10 'biên niên sử sống động' về khủng hoảng tài chính toàn cầu

'Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng nhân loại đã có đủ bài học lịch sử để ngăn chặn cuộc sụp đổ kinh tế toàn cầu tiếp theo' – Linda Yueh.

Trong cuốn sách “Đại địa chấn kinh tế” (The Great Crashes: Lessons from Global Meltdowns and How to Prevent Them), nhà kinh tế học Linda Yueh đã tái hiện gần một thế kỷ biến động tài chính toàn cầu thông qua 10 cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất.

Dưới góc nhìn sắc sảo, bà không chỉ lý giải vì sao khủng hoảng xảy ra, mà còn đưa ra những thông điệp mạnh mẽ về cách ứng phó với những cú sốc có thể tái diễn – điều đặc biệt có ý nghĩa đối với các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Những “cơn địa chấn” lặp lại trong lịch sử

Bắt đầu từ cuộc Đại khủng hoảng 1929, Linda Yueh dẫn dắt người đọc qua các điểm mốc lớn như khủng hoảng nợ công Mỹ Latinh, khủng hoảng ERM tại châu Âu, khủng hoảng tài chính châu Á 1997, bong bóng dotcom năm 2000, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, khủng hoảng đồng euro 2010 và gần đây là cú sốc kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19. Dù nguyên nhân khác nhau, các cuộc khủng hoảng này đều cho thấy tính chu kỳ, mức độ lây lan nhanh chóng và sự mong manh của hệ thống tài chính toàn cầu.

Mỗi chương sách như một biên niên sử kinh tế sống động, khắc họa không chỉ con số mà cả bối cảnh xã hội, chính trị và văn hóa – từ tiểu thuyết Chùm nho phẫn nộ của Steinbeck đến những thước phim Hollywood. Chính điều này khiến “Đại địa chấn kinh tế” trở nên gần gũi với cả độc giả không chuyên.

Lý giải khủng hoảng: Từ phấn khích đến sụp đổ

Nhìn lại gần một thế kỷ biến động, tác giả cho thấy không một nền kinh tế nào có thể mãi tránh được khủng hoảng. Trung Quốc – quốc gia tăng trưởng liên tục trong hơn bốn thập niên và chưa từng trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính lớn – cũng được bà nêu tên như một ẩn số đáng chú ý trong tương lai. Một hệ thống không từng đối diện khủng hoảng có thể thiếu sự chuẩn bị cần thiết khi biến cố thực sự xảy ra.

Từ những bài học lịch sử, Linda Yueh nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách điều hành trong giai đoạn khủng hoảng. Sự chậm trễ, mơ hồ trong phản ứng có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái kéo dài, trong khi hành động quyết đoán, minh bạch và đúng thời điểm sẽ giúp khôi phục niềm tin và ổn định thị trường. Từ gói kích thích kinh tế của Roosevelt trong thập niên 1930 đến chính sách ứng phó của nhiều chính phủ thời kỳ đại dịch Covid-19, các ví dụ đều cho thấy vai trò trọng yếu của nhà nước và ngân hàng trung ương trong kiểm soát khủng hoảng.

Với Việt Nam – một nền kinh tế mở, đang phát triển nhưng còn hạn chế về khả năng chống chịu rủi ro – những bài học từ “Đại địa chấn kinh tế” càng trở nên cấp thiết. Sự hưng phấn quá mức trên thị trường tài sản, tín dụng lỏng lẻo, nợ doanh nghiệp tăng cao, cùng sự lệ thuộc vào dòng vốn ngắn hạn là những tín hiệu đáng cảnh báo. Việc xây dựng hệ thống tài chính vững chắc, phát triển thị trường vốn lành mạnh và tăng cường truyền thông chính sách sẽ là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam hạn chế thiệt hại khi khủng hoảng xảy ra.

Điều quan trọng không phải là né tránh khủng hoảng – điều gần như không thể – mà là chủ động vượt qua nó với thiệt hại thấp nhất. Đó cũng là thông điệp xuyên suốt mà Linda Yueh muốn gửi gắm: hiểu lịch sử để không lặp lại sai lầm, và chuẩn bị vững vàng để không sụp đổ trong làn sóng kế tiếp.

Tác phẩm Đại địa chấn kinh tế là cuốn sách cần thiết với các nhà hoạch định chính sách, giới đầu tư, chuyên gia kinh tế và cả những độc giả phổ thông đang tìm kiếm một cách tiếp cận nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về thế giới tài chính. Trong một nền kinh tế toàn cầu không ngừng biến động, bài học từ quá khứ vẫn luôn là kim chỉ nam để đi vững đến tương lai.

Thạch An

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/giai-tri/10-bien-nien-su-song-dong-ve-khung-hoang-tai-chinh-toan-cau-c3a100412.html