguy cơ lây lan bệnh lên não.

Nguy hiểm hơn ở những tổn thương da ở phía trong ống tai, khu vực màng nhĩ vì đây là những vùng khó chăm sóc, vệ sinh và dễ bị bội nhiễm.

Dù nguy hiểm nhưng viêm não có thể hồi phục hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời và điều trị đúng cách. Nhưng cũng có số ít các trường hợp người bị viêm não do zona phải gánh chịu những di chứng nặng nề như liệt, tê bì chân tay, động kinh thậm chí tử vong.

10. Viêm màng não

Tương tự như viêm não, những bệnh nhân mắc zona tai cũng có nguy cơ bị viêm màng não. Khi bị viêm não, bệnh nhân cũng có cơ hội hồi phục cao khi được chăm sóc và điều trị tốt. Mặt khác, bạn cũng có thể đối mặt với nguy cơ gặp phải các tình trạng nguy hiểm như liệt, động kinh hoặc tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

Khi phát hiện bị nhiễm zona tai, bệnh nhân cần tuân thủ theo phác đồ điều trị cũng như chỉ định bác sỹ để có thể nhanh chóng khỏi bệnh và hạn chế được những biến chứng nguy hiểm.

11. Gây tổn thương vĩnh viễn cho hệ thần kinh và cột sống

Virus zona có thể gây ra một số biến chứng tổn thương vĩnh viễn đối với hệ thần kinh và cột sống. Một trong những biến chứng chính là đau thần kinh vĩnh viễn, được gọi là đau sau zona (postherpetic neuralgia).

12. Nguy hiểm tới thai nhi

Bệnh zona khi mang thai hiếm khi gây biến chứng cho em bé. Nếu bạn bị bệnh zona ngay trước khi sinh hoặc trong những ngày sau đó, hãy bảo vệ trẻ sơ sinh của bạn khỏi tiếp xúc với vết phát ban của bệnh zona. Che vết phát ban và rửa tay thường xuyên là một biện pháp hữu hiệu.

13. Tử vong

Khi mắc zona lan tỏa người bệnh có nguy cơ tử vong cao vì lúc này, các di chứng zona có thể đã xuất hiện ở phổi, màng não hoặc bị nhiễm trùng nặng dẫn đến nhiễm trùng huyết. Với những trường hợp nặng, nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong sẽ rất cao.

14. Những biến chứng hiếm gặp khác

Trong một số rất ít các biến chứng của zona liên quan đến gan và phổi, gây nguy hiểm đến hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là não. Khi gặp các biến chứng này, người bệnh cần nhanh chóng nhập viện để các bác sỹ chẩn đoán, can thiệp điều trị ngay lập tức.

Phòng ngừa các biến chứng của zona thần kinh

 Tiêm chủng vaccine phòng zona thần kinh cho người dân tại Trung tâm Tiêm chủng, Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Tiêm chủng vaccine phòng zona thần kinh cho người dân tại Trung tâm Tiêm chủng, Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

1. Tiêm vaccine phòng bệnh

Tiêm vaccine phòng bệnh zona zoster tái tổ hợp (Shingrix) là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh và các biến chứng.

2. Hạn chế tiếp xúc với các vết mẩn ngứa của người bệnh

Bệnh zona lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với chất lỏng từ mụn nước phát ban. Virus có thể lây sang những người chưa tiêm vaccine phòng bệnh zona và chưa bao giờ bị thủy đậu.

Ngay cả khi một người đã được tiêm ngừa bệnh zona, họ vẫn có nguy cơ mắc bị lây nhiễm virus zona nhưng rủi ro, biến chứng của bệnh thấp hơn.

Bên cạnh đó, những người có tiền sử bệnh zona có nguy cơ tái nhiễm cao. Bạn cần lưu ý, virus zona chỉ có thể lây khi mụn nước phát ban xuất hiện, còn trước khi chúng xuất hiện hoặc sau khi đã đóng vảy thì khả năng lây nhiễm dường như bằng không.

Để tránh bị lây nhiễm virus zona cho người khác, bệnh nhân cần thực hiện các bước che chắn vết phát ban, không chạm vào chúng khi chúng chưa đóng vảy. Đặc biệt, không tiếp xúc với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có đề kháng yếu, nhẹ cân, phụ nữ đang mang thai nhưng chưa tiêm vaccine ngừa bệnh zona, vaccine thủy đậu, người già, người có hệ miễn dịch yếu./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/zona-than-kinh-nhung-bien-chung-nguy-hiem-khong-the-chu-quan-post1037058.vnp