1/3 nhân viên Trung Quốc coi đi làm là tồi tệ

Khảo sát cho thấy 31% người lao động tại Trung Quốc đại lục đánh giá thời gian đi làm của mình là 'tồi tệ'.

Ngày 25/1, Công ty bảo hiểm AXA công bố kết quả cuộc khảo sát về sức khỏe tâm thần được thực hiện vào tháng 9, 10/2021 trên 11.000 nhân viên tại 8 thị trường lao động là Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Nhật Bản và 8 nước châu Âu.

Kết quả cho thấy 31% người lao động tại Trung Quốc đại lục đánh giá thời gian làm việc của mình là “tồi tệ”. Chỉ số này ở Hong Kong, Nhật Bản chỉ là 23%.

Tuy nhiên, 56% người được khảo sát ở Trung Quốc đại lục tin rằng sếp của mình hỗ trợ tốt về sức khỏe tâm thần, vượt xa số liệu tại Hong Kong (32%) và Nhật Bản (20%).

Cũng theo phát hiện của cuộc khảo sát, trên quy mô toàn cầu, đại dịch Covid-19 đã “làm tăng cường khả năng phục hồi tinh thần của con người” và nâng cao nhận thức của số đông về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần, mặc dù vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy điều này tại nơi làm việc.

Số liệu chỉ ra những người được hỗ trợ về tinh thần tại nơi làm việc có khả năng hạnh phúc cao hơn 1,7 lần so với những ai không nhận được sự trợ giúp.

Gordon Watson, Giám đốc điều hành của AXA Châu Á và Châu Phi cho biết trên SCMP: “Mặc dù đại dịch đã làm gián đoạn cuộc sống của chúng ta theo nhiều cách, nhưng nó đã mở ra cánh cửa cho sự nhận thức và hiểu biết ngày càng tăng về sức khỏe tâm thần trong toàn xã hội. Các công ty cần xây dựng một môi trường làm việc có thể hỗ trợ nhân viên và đảm bảo họ có thể làm việc một cách tốt nhất”.

 Vấn đề sức khỏe tâm thần được quan tâm hơn trên toàn cầu sau khi đại dịch bùng phát. Ảnh: AFP.

Vấn đề sức khỏe tâm thần được quan tâm hơn trên toàn cầu sau khi đại dịch bùng phát. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 10/2021 đã chỉ ra sự thiếu quan tâm về vấn đề sức khỏe tâm thần xảy ra trên toàn cầu.

Chỉ 51% trong số 194 quốc gia thành viên báo cáo rằng có chính sách hoặc kế hoạch về sức khỏe tâm thần phù hợp với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và khu vực vào năm 2020, thấp hơn với mục tiêu 80% của WHO.

WHO kể từ đó đã mở rộng Kế hoạch Hành động vì sức khỏe tâm thần đến năm 2030 với hàng loạt mục tiêu, bao gồm việc lồng ghép hạng mục này vào chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Ông Watson cho biết thêm: “Tại châu Á, vấn đề sức khỏe tâm thần vẫn ít được quan tâm. Cuộc khảo sát của chúng tôi cho thấy nhận thức mới mẻ của người lao động sinh sống tại các thị trường Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Nhật Bản”.

Theo cuộc khảo sát, ở châu Á, chỉ 20% người được hỏi cho biết mình có tâm lý “tràn đầy năng lượng” hoặc thể hiện tình trạng tốt về tâm lý và tình cảm. 35% người được hỏi cho biết vừa mới đạt được mức trên.

Ngoài ra, 42% số người được hỏi cho biết đại dịch Covid-19 đã giúp họ cải thiện khả năng đối mặt với thách thức. Chỉ số này ở các nước châu Âu là 33%.

Kết quả của cuộc khảo sát cũng cho thấy các biện pháp để tăng cường sức khỏe tâm thần ở nơi làm việc là chưa toàn diện.

“Các nhà quản lý cần thể hiện quan điểm với nhân viên rằng sức khỏe tâm thần là sự ưu tiên và có thể được đưa ra thảo luận. Đồng thời, họ cũng cần đảm bảo các chính sách của công ty có thể đưa ra sự hỗ trợ thích hợp cho nhân viên của mình”, Watson nói.

Cũng trong giai đoạn đại dịch, những cuộc thảo luận về sức khỏe tâm thần đã được mở rộng tại châu Á, nơi vốn còn nhiều định kiến và sự thờ ơ về vấn đề này.

Theo đó, châu Á giảm tới 1/3 số lượng người quay lưng với vấn đề sức khỏe tâm thần, gần đạt mức ở châu Âu.

Thục Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/13-nhan-vien-trung-quoc-coi-di-lam-la-toi-te-post1292091.html