10 điều cần biết về con đường di cư nguy hiểm nhất thế giới
Tuyến đường Trung Địa Trung Hải từ lâu đã được biết đến là tuyến đường di cư nguy hiểm nhất thế giới. Dưới đây là 10 điều bạn nên biết về con đường đáng sợ nhưng vẫn nhiều người dấn thân này.
Tuyến đường di cư Trung Địa Trung Hải là tuyến đường từ các nước châu Phi Algeria, Ai Cập, Libya và Tunisia đến Italy và Malta ở châu Âu. Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), gần 2.500 người đã chết hoặc mất tích khi cố gắng vượt qua đoạn đường này vào năm 2023.
Dưới đây là 10 điều cơ bản về con đường di cư nguy hiểm nhất thế giới:
Bằng chứng về sự tuyệt vọng của người di cư
Khi người ta sẵn sàng mạo hiểm vượt biển Địa Trung Hải thì đó là bằng chứng cho sự tuyệt vọng của những người di cư.
Bước vào con đường này, người di cư biết rằng có khả năng không thể sống sót và có nguy cơ bị đưa trở lại. Mặc dù vậy, với tình hình không thể giải quyết được ở quê hương, với xung đột và nạn đói ngày càng gia tăng, người di cư vẫn tiếp tục dấn thân vào con đường đầy hiểm nguy.
Không có cách để tìm kiếm sự bảo vệ an toàn
Nhiều người di cư đã thiệt mạng trước ngưỡng cửa châu Âu vì hầu như không có cách nào an để họ tìm kiếm sự bảo vệ an toàn ở tuyến đường Trung Địa Trung Hải.
Mặc dù xin tị nạn là một quyền con người, phù hợp với Công ước về vị thế của người tị nạn (1951) của Liên hợp quốc và Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu (EU), nhưng dưới áp lực nặng nề của làn sóng di cư, nhiều nước châu Âu ở tuyến đầu trong khủng hoảng di cư vẫn chưa bảo đảm đầy đủ các quyền của người tị nạn.
Ngày 10/4 vừa qua, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua 10 điều luật nhằm cải cách chính sách di cư và tị nạn của EU. Những điều luật mới này được kỳ vọng sẽ góp phần bảo vệ những quyền cơ bản của người di cư.
Chạy trốn chiến tranh, xung đột, biến đổi khí hậu và nghèo đói
Ngoài chiến tranh và xung đột, thiên tai và biến đổi khí hậu đang dần trở thành động lực thúc đẩy di cư của con người khi mà một số khu vực trở nên không thể sinh sống được và sinh kế truyền thống không còn bền vững. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều người ở Bắc Phi tìm cách di cư.
Top 10 quốc gia xuất phát của người di cư
Theo số liệu của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), năm 2023, 157.651 người đã đến Italy bằng đường biển. Trong đó, top 10 quốc tịch phổ biến của người di cư theo thứ tự từ cao xuống thấp lần lượt là: Guinea (12%), Tunisia (11%), Côte d'Ivoire (10%), Bangladesh (8%), Ai Cập (7%), Syria (6%), Burkina Faso (5%), Pakistan (5%), Mali (4%), Sudan (4%), và các quốc tịch khác (27%).
Tình hình kinh tế xấu đi ở Bắc Phi
Số người đi qua tuyến đường Trung Địa Trung Hải ngày càng gia tăng một phần do tình hình kinh tế đang xấu đi nhanh chóng ở Bắc Phi, đặc biệt là Tunisia và Ai Cập.
Các quốc gia này không chỉ tiếp nhận một số lượng đáng kể người di cư, người tị nạn và người xin tị nạn, mà tình hình kinh tế xấu đi khiến ngày càng có nhiều thanh niên không nhìn thấy triển vọng xây dựng một tương lai ổn định cho bản thân ở quê nhà.
Điểm nóng Tunisia
Số liệu gần đây cho thấy Tunisia đã vượt qua Libya để trở thành điểm khởi hành chính của làn sóng di cư sang châu Âu.
Theo Frontex - cơ quan bảo vệ biên giới của EU, trong số hơn 150.000 người vượt qua Trung Địa Trung Hải trên những con thuyền bấp bênh vào năm 2023, hơn 62% đã xuất phát từ bờ biển của Tunisia.
