10 hành vi bị cấm theo Luật Tài nguyên nước năm 2023
Nhằm bảo đảm nguồn nước mặt, nước ngầm được sử dụng hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, Luật Tài nguyên nước được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực từ 1/7/2024 quy định rõ 10 hành vi bị nghiêm cấm. Theo đó, các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.
Gây ô nhiễm nguồn nước có thể bị phạt tù
Điều 8, Luật Tài nguyên nước 2023 quy định 10 hành vi bị nghiêm cấm gồm: 1. Đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại, xả khí thải độc hại vào nguồn nước; xả nước thải vào nguồn nước dưới đất. 2. Xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải vào nguồn nước mặt, nước biển. 3. Xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. 4. Thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất trái phép. 5. Lấn, lấp sông, suối, kênh, mương, rạch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ chứa, kênh, mương, rạch nhưng không có biện pháp khắc phục.
6. Khai thác trái phép cát, sỏi, bùn, đất và các loại khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, trong hành lang bảo vệ nguồn nước; khoan, đào, xây dựng nhà cửa, công trình, vật kiến trúc và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt lở bờ sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ. 7. Phá hoại các công trình bảo vệ, điều tiết, tích trữ nước, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra. 8. Làm sai lệch thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước. 9. Không tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa do cơ quan có thẩm quyền ban hành. 10. Xây dựng đập, hồ chứa, công trình điều tiết, tích trữ nước, phát triển nguồn nước trái quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan.
Điều 235 Bộ luật Hình sự quy định về tội gây ô nhiễm môi trường, hành vi xả nước thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường tùy theo tính chất, mức độ mà bị phạt tiền thấp nhất 50 triệu đồng, cao nhất 500 triệu đồng hoặc bị phạt tù đến 2 năm. Vi phạm ở mức nghiêm trọng, có thể bị phạt tiền đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền tới 20 tỷ đồng, thậm chí có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Các trường hợp vi phạm quy định trên tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị xử lý về mặt hình sự. Theo quy định của pháp luật hiện hành, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu (buộc xử lý, khắc phục sự cố sụt, lún, sạt lở đất hoặc sự cố bất thường khác; buộc thực hiện các giải pháp phục hồi môi trường); buộc dỡ bỏ, di dời các vật gây cản trở dòng chảy; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; trám lấp giếng không sử dụng; thực hiện các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến sức khỏe con người.
Bên cạnh quy định xử lý vi phạm hành chính, Điều 235 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về tội gây ô nhiễm môi trường thì hành vi xả nước thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm nguồn nước, đất, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị phạt tiền thấp nhất 50 triệu đồng, cao nhất 500 triệu đồng hoặc bị phạt tù đến 2 năm. Vi phạm ở mức nghiêm trọng, có thể bị phạt tiền đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền tới 20 tỷ đồng, thậm chí có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra...
Trách nhiệm quản lý tài nguyên nước
Theo quy định của Luật Tài nguyên nước 2023, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên nước trong phạm vi cả nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện việc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan; UBND các cấp trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
Theo đó, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước; tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch; lập, tổ chức thực hiện phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh; xác định các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kịch bản nguồn nước; ban hành, điều chỉnh danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh; quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; tổ chức giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tài nguyên nước theo phân cấp;…
UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm: Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý trạm, công trình quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước, công trình thăm dò, khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước để bảo vệ các công trình này. Phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả; thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật lĩnh vực này. Tiếp nhận, quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo phân công. Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước theo phân cấp hoặc ủy quyền.
Ngoài ra, UBND cấp huyện còn có trách nhiệm tổ chức đăng ký hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; theo dõi, phát hiện và tham gia giải quyết sự cố ô nhiễm nguồn nước theo thẩm quyền; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra. UBND cấp xã có trách nhiệm giám sát các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo quy định.
Tuấn Dương (t/h)