1,35 triệu thanh niên Việt Nam không đi học cũng không đi làm
Trong quý I/2025, khoảng 1,35 triệu thanh niên Việt Nam trong độ tuổi 15-24 không có việc làm, không học tập hay tham gia đào tạo, chiếm 10,4% tổng số thanh niên cả nước.

Ảnh minh họa
Đây là thống kê của Cục Thống kê - Bộ tài chính về tình hình lao động, việc làm quý I năm 2025. Theo đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I/2025 ước tính là 52,9 triệu người, giảm 230.700 người so với quý trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2025 là 68,2%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý I/2025 là 28,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,0 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Lao động có việc làm giảm
Lao động có việc làm quý I/2025 ước tính là 51,9 triệu người, giảm 234.000 người so với quý trước. Trong đó, khu vực thành thị là 20,0 triệu người; khu vực nông thôn là 31,9 triệu người.
Xét theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm quý I/2025 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,5 triệu người, chiếm 26%; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17,3 triệu người, chiếm 33,3%; khu vực dịch vụ là 21,1 triệu người, chiếm 40,7%.
"Nhìn chung, lao động có việc làm có xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch COVID-19 nhưng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản) vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý I/2025 là 64,3%, tăng 0,7 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Xét theo khu vực, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức trong khu vực thành thị là 48,6%; khu vực nông thôn là 74,2%. Xét theo giới tính, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở nam là 67,6% và ở nữ là 60,6%", Cục Thống kê nhận định.
Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I/2025 là 797.000 người, tăng 32.400 người so với quý trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I/2025 là 1,72%.
Thu nhập bình quân của lao động tăng
Theo thống kê, thu nhập bình quân của lao động quý I/2025 là 8,3 triệu đồng/tháng, tăng 131.000 đồng so với quý IV/2024 và tăng 720.000 đồng so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 9,3 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 7,1 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 10,1 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 7,2 triệu đồng/tháng.
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý I/2025 là 9,4 triệu đồng/tháng, tăng 10,7%, tương ứng tăng 906.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập của lao động nam là 9,8 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 8,9 triệu đồng/tháng.
1,35 triệu thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2025 là 2,20%, giảm 0,02 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực thành thị là 2,38%; khu vực nông thôn là 2,07%.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) quý I/2025 là 7,93%, giảm 0,03 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,06 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 11,06%; khu vực nông thôn là 6,32%.
Đáng chú ý, trong quý I/2025, thanh niên (từ 15-24 tuổi) không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo là 1,35 triệu người, chiếm 10,4% tổng số thanh niên, tăng 84.400 người so với quý trước và giảm 66.700 người so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực thành thị là 8,2%; khu vực nông thôn là 11,7%; nữ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo là 11,5%; nam là 9,3%.
Ngoài ra, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4,0%. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý I/2025 là 3,9%. Trong đó, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của khu vực thành thị là 3,3%; khu vực nông thôn là 4,2%. Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (46,8%). Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.