1/2 số môn học lớp 10 chưa có SGK, học sinh phải dùng tài liệu phô tô để học tạm
Do chưa có sách giáo khoa chương trình mới, giáo viên phải biên soạn tài liệu theo nội dung từng bài cho học sinh phô tô để học tạm.
Năm học 2022-2023 đã bắt đầu được 2 tuần nhưng học sinh lớp 10 ở một số trường trung học phổ thông vẫn chưa đủ sách giáo khoa chương trình mới. Chủ động khắc phục khó khăn, có trường, giáo viên phải biên soạn tài liệu theo nội dung từng bài cho học sinh phô tô để học tạm.
Phô tô nội dung bài để học sinh… học tạm
Ngày 29/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thực hiện một số hoạt động đầu năm học 2022-2023, trong đó có nhiệm vụ “bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học”. Tuy nhiên, dù năm học mới đã bước sang tuần thứ 2 nhưng tình trạng thiếu sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là sách lớp 10 vẫn diễn ra.
Không chỉ diễn ra ở miền Bắc, tình trạng thiếu sách giáo khoa cũng đang gây nhiều khó khăn cho các trường trung học phổ thông ở một số tỉnh phía Nam.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đỗ Thanh Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vân Canh (huyện Vân Canh, Bình Định) cho biết, đến ngày 14/9/2022, nhà trường chưa nhận đủ các đầu sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối lớp 10.
“Để hỗ trợ học sinh khối 10 được tiếp cận với sách giáo khoa đúng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tránh mua nhầm sách lậu, nhà trường tiến hành đặt mua sách cho học sinh. Tuy nhiên, đến ngày 14/9/2022, vẫn còn 1 nửa số lượng sách giáo khoa lớp 10 trường chưa nhận được theo đơn đặt hàng”, thầy Đỗ Thanh Phong chia sẻ.
Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vân Canh cho biết, với nhà trường, thiếu sách giáo khoa lớp 10 xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, do quy trình, kế hoạch tổ chức lựa chọn môn học của lớp 10 có nhiều thay đổi là một nguyên nhân tác động.
Cụ thể, ngày 3/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc và điều chỉnh số môn học lựa chọn còn 9 môn, không chia thành các nhóm môn như trước. Điều này khiến trường gấp rút sửa lại kế hoạch để cho học sinh lựa chọn môn học.
Thứ hai, trường phải chờ học sinh chọn môn xong thì mới chốt số lượng đầu sách giáo khoa cần đặt với đơn vị cung ứng.
“Quá trình học sinh chọn môn học, chốt đầu sách giáo khoa diễn ra chậm hơn so với kế hoạch nên phải gần đến đầu năm học nhà trường mới tiến hành đặt mua”, thầy Đỗ Thanh Phong thông tin.
Một nửa môn học chưa đủ sách, trường khuyến khích giáo viên xây dựng giáo án điện tử và biên soạn tài liệu theo nội dung từng bài cho học sinh phô tô để học.
“Với tinh thần dù phải học chay nhưng học sinh vẫn theo kịp chương trình, trước mắt, trường khuyến khích giáo viên biên soạn nội dung liên quan đến bài học cho học sinh phô tô để làm tài liệu học, nghiên cứu tại nhà”, thầy Đỗ Thanh Phong nêu giải pháp.
Theo ghi nhận của phóng viên, với các cơ sở giáo dục giao quyền chủ động mua sách giáo khoa cho học sinh, đến thời điểm này, về cơ bản đảm bảo đủ các đầu sách giáo khoa lớp 10, chỉ thiếu tài liệu nội dung giáo dục địa phương.
Trao đổi về thông tin này, thầy Đỗ Minh Châu, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 1 Tuy Phước (huyện Tuy Phước, Bình Định) chia sẻ: “Nhà trường giao quyền chủ động mua sách giáo khoa lớp 10 cho học sinh theo danh mục sách thông báo. Vào năm học mới, học sinh đến trường đầy đủ và chưa có trường hợp phản ánh thiếu sách giáo khoa. Song, do thiếu tài liệu nội dung giáo dục địa phương lớp 10 nên trường chưa dạy môn học này”.
Các năm học trước, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trường học đóng cửa, học sinh chủ yếu học trực tuyến tại nhà khiến cho học sinh bị hổng kiến thức ở một số môn.
“Học sinh lớp 10 mới chuyển từ lớp 9 lên, thời gian vào năm học mới chưa nhiều nên nhà trường vừa tiến hành giảng dạy, vừa nắm bắt trình độ nhận thức của học sinh.