Tính riêng mùa Hè năm ngoái khi nhiều kỷ lục về di cư bị phá vỡ, 87% người vượt qua Trung Địa Trung Hải khởi hành từ Tunisia; số còn lại xuất phát từ Libya, nơi trước đây từng là tuyến đường chính.
Vùng biển giữa Tunisia và đảo Lampedusa của Italy hiện được gọi là “Hành lang Tunisia”.
Phân biệt đối xử và thiếu sự bảo vệ
Khung pháp lý còn nhiều kẽ hở tại Libya, Ai Cập và Tunisia góp phần khiến người tị nạn, người xin tị nạn và người di cư phải đối mặt với những thách thức trong việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu. Quyền lợi của họ không được bảo vệ và nhiều người gặp khó khăn trong việc xây dựng tương lai mới.
Ngoài ra, những người này còn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và căng thẳng cộng đồng ngày càng gia tăng. Đặc biệt, người tị nạn, người xin tị nạn và người di cư thường bị cho là đang cạnh tranh với nhóm người yếu thế trong cộng đồng để có được dịch vụ và việc làm tại các quốc gia họ đến.
Buộc người di cư vào những con đường dài và nguy hiểm hơn
Việc hạn chế các tuyến đường di cư thường xuyên và an toàn, cũng như tăng cường quản lý biên giới không thể ngăn cản tình trạng di cư, vì nhiều người sẵn sàng thiệt mạng để tìm kiếm một tương lai mới còn hơn là bị mắc kẹt tại nơi họ đang sinh sống.
Chính vì vậy, người di cư dễ dàng rơi vào tay những kẻ buôn người và những kẻ tham gia đường dây buôn người, những kẻ lợi dụng sự tuyệt vọng của người di cư trong hành trình tìm kiếm sự bảo vệ quốc tế và xây dựng cuộc sống mới cho bản thân và con cái của mình.
Những điều này khiến hành trình di cư càng trở nên nguy hiểm hơn khi người di cư lựa chọn những con đường dài hơn để đi.
"Pháo đài" châu Âu
EU và các quốc gia thành viên có xu hướng tập trung vào việc hỗ trợ các nỗ lực của lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia và Libya, nhằm ngăn chặn dòng người di cư và người tị nạn đang cố gắng tiếp cận bờ biển châu Âu, thay vì hỗ trợ các sáng kiến bảo vệ người di cư, bao gồm các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ để tránh những nguy hiểm khi vượt biển.
Tunisia vào năm 2023 đã chặn hơn 75.000 người đang di chuyển khi họ đang cố gắng cập bến châu Âu qua tuyến đường Trung Địa Trung Hải đến Italy. Con số này cao hơn gấp đôi so với năm 2022, theo Lực lượng Vệ binh quốc gia Tunisia.
Hiệp ước Tị nạn và Di cư EU, được đề xuất vào tháng 9/2020 và được EP thông qua vào tháng 12/2023, nhằm mục đích “quản lý và bình thường hóa việc di cư trong thời gian dài, mang lại sự chắc chắn, rõ ràng và tạo điều kiện tốt cho những người đến EU”.
Trung tâm giám sát di cư
Cần phải áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ hơn để tránh thêm thiệt hại về người và tạo cơ hội an toàn cho những người buộc phải di cư.
Một trong những cơ quan mà người di cư có thể tìm đến khi cần hỗ trợ là Trung tâm giám sát di cư thuộc Hội đồng Tị nạn Na Uy (NRC).
Trung tâm giám sát di cư đang làm việc với mạng lưới đối tác địa phương rộng khắp ở Bắc Phi để giúp những người di cư tiếp cận các dịch vụ và quyền cơ bản. Nhiệm vụ của trung tâm này là xây dựng một mạng lưới các cộng đồng và đối tác để bảo vệ quyền và phẩm giá của những người đang di cư và những người tiếp nhận di cư.
Trung tâm này đã xây dựng được mạng lưới khoảng 40 đối tác, bao gồm nhiều sáng kiến do người di cư và người tị nạn khởi xướng. Các dự án được đồng thiết kế và đồng thực hiện nhằm tăng cường bảo vệ pháp lý, tạo cơ hội tự lực cánh sinh và chia sẻ năng lực. Ngoài ra, trung tâm và các đối tác còn cung cấp hỗ trợ khẩn cấp cho những người dễ bị tổn thương trong quá trình di cư.