Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Trong 6 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại tìm các giải pháp để tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác góp phần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Trong đó, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để giảm lãi suất cho vay.

NHNN yêu cầu ngân hàng thương mại tìm các giải pháp để giảm lãi suất cho vay trong 6 tháng cuối năm.
Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế và trong nước, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
NHNN cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, NHNN thường xuyên chỉ đạo tổ chức tín dụng phấn đấu hạ lãi suất cho vay.
NHNN cũng cho biết, dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Tính đến ngày 30/6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh.
Về chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, lãi suất cho vay hỗ trợ hiện đang áp dụng là 6,4%/năm đối với chủ đầu tư và 5,9%/năm đối với người mua nhà (áp dụng cho giai đoạn từ 1/7/2025 đến 31/12/2025), giảm 0,2% so với kỳ công bố 6 tháng trước (lãi suất cho vay đã liên tục giảm qua các lần công bố).
Đến cuối tháng 5, các ngân hàng thương mại đã giải ngân 4.094 tỷ đồng bao gồm: 3.464 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 27 dự án; 630 tỷ đồng cho người mua nhà tại 25 dự án.
Nguyên nhân tiền đồng mất giá
Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt - đã giảm khoảng 10% kể từ đầu năm 2024, trong khi đồng Việt Nam (VND) mất giá 2,7 - 2,8% so với USD.
Nguyên nhân chính đến từ việc Việt Nam duy trì mặt bằng lãi suất thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. “Chúng ta thực hiện chủ trương của Chính phủ về giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lãi suất nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đến nay, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,6% so với cuối năm 2024”, ông Quang cho biết.
Tuy nhiên, hệ quả là khi lãi suất VND thấp, đồng nội tệ trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh đồng USD mang lại lợi suất cao hơn. Điều này khiến nhiều tổ chức tài chính có xu hướng chuyển sang nắm giữ USD. Cùng với đó, dù cán cân thanh toán tổng thể vẫn đang trong trạng thái thặng dư tốt, dòng vốn ngoại lại biến động mạnh và rút ròng khỏi thị trường chứng khoán từ năm 2024 đến nay.
Ngoài ra, theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên sàn chứng khoán cũng gây ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối. Khối ngoại đã rút ròng khoảng 40.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay trên thị trường chứng khoán.
Theo ông Quang, việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong nỗ lực đạt mức tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2025 đang được hỗ trợ bởi mặt bằng lạm phát được kiểm soát. Dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ được giữ dưới mức 4,5% như Quốc hội đã đề ra. Riêng về tín dụng, tính đến hết tháng 6, dư nợ toàn hệ thống đã tăng 9,9% so với cuối năm 2024. Dù vậy, NHNN khẳng định không chủ quan với tốc độ tăng trưởng này.
Trong trường hợp lạm phát tiếp tục được kiểm soát, thanh khoản của các ngân hàng thương mại vẫn dồi dào và tỷ lệ nợ xấu nằm trong giới hạn an toàn, NHNN sẽ xem xét nới thêm “room” tín dụng cho các ngân hàng còn dư địa trong 6 tháng cuối năm.