1 ngân hàng Việt tăng trưởng mạnh tín dụng xanh

Dư nợ tín dụng xanh tại Ngân hàng Phương Đông đã tăng hơn 30%.

Sáng 22-4, tại đại hội cổ đông thường niên, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, năm 2024 đánh dấu bước ngoặt quan trọng của OCB với việc chính thức công bố chiến lược ngân hàng xanh và cam kết đồng hành cùng Chính phủ hướng tới mục tiêu Net Zero 2050.

Theo ông Phạm Hồng Hải, chiến lược này đã tạo dấu ấn riêng biệt cho OCB trên thị trường. OCB đã đa dạng hóa danh mục tín dụng xanh, gồm năng lượng tái tạo, nước sạch, công trình xanh, nông nghiệp thông minh, giúp tăng đáng kể số lượng khách hàng và thúc đẩy tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh.

Tính đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng xanh của OCB đã tăng hơn 30% so với năm 2023, chiếm 11% tổng dư nợ.

"Để làm được điều này, chúng tôi đã xây dựng quy trình đánh giá và quản lý rủi ro môi trường và xã hội (ESMS) trong hoạt động cấp tín dụng theo tiêu chuẩn quốc tế, triển khai sản phẩm tín dụng căn hộ xanh, Green Deposit, mà được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao, và giúp OCB tăng uy tín, thu hút hợp tác và đầu tư nước ngoài.

Chẳng hạn, OCB đã hợp tác với các tổ chức quốc tế như IFC, PwC, DEG để tăng cường và nâng cao năng lực huy động nguồn vốn xanh" - ông Hải cho biết.

 Năm 2024, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 4.006 tỉ đồng, và kế hoạch cho năm 2025 là 5.338 tỉ đồng. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Năm 2024, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 4.006 tỉ đồng, và kế hoạch cho năm 2025 là 5.338 tỉ đồng. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Theo ông Hải, ngân hàng sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Đặc biệt, OCB sẽ tập trung vào phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và các doanh nghiệp FDI, hỗ trợ mạnh cho những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.

Theo Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn, ngân hàng đã trải qua giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ. Đồng thời, những kỳ vọng vào sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam và sự phục hồi của thị trường bất động sản được cho là sẽ tạo điều kiện thuận lợi để OCB phát triển bền vững trong dài hạn.

Năm 2024, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 4.006 tỉ đồng, và kế hoạch cho năm 2025 là 5.338 tỉ đồng.

Trong báo cáo mới phát hành, Công ty chứng khoán SSI cho biết: "Chúng tôi nhận thấy ACB, TCB, MBB, và STB đã đặt kế hoạch kinh doanh năm 2025 thấp hơn 4-5% so với ước tính của chúng tôi, trong khi VPB, HDB, và OCB có kế hoạch tăng trưởng mạnh hơn.

Chúng tôi cho rằng kế hoạch hiện tại trình đại hội cổ đông của các ngân hàng chưa tính đến rủi ro mức thuế đối ứng cao từ Mỹ.

Tuy nhiên, với việc tạm hoãn áp thuế đối với hầu hết các quốc gia trong 90 ngày để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán thương mại, chúng tôi cho rằng tác động đến lợi nhuận năm 2025 sẽ được kiểm soát phần nào, đặc biệt với hoạt động tích trữ hàng hóa có thể diễn ra trong quý 2-2025.

Ngoài ra, việc tối ưu hóa chi phí cũng sẽ là một yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng lợi nhuận năm 2025".

Theo SSI, Chính phủ sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ để kích thích nền kinh tế, như đẩy nhanh đầu tư công và hỗ trợ lãi suất. Đối với ngân hàng, Chính phủ cũng có thể tạo điều kiện trong việc cơ cấu nợ và ghi nhận dự phòng để các ngân hàng có nhiều dư địa hơn trong việc hỗ trợ khách hàng.

Ngoài ra, đồng USD yếu hơn có thể làm giảm phần nào áp lực về chi phí vốn, qua đó giảm bớt áp lực tài chính cho ngân hàng.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/1-ngan-hang-viet-tang-truong-manh-tin-dung-xanh-post845901.html