Trên tinh thần hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà trường yêu cầu các tổ chuyên môn lồng thêm kiến thức mà học sinh còn yếu, thiếu vào ngay trong quá trình học chính khóa”, thầy Đỗ Minh Châu chia sẻ thêm.
Cũng theo thầy Đỗ Minh Châu, trường không tổ chức lớp học bổ túc mà sẽ đan xen kiến thức vào tiết học chính khóa. Vì lịch học bổ túc thường phải xếp vào buổi chiều với tính chất không bắt buộc học sinh tham gia. Do đó, nếu mở lớp bổ túc thì vẫn sẽ có học sinh dù hổng kiến thức nhưng không đi học. Khi đó, các em này sẽ tụt lại so với các bạn được bổ túc và giáo viên sẽ phải phổ biến lại kiến thức một lần nữa trong tiết học chính khóa.
Quán triệt giáo viên soạn giáo án độc lập
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định cho biết, sách giáo khoa phục vụ chương trình giáo dục phổ thông 2018 cơ bản được các trường trang bị đầy đủ.
Một số trường chưa đủ sách giáo khoa là do các nguyên nhân như: thời gian chốt đầu sách của mỗi trường, quá trình in ấn, phát hành của Nhà xuất bản chậm hơn so với tiến độ.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định chia sẻ: “Cùng với triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023, sách giáo khoa, tài liệu nội dung giáo dục địa phương lớp 10 luôn được Sở quan tâm chỉ đạo.
Với tài liệu giáo dục địa phương lớp 3 và lớp 7, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đầu tư, biên soạn từ sớm nên tỉnh đã trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt xong và đang chuẩn bị phát hành theo số lượng đăng ký.
Đối với tài liệu giáo dục địa phương lớp 10, tỉnh kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh lại nhiều lần trước khi Ủy ban nhân dân tỉnh trình Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện tại, tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chuyên viên Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo để nhận tài liệu sớm”.
Nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ của giáo viên trong biên soạn giáo án chương trình giáo dục phổ thông 2018, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định nhận định, soạn giáo án là nhiệm vụ quan trọng, nhằm phục vụ chính bản thân giáo viên chứ không phải chỉ là công đoạn đối phó. Giáo án có thể tinh gọn, súc tích, dễ hiểu nhưng phải rõ ràng các hoạt động giảng dạy thì mới tạo được hiệu quả cao, nhất là dạy chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Sở yêu cầu giáo viên không được dựa hoàn toàn các giáo án do các Nhà xuất bản cung ứng. Nếu phát hiện giáo viên có giáo án giống các Nhà xuất bản cung ứng thì chứng tỏ là giáo viên chưa độc lập biên soạn và không đáp ứng được yêu cầu. Để triển khai chặt chẽ, nghiêm túc, hai tuần đầu của năm học mới, Sở đã phân công cán bộ phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh về các trường rà soát, kiểm tra và hỗ trợ giáo viên”, thầy Đào Đức Tuấn chia sẻ.
Cũng theo thầy Đào Đức Tuấn, giáo viên phải soạn giáo án độc lập để vừa xây dựng trên năng lực giáo viên, vừa phù hợp đối tượng người học ở từng trường công lập, ngoài công lập.
“Các năm học trước, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tỉnh chỉ tổ chức cho 80% học sinh đến trường học trực tiếp. Còn với 20% học sinh học trực tuyến, trước đó, tỉnh yêu cầu rà soát và bổ sung kiến thức còn yếu ngay từ khi các em lớp 9 quay trở lại trường để ôn thi vào lớp 10.
Bước vào năm học mới, Sở quán triệt các trường tiếp tục đan xen kiến thức cũ mà học sinh bị hổng nhằm củng cố, nâng cao hiệu quả tiếp thu kiến thức chương trình mới”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định nhấn mạnh.
Có thể thấy, thiếu sách giáo khoa chương trình mới không chỉ ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy mà còn làm hạn chế việc tiếp nhận kiến thức của học trò. Trước những khó khăn này, việc sử dụng sách giáo khoa điện tử, tài liệu phô tô ở một số trường đang là giải pháp tình thế nhằm đảm bảo tiến độ chương trình.
Song, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, đốc thúc đơn vị cung ứng để học sinh sớm nhận sách giáo khoa, không để tình trạng học sinh học chay, học tạm kéo dài, ảnh hưởng chất lượng giáo dục đào tạo.