1,5 triệu học sinh không có thiết bị học trực tuyến
Theo Bộ GD&ĐT, tính đến nay có 1,5 triệu học sinh ở 26 địa phương không có thiết bị học trực tuyến.
Nhiều địa phương dạy trực tuyến nhưng học sinh thiếu thiết bị. (ảnh: Như Ý).
Cụ thể, trên cả nước có hiện có 26/63 tỉnh/TP học sinh không thể tới trường do đó phải dạyhọc trực tuyến. Trong đó, có một số tỉnh chỉ học trực tuyến ở một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao cho toàn bộ học sinh học trực tuyến.
Ước tính, có khoảng 7,35 triệu học sinh các cấp đang học trực tuyến hoàn toàn. Tuy nhiên, có một thực tế là học sinh các gia đình nghèo, vùng khó khăn đang thiếu trầm trọng thiết bị để học tập. Khảo sát từ các địa phương cho thấy, có tới 1,5 triệu học sinh không có bất cứ thiết bị nào để học tập theo phương thức này.
Địa phương có tổng số học sinh đang học trực tuyến cao như: Hà Nội, TPHCM, Bình Dương…
Sau một tuần học trực tuyến, theo khảo sát nhanh của Bộ GD-ĐT, việc tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.
Nhiều tỉnh, thành phố phải tổ chức dạy học trực tuyến, song do hệ thống đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học miễn phí chất lượng không tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập.
Hơn 165.000 học sinh ở Bình Dương, Bình Phước khó học trực tuyến
Chiều 12/9, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cho biết, theo kế hoạch vào ngày 15/9, tất cả các trường học rên trên địa bàn sẽ tổ chức khai giảng bằng hình thức trực tuyến. Sau đó, học sinh sẽ học trực tuyến 2 tháng đầu năm học.
Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương cho biết, qua khảo sát, xét thấy trong số hơn 500.000 học sinh trên địa bàn thì có khoảng 70.000 học sinh khó khăn không có điều kiện tham gia học trực tuyến. Nguyên nhân chủ yếu là gia đình không có khả năng mua sắm trang thiết bị học trực tuyến cho con em.
“Sở đã gửi thư kêu gọi các cơ quan, tổ chức và mạnh thường quân chung tay quyên góp hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho học sinh. Hiện đã có sự hỗ trợ ban đầu từ các đơn vị. Sau lễ khai giảng, Sở tiếp tục kêu gọi một đợt nữa để có thêm thiết bị cho học sinh. Sở đã làm việc với các đơn vị cung cấp Internet để nâng cấp đường truyền ở các khu vực nhiều nhà trọ, đông công nhân lao động”, bà Hằng cho biết.
Học sinh ở vùng dịch phải học trực tuyến
Cùng ngày, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước cho biết, học sinh trên địa bàn đang tổ chức dạy học trực tuyến sau ngày khai giảng 5/9. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy trong số 259.000 học sinh trên địa bàn thì có khoảng 95.000 học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến.
Học sinh các huyện vùng sâu, vùng xa thiếu nhiều hơn cả, huyện Bù Gia Mập có tới trên 76%, Lộc Ninh 65% và Bù Đăng với 62% học sinh chưa có thiết bị học tập trực tuyến. Trong khi đó, đường truyền internet ở nhiều địa phương chưa được phủ khắp.
Theo ông Lý Thanh Tâm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước đơn vị đã vận động để mua sắm thiết bị cho học sinh khó khăn. Bên cạnh đó kết hợp Sở Thông tin Truyền thông làm việc với các nhà mạng để kết nối internet tốt hơn cho học sinh học tập.